Mang danh tỷ phú nhưng cách đây 4 tháng Elon Musk hoàn toàn nhẵn túi, phải vay tiền bạn bè sống qua ngày

15/06/2017 14:30 PM | Kinh doanh

Elon Musk được ghi nhận nắm trong tay khối tài sản tỷ đô, nhưng thực tế tất cả chỉ là "tiền ảo" được tính dựa vào giá trị của các cổ phiếu do ông sở hữu.

Trong khoảng thời gian chưa đầy 4 tháng, tài sản cá nhân của nhà sáng lập Tesla Motors và Giám đốc điều hành Elon Musk đã tăng thêm 2,3 tỷ USD. Theo Bloomberg Billionaire Index, Musk đang sở hữu khối tài khoản trị giá 13 tỷ USD nhưng sự thật có thể hoàn toàn khác.

Trên thực tế, vào năm 2010, tài khoản ngân hàng của nhà tỷ phú này đã cạn kiệt. Musk muốn giữ cổ phần để chờ cho đến thời điểm thích hợp mới bán ra. Điều này sẽ giúp ông thu được món hời lớn.

Musk, người từng sở hữu 200 triệu USD tiền mặt vào năm 2010, đã quyết định đầu tư “đồng tiền cuối cùng của mình vào công việc kinh doanh” và phát biểu tại một phiên tranh tụng tại toà rằng: “Cách đây khoảng 4 tháng, tôi đã hết sạch tiền”. Musk trả lời phỏng vấn DealBook của Thời báo New York vào thời điểm đó rằng: “Tôi có thể phải bán vội cổ phần của mình hoặc vay mượn bạn bè”.

Đây chính là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà nhiều doanh nghiệp gặp phải. Tuy vậy, các lựa chọn của Musk và nhiều chủ doanh nghiệp khác lại rất khác nhau. Musk thà sống với món nợ 200.000 USD hàng tháng do mượn tiền từ các bạn bè tỷ phú - mặc dù ông vẫn sử dụng máy bay cá nhân riêng, còn hơn là bán cổ phần của mình tại Tesla. Cho dù, gốc rễ của vấn đề là như nhau: Tài sản vô hình hay nói cách khác, một ông chủ doanh nghiệp, người “giàu về giá trị tài sản” và “nghèo tiền mặt”. Và điều này có thể dẫn các giám đốc công ty đến những quyết định khó khăn hơn bao giờ hết: phải bán một phần hoặc toàn bộ công ty của họ.

Đây không phải chỉ là vấn đề đối với các nhà sáng lập startup công nghệ ở California.

“Đây thực sự là một trong những tình huống khó khăn chưa có lời giải”, Richard Stumpf, đối tác quản lý của Wichita, Financial Benefits (đặt trụ sở ở Kansas) cho biết. Stumpf đã làm việc với các nông dân trong tình cảnh này, và đôi khi lý do khiến ông khánh kiệt tiền mặt cũng tương tự với những gì đã xảy ra với Musk: Ly hôn.

“Ở đây, điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Canh tác trên diện tích 2.000 mẫu Anh… giàu tài sản, nghèo tiền mặt. Và thành thật mà nói, các lựa chọn còn hạn chế”, ông chia sẻ.

Ngay cả khi bạn có những người bạn tốt bụng như các bằng hữu của Elon, vay tiền cũng có thể gây ra nhiều rắc rối. Cách đây nhiều năm, một người bạn của Stumpf, người từng sở hữu một công ty xây dựng đường cao tốc, đã mượn tiền của bạn bè. Sau đó, ông đã trả lại họ đầy đủ nhưng việc trả nợ của ông rất chậm chạp, vì thế, mối quan hệ giữa ông và họ lại trở nên xấu đi. Cuối cùng, doanh nghiệp ông còn đứng vững hơn tình bạn căng thẳng giữa ông và những người bạn của ông.

Ngay cả các doanh nghiệp có tài sản thế chấp khi vay, họ vẫn cần tiền mặt để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Và trong nhiều trường hợp, chủ nợ luôn thận trọng trước các loại tài sản thế chấp. Họ không chấp nhận các tài sản vô hình, Andrew Sherman, đối tác tại Seyfarth Shaw người từng hợp tác với nhiều công ty ở tất cả các giai đoạn phát triển cho biết.

“Ngân hàng làm công việc thu lãi chứ không phải tịch thu tài sản thế chấp”, Stumpf nói. “Bán doanh nghiệp hoặc một số mặt bằng nào đó mà bạn không muốn bán có thể là cách duy nhất để tồn tại”, ông nói thêm.

Đây có thể là một tính toán tốt cho các chủ doanh nghiệp đang có hợp đồng và có khả năng tạo ra lượng tiền mặt đáng kể. Nhưng đối với các doanh nghiệp này, sự mở rộng là yếu tố tiên quyết. Tuy vậy, bán cổ phần để mở rộng quỹ thường là một quyết định đáng sợ.

“Bạn không muốn đi trên con đường của các nhà đầu tư thiên thần bởi vì bạn biết bạn đang cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận lại”, Stumpf nói. “Trong một doanh nghiệp phát triển nhanh, bạn bán 10% số cổ phần để lấy tiền mặt nhằm tiếp tục phát triển doanh nghiệp nhưng công ty bạn đang tăng trưởng 30% đến 40% mỗi năm. Việc làm này thực sự làm mất một phần lãi của bạn. Đây thực sự là việc làm đáng hổ thẹn khi xảy ra với một doanh nghiệp có năng lực”, Stumpf nói.

Sherman nói, nhiều doanh nghiệp cần đưa cổ phiếu ra thị trường chứng khoán để giải quyết những rắc rối về dòng tiền, nhằm tiếp tận các nhà đầu tư thiên thần, hoặc mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ trực tuyến, đặc biệt là khi họ không có bất động sản hoặc hàng tồn kho hoặc các thiết bị để cầm cố. Về ngắn hạn, điều này có thể hấp dẫn bởi vì giải pháp này không yêu cầu phải trả nợ. Nhưng về trung hạn và dài hạn, đây có thể là “một nguồn vốn rất tốn kém” đối với một doanh nghiệp đang phát triển và mong đợi vốn chủ sở hữu tăng giá trị, Sherman nói.

Một chiến lược có thể áp dụng là hợp tác với một nhà đầu tư thiên thần để xin một khoản vay ngân hàng. Khi đó, nhà đi câu sẽ bảo lãnh doanh nghiệp bằng một bảng cân đối kế toán cá nhân của họ để bảo lãnh khoản vay và đổi lại, họ sẽ nhận lại tài sản hoặc các giấy chứng nhận. Chủ doanh nghiệp vẫn phải từ bỏ tài sản nhưng ít tốn kém hơn nhiều so với bán trực tiếp bởi vì rủi ro đối với nhà đầu tư đã giảm thiểu đáng kể, Sherman nói.

Chính nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp càng khiến các ông chủ dễ phải đối mặt với tình trạng này ở giai đoạn nào đó trong quá trình phát triển công ty. Các chủ sở hữu thu hẹp lợi nhuận công ty và bản thân doanh nghiệp thường chiếm 80% đến 90% giá trị tài sản ròng, Stumpf ước tính. Ở một doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh, thu nhập được giữ lại có thể thấp bởi vì ông chủ đang tái đầu tư vào doanh nghiệp.

“Họ sẽ làm bất cứ điều gì họ có thể để giữ doanh nghiệp tiếp tục tồn tại”, Stumpf nói. Ví dụ của chính ông là một điển hình. “Tiền lương tôi kiếm được trong vài năm đầu tiên không quan trọng. Tôi đang mua nhiều máy tính mới hoặc đăng ký các dịch vụ thông tin hoặc thực hiện các chương trình tiếp thị. Khi nào tôi chưa có một nhà máy trị giá một triệu USD, tôi vẫn phải làm điều tương tự – tái đầu tư vào doanh nghiệp thay vì mang tiền lương cao về nhà.”

