Mặt trái trong ngành công nghiệp thẩm mỹ số 1 thế giới: Phụ nữ càng đẹp, áp lực càng lớn

07/06/2018 11:00 AM | Công nghệ

Sự phát triển của ngành công nghiệp thẩm mỹ tại Hàn Quốc không những chẳng mang lại lợi ích cho người phụ nữ tại xứ sở Kim Chi mà còn gây nên áp lực khá lớn đối với tâm lý của họ

Trong một vài năm vừa qua, ngành thẩm mỹ, đặc biệt là mảng chăm sóc da tại Hàn Quốc cũng như trên toàn thế giới đã được chứng kiến sự phát triển vượt bậc. Mới chỉ năm ngoái thôi, trào lưu đắp mặt nạ dưỡng da đã một lần nữa bùng nổ trên mạng xã hội với hàng loạt các sản phẩm mang hình dáng đặc biệt, từ mặt nạ dưỡng da hình thú cưng dễ thương cho đến cả các mặt nạ dưỡng da kinh dị với khuôn mặt zombie đều được bán rất chạy. Ai cũng muốn sở hữu cho mình một nước da sáng mịn đúng chuẩn theo nét đẹp của người con gái Hàn Quốc.

Tiêu chuẩn về nước da đẹp không chỉ được hình thành bởi quan niệm của các Blogger nổi tiếng trong ngành thẩm mỹ, bởi xã hội mà nó còn là một xu thế được định hướng bởi nền công nghiệp làm đẹp trị giá 13 tỷ USD của Hàn Quốc (Theo số liệu năm 2017). 

Theo ước tính, đến năm 2020, ngành công nghiệp chăm sóc da của Hàn Quốc có thể thu về tới 7,2 tỷ USD, dựa theo báo cáo của công ty Mintel. Theo đó thì những hình ảnh với phần make up gần như hoàn hảo của các ngôi sao K-Pop, những chuẩn mực về khuôn mặt sáng mịn của các trung tâm chăm sóc da tại Hàn Quốc sẽ là xu thế được ưa chuộng của quốc gia này trong một thời gian rất lâu nữa.

Mặt trái trong ngành công nghiệp thẩm mỹ số 1 thế giới: Phụ nữ càng đẹp, áp lực càng lớn - Ảnh 1.

"Từng có rất nhiều người đặt câu hỏi rằng - Tại sao người phụ nữ Hàn Quốc lại đẹp như vậy? Phải chăng là do các sản phẩm chăm sóc da, mỹ phẩm tại đây rất tốt?" Michael Hurt, giáo sư xã hội học tại Đại học Hankuk ở Seoul cho biết "Thực tế thì người Hàn Quốc có một số quan niệm về cái đẹp từ xưa đến nay, trong đó có nhắc đến việc cơ thể của người phụ nữ là thứ tài sản vô cùng quý giá của chính họ chứ không phải cho người đàn ông."

"Thế nhưng, với người đàn ông thì vẻ ngoài chuẩn mực tại Hàn Quốc sẽ phải là: không được quá béo, đầu tóc gọn gàng, ăn mặc lịch sự là được. Với người phụ nữ thì lại khác, nếu thỏa mãn đủ các yếu tố trên thì vẫn bị coi là thiếu quá nhiều tiêu chuẩn. Chình vì vậy mà các sản phẩm thẩm mỹ đã được ra đời để giúp cải thiện vẻ ngoài, tăng sự tự tin cho bản thân."

Các sản phẩm thẩm mỹ tại Hàn Quốc ngày càng được phát triển đa dạng với hàng chục liệu pháp khác nhau. Từ những mặt nạ giúp tạo hình V-Line cho khuôn mặt, cho tới cả các hair marker giúp che đi vầng trán cao hay gò má cao, thứ vốn được cho là thể hiện tướng sát phu trong quan niệm Á Đông... 

Vậy nhưng, theo một số khảo sát thì ngành thẩm mỹ tại Hàn Quốc càng phát triển, người phụ nữ tại quốc gia này không những không cảm thấy thoải mái hơn khi được chăm sóc sắc đẹp mà ngược lại, họ còn cảm thấy vô cùng áp lực khi liên tục phải chạy đua về nhan sắc với các chị em xung quanh.

