Mặt hàng hot được các "cá mập" đua mua với số lượng khủng, ghi nhận mức tăng đột biến 152%

13/02/2023 11:27 AM | Kinh doanh

Trung Quốc dẫn đầu với tổng dự trữ vàng được báo cáo tăng lên hơn 2.000 tấn.

Mặt hàng hot được các "cá mập" đua mua với số lượng khủng, ghi nhận mức tăng đột biến 152% - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Các ngân hàng trung ương đã kết thúc năm 2022 với báo cáo mua ròng 28 tấn vàng trong tháng 12/2022. Bao gồm các giao dịch mua không được báo cáo, điều này đã nâng tổng số lượng mua vàng của các ngân hàng trung ương năm 2022 lên 1.136 tấn. Đây là mức mua ròng cao thứ 2 được ghi nhận kể từ năm 1950 và là năm thứ 13 liên tiếp ngân hàng trung ương mua ròng vàng.

Trong đó, Trung Quốc chính thức bắt đầu mua vàng trở lại vào tháng 11/2022 và mua thêm 30 tấn vào tháng 12/2022. Điều đó đã nâng tổng dự trữ vàng của đất nước này lên mức cao hơn 2.000 tấn.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tích trữ được 1.148 tấn vàng trong khoảng thời gian từ năm 2002-2019 và đột ngột dừng lại. Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục bổ sung thêm vàng vào trong danh sách dự trữ trong suốt những năm "im lặng" đó.

Theo ông Jim Rickards, từng chia trên Mises Daily rằng, nhiều suy đoán cho rằng Trung Quốc nắm giữ vài nghìn tấn vàng ngoài "những con số được công bố" tại Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE).

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Türkiye (Thổ Nhĩ Kỳ) tiếp tục mua nhất quán trong tháng 12/2022, bổ sung thêm 25 tấn vào kho dự trữ vàng của mình. Trong suốt năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã bổ sung khoảng 150 tấn vàng vào kho tích trữ. Đồng thời, Croatia mua 2 tấn vàng sau khi không báo cáo bất kỳ thay đổi nào về dự trữ vàng kể từ năm 2001.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã tiếp tục mua vàng vào tháng 12/2022, sau khi tạm dừng trong tháng 11 với số lượng mua khiêm tốn 1 tấn. Ấn Độ được xếp hạng là quốc gia nắm giữ vàng lớn thứ 9 trên thế giới. Kể từ khi nối lại hoạt động mua vào cuối năm 2017, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã mua hơn 200 tấn vàng.

Mặt hàng hot được các "cá mập" đua mua với số lượng khủng, ghi nhận mức tăng đột biến 152% - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Những giao dịch mua này được bù đắp một phần bởi doanh số bán hàng lớn của Kazakhstan (29 tấn) và Uzbekistan (1 tấn). Không có gì lạ khi các ngân hàng mua từ sản xuất trong nước – chẳng hạn như Uzbekistan và Kazakhstan – chuyển đổi giữa mua và bán.

Đồng thời, các đợt mua vào tháng 12 đã nâng tổng dự trữ vàng ròng của các ngân hàng trung ương trong quý 4/2022 lên 417 tấn. Tính đến nửa cuối năm 2022, các ngân hàng trung ương đã mua tổng cộng 862 tấn vàng.

Tổng mức tăng dự trữ là sự kết hợp của các hoạt động mua được báo cáo cùng với ước tính cho hoạt động mua đáng kể không được báo cáo.  Một số ngân hàng trung ương thường không báo cáo giao dịch mua bao gồm Trung Quốc và Nga.

Nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc là "người mua bí ẩn" dự trữ vàng, giảm thiểu tiếp xúc với đồng USD. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, "Nếu có thêm thông tin về hoạt động không được báo cáo này, những ước tính có thể được sửa đổi".

Tổng lượng mua của các ngân hàng trung ương năm 2022 là 1.136 tấn, tăng 152% so với năm 2021. Đây là mức mua vàng ròng hàng năm cao nhất của ngân hàng trung ương kể từ khi ngừng chuyển đổi USD thành vàng vào năm 1971.

Theo Hội đồng vàng thế giới, có hai động lực chính đằng sau việc mua vàng của ngân hàng trung ương chính là hiệu quả của nó trong thời kỳ khủng hoảng và vai trò của nó như một kho lưu trữ giá trị dài hạn.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong một năm bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn địa chính trị và lạm phát tràn lan, các ngân hàng trung ương đã chọn tiếp tục bổ sung vàng vào kho của họ với tốc độ nhanh hơn."

Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của Hội đồng vàng thế giới Juan Carlos Artigas nói với Kitco News rằng các giao dịch mua lớn nhấn mạnh thực tế rằng vàng vẫn là một tài sản quan trọng trong hệ thống tiền tệ toàn cầu.

"Mặc dù vàng không còn hỗ trợ tiền tệ nữa nhưng nó vẫn đang được sử dụng. Tại sao? Bởi vì nó là một tài sản thực sự," ông nhấn mạnh.

Trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương đã bổ sung dự trữ ròng trong 13 năm liên tiếp với hơn 6.800 tấn vàng.

Sau những năm kỷ lục vào năm 2018 và 2019, hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương đã chậm lại vào năm 2020 với tổng lượng mua ròng khoảng 273 tấn. Tỷ lệ mua thấp hơn vào năm 2020 được dự đoán là do ngân hàng trung ương đã tăng cường mua cả trong năm 2018 và 2019. Sự hỗn loạn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra cũng đã tác động đến thị trường.

Nhu cầu của ngân hàng trung ương đạt 650,3 tấn vào năm 2019. Vào thời điểm đó là mức mua hàng năm cao thứ hai trong 50 năm, chỉ thấp hơn một chút so với mức mua ròng 656,2 tấn của năm 2018 .

Tham khảo: Oilprice

Theo Quỳnh Anh

Cùng chuyên mục
XEM