Với tư cách là Giám đốc điều hành và nhà đồng sáng lập của công ty tài chính dành cho doanh nghiệp nhỏ, Rohit Arora đã có nhiều kinh nghiệm với các nhà sáng lập doanh nghiệp đang phải đối mặt với quyết định bán để đạt được thành công ban đầu. Các chủ doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh gần như không trả lương cho bản thân và có thể đang chịu mất một phần tài sản doanh nghiệp trước thách thức về tiền mặt.

Các doanh nghiệp có thể huy động tiền từ thị trường nợ nhưng sau khi một khoản nợ nào đó trở nên quá đắt đỏ. “Đó là một cái bẫy chuột cổ điển. Một doanh nghiệp đang phát triển, có vẻ hoạt động tốt, được đầu tư và thu lời nhiều. Nhưng vào một thời điểm bất kỳ, dòng tiền vẫn có thể bị mắc kẹt”.

Một trong những khách hàng của Arora là một doanh nhân ở tuổi 30, anh đang mở một chuỗi cửa hàng điện thoại thông minh ở thành phố New York. Anh thường xuyên vay tiền từ nền tảng Biz2Credit khi doanh nghiệp của anh phát triển đến 50 cửa hàng trong vòng 4 năm. Sự mở rộng này diễn ra nhanh đến nỗi công ty anh rất giàu về tài sản nhưng vẫn đang trong tình trạng thiếu tiền mặt. Anh cần nhiều tiền hơn để điều hành hoạt động của 50 cửa hàng đó, trả lương cho nhân viên và lưu kho các điện thoại thông minh đắt tiền. Vụ thu hồi nổi tiếng dòng điện thoại Samsung Galaxy Note 7 là một cuộc khủng hoảng tiền mặt. Anh đã phải chờ ba, bốn tháng mới nhận được tiền bồi thường từ Samsung.

Anh thực sự chỉ có hai sự lựa chọn: Bán cổ phần hoặc bán toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Anh đã làm cả hai việc trên. Ban đầu, anh bán một số cổ phần nhưng cuối cùng, anh đã bán toàn bộ doanh nghiệp cho một nhà phân phối phụ kiện điện thoại lớn, người rất thích tiếp cận trực tiếp khách hàng của anh.

“Tôi đã chứng kiến điều này nhiều lần”, Arora nói. “Anh cần từ bỏ tài sản và một khi anh có được tài sản đó, nó sẽ giúp công ty anh ổn định. Nhưng với tư cách là một doanh nhân, hợp tác với một người khác là điều không dễ dàng. Anh đã quyết định, tốt hơn là bán công ty”.

“Tại bất cứ doanh nghiệp tăng trưởng cao nào, tôi không nghĩ tôi có thể làm bất cứ điều gì khác để tránh khỏi việc này”, Arora nói. Mặc dù vậy, anh khuyến cáo, chủ doanh nghiệp nên xem xét thận trọng việc mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài khu vực họ đang thành công.

Đối với các doanh nhân, tin tức tốt là các doanh nghiệp có doanh thu. Người chủ cửa hàng điện thoại lẽ ra nên bán công ty mình cho một chuỗi lớn hơn hoặc thậm chí với giá cao hơn nếu anh ta bị ép buộc phải bán, Arora nói. Tuy nhiên, anh đã kiếm được một khoản tiền cao và giờ khoản tiền đó đang hỗ trợ cho các dự án kinh doanh mới của anh, kể cả một cửa hàng trong thị trường phụ kiện điện thoại thông minh.

Anh đã học được cách bán phụ kiện và sửa chữa điện thoại thông minh cho thế giới trực tuyến, nơi thu được lợi nhuận cao hơn và có nhiều đơn hàng hơn. Và thay vì xót xa cho chuỗi cửa hàng đã mất, doanh nhân này đã loại bỏ rủi ro khủng hoảng tiền mặt liên quan đến địa điểm bán lẻ.

Minh Phương

Cùng chuyên mục
XEM