"Nếu tôi không trang điểm, các đồng nghiệp của tôi thể nào cũng hỏi rằng sao trông em có vẻ mệt mỏi như vậy?" Một chuyên viên tư vấn tài chính giấu tên tại Hàn Quốc cho biết "Kết cả khi đến cuộc họp với các khách hàng, đồng nghiệp cũng yêu cầu tôi phải trang điểm bởi các khách hàng nam giới luôn cảm thấy hứng thú hơn khi nói chuyện với đối tác nữ xinh đẹp."

Ví dụ khác có thể kể đến là Marie Lee, một nhân viên trong ngành phát hành phim đã từng du học tại Anh và mới về công tác tại Hàn Quốc nhận xét rằng người phụ nữ ở đây có rất ít chọn lựa cho bản thân mình "Có sự khác biệt khá lớn về người phụ nữ ở đây với thế giới, họ không thể ra ngoài mà không trang điểm một chút nào. Nó như luật bất thành văn khiến cho người phụ nữ tại đây luôn phải trang điểm."

Một trong những nguyên nhân dẫn tới quan niệm tiêu cực trên về vẻ đẹp của người phụ nữ được cho là bởi chính các chiến dịch quảng bá của những đơn vị cung cấp dịch vụ thẩm mỹ.

Mặt trái trong ngành công nghiệp thẩm mỹ số 1 thế giới: Phụ nữ càng đẹp, áp lực càng lớn - Ảnh 2.

Như April Skin, một thương hiệu thẩm mỹ hàng đầu tại Hàn Quốc quảng cáo ngay trên chính trang chủ của mình về sản phẩm kem nền của mình với khẩu hiệu "Che mờ lỗ chân lông, giúp bạn có được lớp trang điểm hoàn hảo cho ngày mới." Có thể thấy rằng khẩu hiệu trên hướng tới việc tạo ra một lớp trang điểm hoàn hảo thay vì quan tâm thực sự tới sức khỏe và chăm sóc vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ.

Hay như Skin1004, một giải pháp chăm sóc da dành cho các học sinh, sinh viên ở độ tuổi đôi mươi cũng quảng bá với slogan "Da bạn sẽ ngày càng trở nên yếu và xấu đi, bạn cần giải quyết vấn đề này ngay."

Tất cả các quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đều tạo ra suy nghĩ cho xã hội rằng người phụ nữ kể cả khi vừa tắm xong cũng phải trang điểm. Việc trang điểm gần như là một luật bất thành văn đối với phụ nữ. Kể cả khi nước da của họ có đẹp hay xấu, nhan sắc có như thế nào và họ có muốn hay không thì cũng phải trang điểm nếu không muốn bị xã hội chê bai.

Trong năm 2017, Hàn Quốc được đánh giá xếp thứ 118 trong số 144 quốc gia có tỷ lệ phân biệt giới tính cao nhất tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới. Thứ hạng khá gần với Nhật Bản (114) và thấp hơn so với các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Singapore và Campuchia.

Một trong những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc trong việc giảm tải áp lực về quan niệm làm đẹp trên phụ nữ Hàn Quốc đã được đưa ra. Đó là chính phủ nước này đã tuyên bố sẽ cấm hoàn toàn các quảng cáo thẩm mỹ, làm đẹp xuất hiện tại nơi công cộng như ga tầu điện ngầm vào năm 2022. 

Nhận xét về điều này, giáo sư xã hội học Michael Hurt phát biểu "Tôi nghĩ rằng cuối cùng, chúng ta cũng đã phải thừa nhận rằng sự phát triển quá nhanh của ngành thẩm mỹ tại Hàn Quốc thực sự là một vấn đề. Mọi người đều được khuyến khích, gần như bị thúc ép phải đầu tư tiền nâng cấp cơ thể mình thay vì chi dùng cho những thứ khác trong cuộc sống. Quan niệm này này sẽ tạo nên rất nhiều hiệu ứng tiêu cực kéo theo phía sau nó."

Giáo sư Hurt cho rằng thời kỳ mà người phụ nữ sẽ bị chê bai nếu không trang điểm đã qua. Phụ nữ ngày nay đã dần có được chỗ đứng và quyền tự quyết của bản thân mình. 

Thế Anh

Cùng chuyên mục
XEM