Marketing 'đỉnh cao' như Xiaomi: Không phải ngẫu nhiên ‘đổi logo như không đổi’, chẳng tốn 1 xu quảng cáo vẫn được PR miễn phí khắp nơi

31/03/2021 16:44 PM | Kinh doanh

Có vẻ như đây là một chiến lược marketing khôn ngoan và "lời lãi" của Xiaomi.

Mới đây, trong sự kiện giới thiệu dòng điện thoại gập mới Mi Mix Fold, Xiaomi đã công bố nhận diện logo mới. Điều đáng chú ý là logo mới có vẻ như không khác nhiều so với logo cũ bởi nó chỉ được sửa từ hình vuông thành hình có góc bo tròn và đẩy cỡ chữ to hơn một chút.

Hãng cho biết quá trình thiết kế và chọn logo mới phù hợp đã được khởi động từ năm 2017 và tiêu tốn tới 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 7 tỷ đồng). Ngay lập tức, việc này đã tạo ra hàng nghìn topic và nhiều triệu bình luận trên toàn thế giới. Phần lớn đều cho rằng Xiaomi đã trả số tiền quá lớn so với kết quả nhận được.

Marketing đỉnh cao như Xiaomi: Không phải ngẫu nhiên ‘đổi logo như không đổi’, chẳng tốn 1 xu quảng cáo vẫn được PR miễn phí khắp nơi - Ảnh 1.

Pha đổi logo đáng chú ý của Xiaomi.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến là có vẻ như đây là một chiến lược marketing khôn ngoan và "lời lãi" của Xiaomi. Không cần quảng cáo, họ đã được nhắc tới miễn phí trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Việc này khiến chúng ta liên tưởng tới sự cố cửa kính xe Cybertruck vốn được quảng cáo là có khả năng chống đạn của Tesla... vỡ toang trên sân khấu chỉ sau một cú ném.

Ngay lập tức, nó đã trở nên "viral" trên mạng xã hội, giúp Tesla đạt được 250.000 đơn đặt hàng cho sản phẩm này chỉ sau 2 ngày mà không cần tốn một xu quảng cáo nào. Người ta cho rằng đây là "thuyết âm mưu" của Elon Musk nhằm giúp chiếc xe nhận được nhiều sự chú ý hơn.

Quay trở lại với Xiaomi, chủ đề thay đổi logo của họ đang trở nên "hot" hơn bao giờ hết. Cư dân mạng thậm chí còn "chế" ảnh logo mới của hãng thành… bảng kiểm tra thị lực cùng nhiều hình ảnh hài hước khác.

Marketing đỉnh cao như Xiaomi: Không phải ngẫu nhiên ‘đổi logo như không đổi’, chẳng tốn 1 xu quảng cáo vẫn được PR miễn phí khắp nơi - Ảnh 2.

Bảng đo thị lực bằng logo mới của Xiaomi.

Có thể nói, Xiaomi đã thành công phần nào trong việc ra mắt logo mới lần này. Trên thực tế, đây chỉ là một trong những chiến lược marketing mà họ áp dụng trong suốt quá trình kinh doanh.

Dưới đây là một số chiến thuật marketing của hãng smartphone lớn thứ ba thế giới:

Không giống các đối thủ cạnh tranh như Oppo hay Vivo, Xiaomi sử dụng marketing kỹ thuật số để tiết kiệm chi phí thay vì phương pháp marketing truyền thống.

Tận dụng sức mạnh của marketing thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, Xiaomi đã phát triển mà không phải đầu tư một xu nào cho quảng cáo truyền thống. Công ty đã tuyển dụng hơn 2.000 nhân viên để phụ trách các mạng xã hội, diễn đàn và cộng đồng trực tuyến của mình.

Đầu tiên, họ xây dựng lượng người hâm mộ công nghệ hùng hậu. Thành lập công ty với một sản phẩm duy nhất là hệ điều hành MIUI, CEO Lei Jun không muốn chi tiền cho quảng cáo và marketing trong giai đoạn đầu. Để tạo nhận thức về thương hiệu, ông cùng cấp dưới bắt đầu quảng bá sản phẩm trên các diễn đàn trực tuyến.

Họ đã làm việc thực sự chăm chỉ trên những diễn đàn đó, tích cực gửi bài viết, bình luận và quảng bá sản phẩm. Với ngân sách bằng 0, họ đã thành lập một nhóm mà sau này trở thành "căn cứ điểm" của người hâm mộ Xiaomi với hơn 1 triệu người đăng ký.

Marketing đỉnh cao như Xiaomi: Không phải ngẫu nhiên ‘đổi logo như không đổi’, chẳng tốn 1 xu quảng cáo vẫn được PR miễn phí khắp nơi - Ảnh 3.

Một nhóm người hâm mộ của Xiaomi.

Tiếp theo, họ luôn tìm cách đạt được sự tin yêu của người hâm mộ. Xiaomi thu thập phản hồi từ người dùng hàng tuần và sửa lỗi hay cập nhật trong các bản phát hành tiếp theo. Khi một phiên bản MIUI mới ra mắt, nó sẽ được phân tích và trải nghiệm bởi hàng trăm nghìn người dùng khó tính. Thậm chí các fan của Xiaomi còn tự tổ chức các buổi gặp mặt ngoài đời để chia sẻ về đam mê dành cho thương hiệu. Việc lắng nghe và thay đổi dựa trên phản hồi của khách hàng đã góp phần quan trọng giúp Xiaomi đạt được thành công như ngày nay.

Một chiến lược thành công khác của Xiaomi là bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng và không có sự tham gia của bất cứ bên trung gian nào. Chiến lược này giúp sản phẩm của Xiaomi có mức giá cạnh tranh hơn so với các đối thủ trên thị trường. Thời điểm hiện tại, công ty đã sử dụng một số nền tảng thương mại điện tử để phân phối sản phẩm.

Ngoài ra, nhờ xây dựng thành công nhóm khách hàng trung thành lên tới hàng triệu người, Xiaomi đã tận dụng được một hình thức quảng bá hiệu quả và không tốn kém khác là "truyền miệng".

Nguồn: Tổng hợp

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM