Mảng không gian làm việc chung hồi sinh mạnh mẽ: Tỷ lệ lấp đầy hiện đạt hơn 80% công suất

16/07/2022 16:28 PM | Kinh doanh

Với tổng diện tích sàn khoảng 135.500 m2 trên toàn quốc, hai phần ba trong số không gian làm việc chung (co-working space) tập trung tại TP.HCM, phân khúc thị trường này đang có tỷ lệ lấp đầy hơn 80% tại các toà nhà văn phòng Hạng A và B. Các doanh nghiệp đa quốc gia và công ty khởi nghiệp trong lẫn ngoài nước là những khách hàng tiềm năng hơn cả.

Không gian làm việc chung của The Sentry.
Không gian làm việc chung của The Sentry.

Giai đoạn giãn cách xã hội năm 2021 vô hình chung đã tạo ra tiền đề phát triển thị trường không gian làm việc chung tại Việt Nam, theo một báo cáo mới được Acclime và Knight Frank Việt Nam công bố tháng này.

Với tổng diện tích sàn khoảng 135.500 m2 trên toàn quốc, hai phần ba trong số đó tập trung tại TP.HCM, phân khúc thị trường này đang có tỷ lệ lấp đầy hơn 80% tại các toà nhà văn phòng Hạng A và B.

Tháng 6 vừa qua, WeWork vừa công bố kết quả tài chính trong ba tháng đầu năm (kết thúc vào ngày 31/3/2022). Tổng doanh thu kết hợp của WeWork trong Quý I/2022 đã tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước ở Đông Nam Á. Tương tự, thị trường Việt Nam có mức tăng trưởng 40% cho tổng doanh thu kết hợp trong cùng thời điểm.

Công suất cho thuê và doanh số tổng của WeWork ở TP.HCM tại 2 tòa nhà Lim Tower 3 - E.Town Central đã chứng kiến sự tăng trưởng: công suất cho thuê tăng 28 điểm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng doanh số làm việc trong Quý I/2022 tăng hơn gấp đôi so với Quý IV năm 2021.

Còn theo ông Matthew Lourey - Giám đốc Điều hành Acclime Việt Nam, nhờ vào sự biến chuyển mạnh mẽ trong cách làm việc tại Việt Nam mà phân khúc này hiện đang dẫn đầu.

"Ngành co-working cộng Covid-19 đã tạo ra một cuộc cách mạng, làm thay đổi lề thói làm việc công sở lớn nhất của thời đại này. Cách chúng ta lao động, học tập, giao tiếp và nhất là nơi chúng ta làm việc, đã được thay đổi vĩnh viễn", ông Matthew Lourey nhận định.

Có thể xem, đại dịch như một liều vaccine tăng cường cho phân khúc vốn đã và đang trên đà phát triển này. Theo báo cáo, vào năm 2019: cứ mỗi 7 tuần lại có một không gian làm việc chung được khai trương tại Việt Nam. Bây giờ, mặc dù tốc độ gia nhập thị trường có phần chậm lại so với thời hoàng kim trước đại dịch, song tỷ lệ lấp đầy kỷ lục của phân khúc thị trường này cho thấy đang có sự thay đổi lớn trong văn hoá doanh nghiệp.

Mảng không gian làm việc chung hồi sinh mạnh mẽ: Tỷ lệ lấp đầy hiện đạt hơn 80% công suất - Ảnh 1.

WeWork E.Town Central. Ảnh: WeWork Việt Nam (chụp trước khi Covid-19 xảy ra).

Trải nghiệm làm việc tại nhà vốn chiếm phần lớn thời gian năm 2021 tại Việt Nam và hầu như suốt hai năm qua trên toàn thế giới; nó đã tạo ra sự thay đổi trong cách thức các doanh nghiệp nhìn nhận phân khúc thị trường bất động sản thương mại.

Ông Greg Ohan - Tổng Giám đốc kiêm Đồng sáng lập The Sentry, nhận định: "Chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển hướng vĩ đại, cho thấy nhu cầu của các doanh nghiệp và tổ chức trên toàn cầu đối với không gian làm việc linh hoạt, có giá thuê phải chăng.

Các công ty hiện đang tìm kiếm mặt bằng thuê có thể điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu, hạn chế việc thuê dài hạn, kèm theo đó là chi phí đáng kể nhằm cải tạo và hoàn thiện nội thất. Khách hàng cũng tìm kiếm những không gian mà họ có thể tận dụng hiệu quả, thay vì phải trả tiền thuê cho các phòng họp, phòng chức năng và không gian đào tạo vốn hiếm khi được sử dụng.

Khách hàng muốn thuê không gian làm việc chỉ khi họ thực sự cần, chứ không phải trả tiền thuê từ tháng này sang tháng khác".

The Sentry hiện có 6.300 m2 không gian làm việc chung tại trung tâm TP.HCM và chuẩn bị khai trương thêm ba địa điểm nữa trong thành phố này.

"Thời hạn hợp đồng thuê văn phòng truyền thống luôn là vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong những năm đầu xây dựng sự nghiệp.

Văn phòng linh hoạt đem đến giải pháp kịp thời, giúp khách thuê chuyển vào ngay lập tức, sắp xếp không gian theo số người lao động, cân đối ngân sách với tiền thuê đã bao gồm mọi chi phí. Ngoài ra, thời hạn hợp đồng thuê ngắn hơn nhiều so với văn phòng truyền thống, cũng giúp họ thêm linh hoạt trong hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, đối với các công ty khởi nghiệp chưa nắm chắc số lượng nhân viên thực tế trong một vài năm đầu, sự linh hoạt này là nhân tố thiết yếu cho phép họ mở rộng hoặc thu hẹp quy mô nếu cần," ông Alex Crane - Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam, cho biết.

Đứng trước thực trạng bình thường mới, nhiều doanh nghiệp đã phải cải tổ triệt để cách thức làm việc. Mô hình làm việc hybrid được triển khai, đem lại khả năng linh hoạt tuyệt đối cho người lao động về giờ giấc làm việc, bố trí sắp đặt văn phòng, và tương tác trong văn hoá doanh nghiệp.

Một khảo sát của McKinsey cho thấy: những doanh nghiệp hay tổ chức có chính sách và cách tiếp cận cụ thể hơn đối với không gian làm việc trong tương lai, đã ghi nhận phúc lợi và năng suất của người lao động được cải thiện rõ rệt.

Mảng không gian làm việc chung hồi sinh mạnh mẽ: Tỷ lệ lấp đầy hiện đạt hơn 80% công suất - Ảnh 2.

Alex Crane - Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam

Dù vậy, báo cáo cũng nêu ra một vài hạn chế của không gian làm việc chung. Tiêu biểu như: thiếu vắng bản sắc thương hiệu của khách thuê, cơ sở vật chất dùng chung bị chiếm dụng trong giờ cao điểm, nguy cơ xao lãng - mất tập trung của nhân viên trong không gian mở, cũng như một số lo ngại về sự riêng tư của từng doanh nghiệp đều được đề cập trong báo cáo.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, không gian mở lại giúp nâng cao tính cộng đồng của của doanh nghiệp.

Bởi, ngoài những con số đo lường thuần tuý, tinh thần cộng đồng lan toả trong môi trường làm việc chung cũng được nêu bật trong khắp các báo cáo như một yếu tố góp phần phát triển phân khúc này và cũng là một trong những lý do chính khiến không gian làm việc chung đạt 80% công suất trên toàn quốc.

"Văn phòng linh hoạt không chỉ là nơi làm việc, mà còn là một nơi chú trọng đến tính cộng đồng, nơi khách thuê có thể tương tác với nhau một cách tự nhiên, tạo lập những thói quen xã hội và công việc mới, khám phá những cách thức mới mẻ để giao tiếp với nhau," ông Lourey cho biết.

Hơn nữa, báo cáo nhấn mạnh rằng: các doanh nghiệp đa quốc gia và công ty khởi nghiệp trong lẫn ngoài nước là những đối tượng chính chú ý đến không gian làm việc chung. Đồng thời, với kinh nghiệm của mình, ông Ohan cũng tiết lộ rằng: các công ty lớn trong khu vực, có chi nhánh tại Việt Nam với quy mô 50 nhân viên trở xuống, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, là những khách hàng tiềm năng của The Sentry.

Ông Alex Crane phân tích tiếp: "Không gian làm việc linh hoạt không chỉ là công cụ thiết yếu đối với khách thuê doanh nghiệp đang tìm kiếm mô hình công sở hybrid, mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã ghi nhận 62.961 doanh nghiệp mới thành lập, tổng vốn đầu tư 471,2 nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đang và sẽ thuê không gian làm việc chung, nơi sẽ giúp họ chắp cánh ước mơ tạo dựng sự nghiệp.

Báo cáo Quý II/2022 do Knight Frank công bố gần đây ghi nhận tỷ lệ còn trống của văn phòng Hạng A và Hạng B ở dưới mức 10% trên toàn thành phố.

Chúng tôi dự đoán rằng: tinh thần khởi nghiệp của người Việt sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về không gian làm việc linh hoạt. Bên cạnh đó, các công ty, tập đoàn đa quốc gia không ngừng đầu tư và mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam, cũng góp phần gia tăng nhu cầu này".

Ông Crane cũng lưu ý rằng: tỷ lệ lấp đầy cao kỷ lục của văn phòng cho thuê tại TP.HCM cũng là một nhân tố thúc đẩy sự phát triển không gian làm việc chung.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM