Mâu thuẫn giữa UAE và OPEC sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường dầu mỏ?

07/07/2021 08:56 AM | Xã hội

Nhóm OPEC rơi vào khủng hoảng với cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Ả Rập Xê-út và UAE. Điều này đã đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của liên minh năng lượng cũng như thị trường dầu mỏ trong thời gian tới.

Nhóm OPEC rơi vào khủng hoảng với cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Ả Rập Xê-út và UAE.  Ảnh: AFP
Nhóm OPEC rơi vào khủng hoảng với cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Ả Rập Xê-út và UAE. Ảnh: AFP

OPEC và các đồng minh đã bất ngờ từ bỏ kế hoạch triệu tập lại vào thứ Hai sau khi các cuộc họp tuần trước không đạt được thỏa thuận về chính sách sản xuất dầu. Đáng chú ý, nhóm đã không ấn định một ngày mới để tiếp tục các cuộc đàm phán.

Điều này có nghĩa là không có thỏa thuận nào đạt được về khả năng tăng sản lượng dầu thô sau cuối tháng 7, qua đó có thể khiến thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng trì trệ khi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu phục hồi.

Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết: "OPEC+ đã trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ cuộc chiến giá giữa Ả Rập Xê-út và Nga vào năm ngoái. Các cuộc đàm phán được cho là đang tiếp tục, nhưng các câu hỏi về cam kết của UAE trong việc tiếp tục ở lại OPEC có thể sẽ tăng lên trong những ngày tới".

Ông Croft nói, tranh chấp giữa UAE và Ả Rập Xê Út dường như không chỉ liên quan đến chính sách dầu mỏ. Theo chuyên gia, Abu Dhabi "dường như có ý định bước ra ngoài cái bóng của Ả Rập Xê Út và vạch ra hướng đi của riêng mình trong các vấn đề toàn cầu".

OPEC+, tổ chức được thống trị bởi các nhà sản xuất dầu thô Trung Đông, đã đồng ý thực hiện cắt giảm sản lượng dầu thô vào năm 2020 trong nỗ lực hỗ trợ giá dầu khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Kể từ đó, nhóm đã từ từ tăng sản lượng trở lại thị trường, đồng thời tổ chức các phiên họp hàng tháng để thảo luận về chính sách đầu ra.

OPEC tan rã?

Tình trạng hỗn loạn xảy ra sau khi nhóm OPEC tìm cách thiết lập chính sách sản lượng trong thời gian còn lại của năm. Nhóm này hôm thứ Sáu đã bỏ phiếu về một đề xuất sẽ khôi phục sản lượng 400.000 thùng mỗi ngày cho thị trường từ tháng 8 đến tháng 12. Bên cạnh đó, các thành viên cũng đề xuất kéo dài việc cắt giảm sản lượng chung đến cuối năm 2022.

Tuy nhiên, các kế hoạch này đã bị UAE từ chối. Họ muốn có mức cơ sở cao hơn đối với hạn ngạch của mình để cho phép sản xuất nhiều hơn trong nước.

Tamas Varga, nhà phân tích dầu mỏ tại PVM Oil Associates cho biết: "Không có thỏa thuận nào đạt được và hiện tại, liên minh OPEC +, nếu nó vẫn là từ thích hợp để mô tả nhóm, sẽ sản xuất ở mức tháng 7 trong suốt thời gian còn lại của năm".

Cuộc đối đầu công khai hiếm hoi giữa UAE và Ả Rập Xê-út đã chứng kiến ​​cảnh các bộ trưởng năng lượng của cả hai nước tham gia vào một cuộc tranh luận trên phương tiện truyền thông vào cuối tuần qua.

"Đối với chúng tôi, đó không phải là một thỏa thuận tốt", Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE Suhail Al Mazrouei nói. Ông nói thêm rằng trong khi nước này sẵn sàng ủng hộ việc tăng nguồn cung dầu trong ngắn hạn, họ vẫn muốn có các điều khoản tốt hơn cho đến năm 2022.

Phát biểu với kênh truyền hình Al Arabiya thuộc sở hữu của Ả Rập Xê Út vào Chủ nhật, Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz bin Salman đã kêu gọi "sự thỏa hiệp hợp lý" để đạt được một thỏa thuận vào thứ Hai, Reuters đưa tin.

Bên cạnh đó, một người phát ngôn của Nhà Trắng đã cho biết rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy một "giải pháp thỏa hiệp". Mỹ không phải là thành viên của OPEC nhưng họ đã theo dõi chặt chẽ vòng đàm phán mới nhất do tác động tiềm tàng của nó đối với thị trường dầu thô trong năm tới.

Trả lời về thông tin cuộc họp OPEC + đã bị hoãn lại mà không đạt được thỏa thuận vào thứ Hai, John Kilduff, một đối tác sáng lập tại Again Capital, cho biết: "Sự đoàn kết của OPEC đã tan rã hôm nay. Đại dịch đã giữ họ lại với nhau và bây giờ hậu đại dịch đang chia cắt họ. UAE đang kiên quyết với mục tiêu sản xuất nhiều hơn nữa của họ".

Samuel Burman, trợ lý kinh tế hàng hóa tại Capital Economics, cho biết các nhà sản xuất OPEC có khả năng tăng sản lượng dầu vượt hạn ngạch vào tháng tới khi các quốc gia thành viên "tìm cách tận dụng" việc giá dầu cao hơn.

Ngoài rạn nứt giữa UAE và Ả Rập Xê Út, ông cho biết Abu Dhabi có lẽ "hơi bực bội" khi cho rằng Nga đã không tuân thủ hạn ngạch sản xuất của OPEC. Ông Burman cho biết, Nga đã không đưa ra bất kỳ khoản cắt giảm bù đắp nào và hiện đang sản xuất quá mức khoảng 100.000 thùng mỗi ngày.

Trần Võ

Cùng chuyên mục
XEM