Máu và nước mắt: Câu chuyện bi thương đằng sau mỗi chiếc iPhone hào nhoáng

02/02/2019 09:09 AM | Kinh doanh

Không phải chiến tranh thương mại, chính những công ty như Apple mới đang giết chết toàn cầu hóa.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lập nên các rào cản thương mại cũng như chủ nghĩa dân tộc bùng nổ trên thế giới đang khiến toàn cầu hóa ở vào giai đoạn khó khăn. Những thỏa thuận thương mại tự do và sự mở cửa trở thành lỗi thời khi hàng loạt các nước lớn đòi quyền lợi cho công dân của mình. Anh muốn tách khỏi Liên minh châu Âu (EU) vì thấy bất công trong khi làn sóng biểu tình chống người nhập cư lan tràn trên khắp khu vực này.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến toàn cầu hóa và tự do thương mại bị chỉ trích là sự làm giàu bất công của những tập đoàn lớn dựa trên mồ hôi nước mắt của lao động nghèo giá rẻ. Các công ty như Apple hưởng lợi lớn, nhà máy xuất khẩu ở các nước có nhân công giá rẻ thu lời, chỉ có những lao động bị bóc lột hoặc bị thất nghiệp mới là người phải chịu mọi nỗi đau và đây là căn nguyên chính thúc đẩy những xung đột thương mại ngày nay.

Máu và nước mắt: Câu chuyện bi thương đằng sau mỗi chiếc iPhone hào nhoáng - Ảnh 1.

Hãy nhìn vào iPhone, chiếc điện thoại này là biểu tượng của ngành công nghệ phát triển trong thế kỷ 21 khi trở thành một xu hướng tiêu dùng, biểu tượng thời trang, bí quyết thành công hay bất cứ thứ gì mà người ta có thể nghĩ tới. Tuy nhiên, iPhone cũng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo khi tại nhiều nơi, việc không sở hữu quả táo khuyết trở thành lạc hậu. Chiếc điện thoại này cũng cướp đi nguồn thuế hợp pháp của nhiều nước, cướp công việc lương cao khỏi lao động Mỹ và bóc lột thậm tệ những công nhân Trung Quốc.

Bất chấp những lời phê bình từ chính phủ và xã hội, Apple ngập trong tiền nhưng lại cạn dần ý tưởng. iPhone trở thành một biểu tượng tao nhã thừa thãi thay vì một sản phẩm sáng tạo mang tính cách mạng.

Máu và nước mắt

Khi ra mắt chiếc iPhone 7 vào năm 2016, trưởng bộ phận marketing Phil Chiller của Apple đã giải thích tại sao mẫu này không có khe cắm tai nghe bằng từ "bản lĩnh", bản lĩnh để đi tiếp, để làm điều gì mới mẻ và tốt hơn. Trớ trêu thay, những câu chữ vớ vẩn mị hoặc, bao biện cho việc bán thêm chiếc tai nghe không dây này này lại được đám đông 7.000 người tại buổi giới thiệu tung hô nhiệt liệt.

Trong khi đó những điều khó chấp nhận trong mô hình kinh doanh của Apple lại chẳng được mấy người để ý đến.

Chiếc iPhone của mọi người được lắp ráp tại 1 trong 3 công ty là Foxconn, Wistron và Pegatron. Nổi tiếng nhất là Foxconn sau khi khoảng 18 lao động của doanh nghiệp này tự tử vào năm 2010 và ít nhất 14 người đã tử vong.

Máu và nước mắt: Câu chuyện bi thương đằng sau mỗi chiếc iPhone hào nhoáng - Ảnh 2.

Sau vụ việc này Foxconn đã phải lắp 1 tấm lưới dưới các tòa nhà để đỡ những người có ý định nhảy lầu. Năm 2010, những lao động của nhà máy Longhua có hợp đồng với Foxconn đã lắp ráp được 137.000 chiếc iPhone mỗi ngày, tương đương 90 chiếc mỗi phút.

Một trong những nạn nhân năm đó là cô Tian Yu, 17 tuổi. Sau khi nhảy khỏi ban công tầng 4 của nhà máy cô đã bị liệt nửa người. Theo bản khai sau đó, mọi người đã vô cùng kinh ngạc trước điều kiện làm việc khắc nghiệt của công ty công nghệ hàng đầu thế giới Apple. Trong khi những kỹ sư của Apple được trả lương hậu hĩnh và có điều kiện làm việc xa hoa thì những lao động như cô Yu phải làm 12 tiếng mỗi ngày, 6 ngày/tuần, liên tục chuyển ca sáng tối và chỉ được sống trong căn phòng thuê 8 người ở chung.

Sau vụ việc năm 2010, Apple đã cam kết nâng cao chất lượng làm việc. Hãng cho in hàng loạt những tờ quảng cáo mỹ miều viết về cam kết của mình nhưng lại chẳng có bằng chứng nào cho thấy Apple chi bất kỳ xu nào từ đống tiền lợi nhuận hàng tỷ USD của mình cho những nhà máy sản xuất hợp đồng để cải thiện môi trường làm việc.

Nếu Foxconn dính bê bối vào năm 2010 thì Pegatron cũng chẳng kém cạnh. Trong nhiều năm tổ chức phi chính phủ China Labor Watch đã điều tra cũng như công bố hàng loạt báo cáo về các nhà máy lắp ráp hợp đồng của Pegatron. Công nhân tại đây vẫn làm việc 12 tiếng mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần và bình quân mỗi người phải làm không công 1 tiếng rưỡi do chính sách của công ty.

Tệ hại hơn, các công nhân tại đây bị buộc làm thêm giờ cũng như có môi trường làm việc không an toàn cho sức khỏe. Các công nhân tại đây phải lắp ráp bo mạch chủ cho mỗi chiếc iPhone trong vòng 3,75 giây để theo kịp tiến độ và phải đứng 10,5 tiếng mỗi ngày. Chỉ với như vậy họ mới kiếm đủ tiền lương ít ỏi để sống.

Trước những phàn nàn về điều kiện sống của các công nhân, chính phủ Thượng Hải đã nâng mức lương cơ bản cho người lao động, nhưng Pegatron đối phó lại bằng cách cắt giảm các khoản hỗ trợ khác như bảo hiểm y tế, khiến mức lương thực tế nhân viên được nhận theo giờ lại giảm đi.

Máu và nước mắt: Câu chuyện bi thương đằng sau mỗi chiếc iPhone hào nhoáng - Ảnh 3.

Khi được hỏi về điều kiện làm việc của các công nhân nhà máy hợp đồng, Pegatron chỉ trả lời lấy lệ mà không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cải thiện tình hình.

Tại một nhà máy hợp đồng khác của Apple là Wistron, một tổ chức phi chính phủ đã phát hiện ra việc ép buộc lao động với trẻ vị thành niên khi những học sinh ngành kế toán và quản trị bị buộc lắp ráp sản phẩm hàng tháng trời tại các nhà máy, vi phạm quy định về lao động quốc tế. Điều tra cho thấy hàng nghìn trẻ vị thành niên đã lao động trong các nhà máy của Wistron với mức lương rẻ mạt hơn người lớn do các em chưa đủ tuổi ký hợp đồng.

Một cô bé 19 tuổi nói với tổ chức Danwatch rằng mình bị ép làm việc tại nhà máy bởi không có lựa chọn nào khác. Trường học của cô cho biết nếu từ chối, cô sẽ không thể lấy được bằng tốt nghiệp.

Tiền vào tay ai?

Sau vụ việc năm 2010, Foxconn đã thực hiện những cuộc kiểm tra nhưng theo báo cáo của tác giả Jenny Chan với cuốn "Chết vì iPhone" (Dying for an iPhone), những cuộc điều tra này chỉ là "thanh tra dù" (Parachute Auditing). Nghĩa là Foxconn chỉ thanh tra lấy lệ nhằm có được báo cáo để tiếp tục kinh doanh như bình thường.

Nguyên nhân khiến Foxconn không chịu cải thiện môi trường làm việc cũng rất dễ hiểu khi Apple chọn các nhà máy tại Trung Quốc nhằm tận dụng nhân công giá rẻ. Trong khi lương của các công nhân tại những nhà máy như Pegatron chỉ vào khoảng 1,6 USD/giờ thì Apple vẫn là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận nhất thế giới với 47 tỷ USD vào năm 2015.

Trớ trêu hơn, Apple có 231 tỷ USD tiền mặt vào năm 2016, tức là nhiều hơn cả chính phủ Mỹ nhưng họ lại chẳng chi một xu nào cho những người lao động đang kiếm tiền cho họ. Với Apple, những kỹ sư mới là người quan trọng đáng được quan tâm chứ không phải những công nhân ít trình độ có thể dễ dàng thay thế tại Trung Quốc. Apple cũng chẳng đời nào dời nhà máy về Mỹ khi giá lao động quá cao bất chấp nhiều công dân Mỹ không có việc làm.

Máu và nước mắt: Câu chuyện bi thương đằng sau mỗi chiếc iPhone hào nhoáng - Ảnh 4.

Thay vì nghĩ đến những người lao động Mỹ hoặc Trung Quốc, Apple tập trung kiếm tiền cho những cổ đông, ví dụ như CEP Tim Cook, người nắm giữ 785 triệu USD cổ phần của hãng.

Mặc dù được bạn bè và người hâm mộ thần tượng về những triết lý làm việc nhưng vị tỷ phú này lại từ chối thanh toán 13 tỷ Euro tiền thuế cho Liên minh Châu Âu (EU). CEO Tim Cook gọi khoản phạt này là "rác rưởi chính trị" dù chúng có thể được dùng để cải thiện đời sống cho người dân. Apple cũng từ chối mang hàng tỷ USD lợi nhuận về Mỹ và cho rằng mức thuế hiện nay là không công bằng.

"Không phải cứ trả nhiều tiền hơn thì nghĩa là bạn yêu nước hơn", CEO Tim Cook nói.

Khi nói về toàn cầu hóa hiện nay, nhiều người chỉ ra những công ty như Apple là một trong những nguyên nhân khiến xu thế này ngày càng suy bại. Mô hình kinh tế sinh lời chỉ cho một nhóm nhỏ người được ngụy trang bằng những lời hứa to lớn "vì dân" khiến toàn cầu hóa nhanh chóng gây nên những cuộc xung đột.

Chẳng phải tự nhiên mà chủ nghĩa dân tộc trào lên ở các nước thời gian gần đây và cũng không khó hiểu khi chiến tranh thương mại nổ ra dù nền kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn hồi phục từ sau khủng hoảng 2008.

Máu và nước mắt: Câu chuyện bi thương đằng sau mỗi chiếc iPhone hào nhoáng - Ảnh 5.

AB

Cùng chuyên mục
XEM