Mạng xã hội LinkedIn bị Trung Quốc sử dụng như công cụ gián điệp để tấn công Mỹ

15/06/2019 09:34 AM | Công nghệ

Nhiều thành viên thuộc chính phủ Mỹ và giới trí thức chính trị, doanh nhân nước này đang bị những "tài khoản ma" trên LinkedIn kết bạn, trò chuyện và khai thác thông tin.

Hình đại diện trên LinkedIn của Katie Jones là một cô gái tóc đỏ, 30 tuổi, làm việc trong một nhóm với các chuyên gia hàng đầu và có một mạng lưới quan hệ rộng khắp với các nhân vật có tiếng tăm trong giới chính trị Mỹ. Mới đây, cô đã kết nối với một phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao, phụ tá cao cấp của một thượng nghị sĩ và nhà kinh tế Paul Winfree, người đang được xem xét cho một ghế trong Cục Dự trữ Liên bang.

Nhưng Katie Jones không tồn tại, theo báo cáo của AP. Đây chỉ là một gương mặt đại diện trong đội quân khổng lồ, bao gồm các hồ sơ ảo đang ẩn nấp trên LinkedIn. Theo một số chuyên gia công nghệ, hình ảnh hồ sợ của Jones, dường như được tạo ra bởi một chương trình máy tính.

LinkedIn là mạng xã hội lớn thứ 3 thế giới chỉ đứng sau Facebook và Twitter, với cách thức hoạt động và nền tảng có nhiều điểm tương tự như các mạng xã hội khác. Tuy nhiên đối tượng sử dụng Linkedin chủ yếu là những doanh nghiệp, cá nhân với mục đích tuyển dụng hoặc tìm kiếm việc làm, cũng như mở rộng cơ hội kinh doanh.

Trên nền tảng này, người dùng thường chấp nhận yêu cầu kết nối từ những người họ biết hoặc những người có nhiều bạn chung với mình. Rất nhiều thành viên thuộc chính phủ Mỹ cũng như giới trí thức chính trị, doanh nhân đang sử dụng mạng xã hội này. Đó cũng là lý do đã khiến LinkedIn trở thành công cụ tiếp cận của gián điệp quốc tế.

Các nhân vật giả mạo này đều có điểm chung là một hồ sợ thông tin ấn tượng, bên cạnh các hình ảnh do máy tính tạo ra để tránh trùng lặp với người thật. Nhiệm vụ chính của chúng là gửi yêu cầu kết nối tới các chính trị gia, những người vận động hành lang, các học giả… Khi được một người nào đó chấp nhận, điều đó ngược lại sẽ càng củng cố uy tín của tài khoản giả, khiến những người dùng khác dễ dàng chấp nhận kết nối hơn. Điều đó đã khiến các cơ quan tình báo phương Tây lo lắng.

Mạng xã hội LinkedIn bị Trung Quốc sử dụng như công cụ gián điệp để tấn công Mỹ - Ảnh 1.

Trung Quốc được cho là đứng sau các hoạt động gián điệp trên LinkedIn

"Nó có mùi rất giống với một số hoạt động của chính phủ nước ngoài", Jonas Parello-Plesner, người từng là giám đốc chương trình Tổ chức Liên minh Dân chủ có trụ sở tại Đan Mạch nói. Cách đây vài năm, ông từng là mục tiêu bị tiếp cận của một hoạt động gián điệp trên LinkedIn.

William Evanina, giám đốc Trung tâm phản gián và an ninh quốc gia Mỹ, cho biết các điệp viên nước ngoài thường xuyên sử dụng các hồ sơ truyền thông xã hội giả để thực hiện tiếp cận các mục tiêu ở Mỹ. Ông cũng cáo buộc Trung Quốc đứng sau tiến hành các cuộc tấn công trên quy mô lớn thông qua hệ thống gián điệp trên LinkedIn.

"Thay vì phái điệp viên đến một số gara đỗ xe ở Mỹ để làm quen và chiêu mộ mục tiêu, giờ những kẻ tấn công chỉ cần ngồi sau máy tính ở Thượng Hải và gửi yêu cầu kết bạn tới 30.000 mục tiêu", ông chia sẻ trong một tuyên bố bằng văn bản.

Tháng trước, sĩ quan CIA đã nghỉ hưu Kevin Mallory bị kết án 20 năm tù vì chuyển các tài liệu chi tiết về một số hoạt động bí mật cho gián điệp Trung Quốc. Mối quan hệ giữa hai bên bắt đầu khi một đặc vụ Trung Quốc đóng giả làm nhà tuyển dụng liên lạc với anh trên LinkedIn. Các quan chức Anh, Pháp và Đức cũng đưa ra cảnh báo trong vài năm qua, nêu chi tiết về cách hàng ngàn người đã được các điệp viên nước ngoài liên lạc qua mạng xã hội nói trên.

Trong một tuyên bố, LinkedIn cho biết họ thường xuyên có hành động chống lại các tài khoản giả mạo. Tuy nhiên, rủi ro không thể bị loại trừ hoàn toàn và các nhà quản lý cũng cảnh báo người dùng chỉ nên kết nối với những người mà họ biết và tin tưởng.

Hồ sơ Katie Jones có quy mô khiêm tốn, chỉ với 52 kết nối. Nhưng những kết nối đó đã đủ ảnh hưởng đến việc họ tạo sự tin tưởng với không ít nhân vật có quyền lực trong giới chính trị Mỹ. Khoảng 40 người đã được Jones tiếp cận và nói chuyện trong khoảng thời gian từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 4 năm nay. Nhiều người trong số họ nói rằng thường xuyên nhận được lời mời kết nối từ những người mà họ không nhận ra.

Winfree, cựu phó giám đốc của Hội đồng chính sách trong nước của Tổng thống Donald Trump, đã xác nhận kết nối với Jones vào ngày 28/3. Ông là một trong những người được đề cử cho một vị trí trong Hội đồng Thống đốc của Quỹ dự trữ Liên bang. Winfree cho biết ông hiếm khi đăng nhập vào LinkedIn và có xu hướng chấp nhận tất cả những lời mời yêu cầu kết bạn mà mình nhận được.

Mạng xã hội LinkedIn bị Trung Quốc sử dụng như công cụ gián điệp để tấn công Mỹ - Ảnh 2.

Các chuyên gia chỉ ra rằng gương mặt của Jones là do phần mềm máy tính tạo ra.

Nhiều chuyên gia được phỏng vấn cho biết có lẽ khía cạnh hấp dẫn nhất của nhân vật Katie Jones là khuôn mặt của cô, thứ mà họ nói là dường như được tạo ra một cách giả tạo. Nhiều chuyên gia hình ảnh cho biết bức chân dung người phụ nữ với đôi mắt màu xanh lục, mái tóc màu đồng và nụ cười mê hoặc này được tạo ra bằng cách sử dụng một chương trình mạng đối nghịch, đôi khi được mô tả là một dạng của AI. Nó có thể tạo ra các khuôn mặt trông như thật của những người hoàn toàn không có thực.

Hồ sơ của Jones lần đầu tiên bị nghi ngờ bởi Keir Giles, một chuyên gia hàng đầu về các vấn đề an ninh ảnh hưởng đến Nga và Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga. Gần đây ông bị cuốn vào một hoạt động gián điệp nhắm vào các nhà phê bình của công ty phát triển phần mềm chống virus Kaspersky. Vì vậy, ngay khi nhận được lời mời từ Katie Jones trên LinkedIn, ông đã nghi ngờ. Đại diện LinkedIn cho biết họ đã xóa tài khoản giả mạo của Katie Jones. Nhưng điều đó dường như là chưa đủ, bởi mạng xã hội này vẫn là một môi trường tốt và xuyên biên giới cho các hoạt động gián điệp có thể tiếp tục được triển khai.

Theo Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM