Mắm Lê Gia: Sản xuất ở góc làng, bán hàng khắp thế giới

02/02/2022 13:50 PM | Kinh doanh

Founder Mắm Lê Gia - Lê Anh là người làm mắm trẻ và năng động nhất Việt Nam. Lê Gia đặt nhà máy ở góc làng Hồng Kỳ - Một làng chài ven biển Bắc Trung Bộ, nhưng hàng đủ chất lượng "bay" khắp các hệ thống siêu thị cả trong và ngoài nước. Với tình yêu với nghề truyền thống và sức trẻ, Lê Anh và Lê Gia còn mong muốn làm nhiều hơn thế.

Một trong những giải pháp để có thể giữ các bạn trẻ ở lại quê hương và không phải lũ lượt ra các thành phố lớn‘tha hương cầu thực’, chính là tạo cho họ các công ăn việc làm ổn định với thu nhập tương đối tốt ngay địa phương.

Hoặc cụ thể hơn, vùng nông thôn ở các tỉnh lẻ phải có nhiều doanh nghiệp – nhà máy phát triển bền vững, như mắm Lê Gia tại thôn Hồng Kỳ - xã Hoằng Phụ - huyện Hoằng Hóa – tỉnh Thanh Hóa. Nhưng liệu giải pháp này có dễ thực hiện?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng tôi đã tìm gặp anh Lê Anh – Founder kiêm CEO của mắm Lê Gia. Và câu trả lời mà chúng tôi nhận được là ‘không dễ nhưng có thể làm được, nếu người trẻ không sợ khó sợ khổ khi xây dựng doanh nghiệp trên quê hương cùng sự trợ giúp của người dân và chính quyền địa phương’.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn bổ sung thêm, ‘còn cộng với 1.000 hoặc 10.000 con người như Lê Anh – kiên tâm với thứ mà mình lựa chọn và yêu quý cho dù gặp rất nhiều khó khăn - cám dỗ trong suốt 6 năm khởi nghiệp vừa qua’.

Mắm Lê Gia: Sản xuất ở góc làng, bán hàng khắp thế giới - Ảnh 1.

NHỮNG GIỌT MỒ HÔI MẶN MÒI VỊ MẮM

Cách đây 6 năm, chàng trai hơn 30 tuổi Lê Anh với tình yêu lớn lao với mắm truyền thống đã quyết định nghỉ việc kỹ sư xây dựng ở một công ty Hàn Quốc, đồng thời ‘xúi’ vợ bán nhà để khởi nghiệp – mong ước gìn giữ và phục dựng nghề truyền thống cha ông trên quê hương biển Hải Tiến của mình.

Từ đó đến nay, những giấc mộng ban đầu đã nhiều lần vụn vỡ, nhưng cũng may là nó không bẻ gãy được ý chí của anh cũng như chưa dập tắt được tình yêu vô bờ bến của anh với hương vị quê hương.

Ngay từ đầu tiên dò dẫm bước chân vào con đường lạ lẫm này, cuộc đời đã cho Lê Anh 1 ‘cái tát’ đích đáng. Với suy nghĩ ‘chỉ cần sản phẩm mình làm ra tốt ắt sẽ tiêu thụ được’, Founder trẻ đã ngày đêm miệt mài học hỏi để làm được loại nước mắm vị thanh, mùi dịu, hoàn toàn tự nhiên, không can thiệp bằng hóa chất; mà không đầu tư thích đáng vào chiến lược, bán hàng, mẫu mã bao bì sản phẩm…

Kết quả rất dễ hiểu: Dù rất miệt mài giới thiệu, bán hàng nhưng thị trường cạnh tranh khốc liệt và sản phẩm mới như nước mắm Lê Gia không có chỗ đứng.

Mắm Lê Gia: Sản xuất ở góc làng, bán hàng khắp thế giới - Ảnh 2.

Rút kinh nghiệm sâu sắc, những năm sau, ngoài liên tục đa dạng hóa - nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, startup này cũng rất chú trọng đầu tư vào thiết kế bao bì, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng – ví dụ như là nắp chai điều chỉnh và tiện lợi khi rót, không làm nước mắm vương lại cổ chai hay nhiều thiết kế sang trọng biến thành các giải pháp quà tặng….

Sau này, dù là CEO nhưng Lê Anh luôn xắn tay làm hầu hết mọi việc cùng anh em cộng sự. Thức dậy từ mờ sáng chọn cá muối mắm, chở hàng, bán hàng tại điểm bán, siêu thị, tham gia hội chợ, hội nghị và rất nhiều công việc không tên khác.

"Nhiều người nghĩ rằng, lập doanh nghiệp hoặc nhà máy tại vùng nông thôn có nhiều lợi ích như thuê nhân công hay thuê đất rẻ hơn là không đúng lắm, ví dụ như Lê Gia.

Vì trong huyện Hoằng Hóa có khu công nghiệp, nên Lê Gia phải trả bằng hoặc hơn lương của các nhà máy trong đó, thì mới thu hút được nhân tài. Ngoài ra, như chúng ta biết, đất đai ở các vùng nông thôn đang bắt đầu tăng giá, thôn Hồng Kỳ cũng thế.

Làm sản xuất đã khổ, làm sản xuất sản phẩm truyền thống như nước mắm càng khổ hơn. Nhiều khi nhìn quanh, thấy mọi người kiếm tiền từ bất động sản, chứng khoán hay NFT sao mà dễ! Mình cũng thỉnh thoảng thấy chạnh lòng. Nhưng nghĩ đi cũng nghĩ lại: xã hội cũng cần có những doanh nghiệp sản xuất thực để tạo ra của cải thực, giải quyết các vấn đề an sinh và sinh kế nhất là cho những làng quê nghèo!", doanh nhân sinh 1985 bày tỏ.

Mắm Lê Gia: Sản xuất ở góc làng, bán hàng khắp thế giới - Ảnh 3.
Mắm Lê Gia: Sản xuất ở góc làng, bán hàng khắp thế giới - Ảnh 4.

Trong 6 năm khởi nghiệp, với Lê Anh, mọi chuyện chưa bao giờ dễ dàng, nhưng vì là một người cứng cỏi, anh chỉ âm thầm nuốt nước mắt vào trong, bên ngoài thì luôn từng ngày tươi cười cố gắng. Vậy nên, Covid-19 chỉ là ‘một game’ khó hơn một chút so với ngày thường, chứ không thể làm anh gục ngã.

SẢN XUẤT GÓC LÀNG, BÁN HÀNG KHẮP THẾ GIỚI

Hơn nữa, Lê Anh luôn tự hào là mình cùng Lê Gia có một lợi thế cạnh tranh đó là: sự linh hoạt. Nhờ sự linh hoạt mà Lê Gia vẫn sống sót cho tới thời điểm này, dù đã trải qua rất nhiều ‘phong ba bão táp’.

Nhờ linh hoạt, Lê Gia đã chọn hướng đi phù hợp với việc đa dạng sản phẩm, chọn sản phẩm dẫn với ngách thị trường phù hợp: Nước mắm cho bé ăn dặm, trong những ngày đầu.

Sau khi ra mắt, sản phẩm nước mắm cho bé ăn dặm Lê Gia được đón nhận tích cực, bởi lúc đó, thị trường đang thiếu đi sản phẩm nước mắm cho bé ăn dặm, giảm muối, vị mặn ngọt hài hòa và đặc biệt không có phụ gia hay can thiệp nào. Đó cũng là giá trị cốt lõi mà mắm Lê Gia luôn theo đuổi.

Nhanh chóng được các mẹ tin dùng thông qua nhiều siêu thị và chuỗi cửa hàng mẹ và bé trên toàn quốc (Vinmart, Concung, Bibomart…). Có được sự ủng hộ và tin yêu của các mẹ dành cho sản phẩm cho con, mẹ sẽ tìm mua các sản phẩm mắm và gia vị khác của Lê Gia.

Một lần đứng trong siêu thị BiBoMart, Lê Anh vô tình nghe được cuộc hội thoại của hai người mẹ, trong đó một chị nói với chị kia nên chọn mắm Cho Bé của Lê Gia, bởi "chị đã dùng và chị là người cũng làm mắm, chị biết, ghi như thế này thì đúng là mắm chuẩn". Lần đó anh Lê Gia đã rất xúc động và có động lực để tiếp tục.

Mắm Lê Gia: Sản xuất ở góc làng, bán hàng khắp thế giới - Ảnh 5.

Sự linh hoạt của Lê Gia đã cứu họ một lần nữa trong suốt đại dịch. Trong năm 2021, Lê Gia vẫn tăng trưởng 50% - với startup còn non như họ, thì tăng trưởng này không nói lên nhiều vấn đề, nhưng dù sao cũng là tăng trưởng! Năm 2021, quy mô sản xuất của Lê Gia vào khoảng 2 triệu lít nước mắm/năm và 200 tấn mắm tôm, mắm tép/năm nhờ hệ thống chế biến các gia vị từ hải sản quy mô lớn.

"Khi dịch bệnh dâng cao, lúc căng thẳng nhất, team Lê Gia vẫn không ‘nhụt chí’, chúng tôi vẫn làm được nhiều việc trong lúc giãn cách: như ra mắt thêm những sản phẩm mới (Nước mắm cá Nục, xốt gia vị hoàn chỉnh, mắm kho quẹt..), nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng ISO 22000: 2018, đào tạo đội ngũ… và hơn hết là ‘không nói không, không nói khó, không bỏ cuộc’.

Minh chứng rõ nhất là cả team vẫn "chiến đấu" giao hàng khi DC có trục trặc với đơn hàng giá trị bằng ly cà phê. Nhờ linh hoạt thích ứng, tinh thần chiến binh, chúng tôi có thêm thị phần, thêm kết quả tích cực ngay cả trong lúc căng thẳng nhất. Theo đó, lợi thế cạnh tranh của Lê Gia, ngoài sự linh hoạt còn là tinh thần làm việc tận tâm của đội ngũ - những con người có ý chí cầu tiến và tinh thần tận hiến", anh Lê Anh tiếp tục phân tích.

Có thể nói, việc Lê Anh cùng Ban lãnh đạo mắm Lê Gia thường xuyên lăn lộn ở bên ngoài đã giúp họ cảm nhận được rõ nhất sự thay đổi của thị trường cũng như xu hướng tiêu dùng, nhằm nhanh chóng đưa ra các phương án thay đổi - ứng phó phù hợp, mà không qua nhiều ban bệ - tầng lớp như các công ty lớn.

Sự linh hoạt trong suy nghĩ của Lê Anh còn thể hiện ở chỗ: dù đặt xưởng sản xuất ở góc làng, nhưng anh không chỉ muốn chỉ bán hàng trong tỉnh huyện của mình hay khắp Việt Nam, mà còn muốn bay khắp thế giới.

Mắm Lê Gia: Sản xuất ở góc làng, bán hàng khắp thế giới - Ảnh 6.
Mắm Lê Gia: Sản xuất ở góc làng, bán hàng khắp thế giới - Ảnh 7.

Ngay từ đầu, dù biết sẽ rất khó khăn khi làm ISO 22000: 2018, bởi tư duy của người lao động ở nông thôn chưa bắt kịp cùng thời đại, nhưng anh quyết tâm phải làm cho bằng được, vì đó sẽ là tiền đề để mắm Lê Gia đi nhanh và đi xa hơn.

Hiện sản phẩm Mắm Lê Gia đang được bán tại hệ thống siêu thị: Vinmart, Vinmart+, AEON, BigC/Top Market/Go, Co.op Mart, MM Mega Marker các cửa hàng thực phẩm sạch, các chuỗi cửa hàng mẹ và bé, cùng nhiều đại lý trên toàn quốc. Mắm Lê Gia cũng đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hồng Kong, Đài Loan, CH Czech, Hàn Quốc, Nam Phi, Myanmar, Lào, Panama, Nga…

NGƯỜI TRẺ LÀM NÔNG NGHIỆP ĐA GIÁ TRỊ

"Hơn nữa, trong thời buổi VUCA như bây giờ, muốn tồn tại, chúng ta phải thay đổi tư duy và cùng nhau tạo ra một nền nông nghiệp đa giá trị.

Nông nghiệp phải chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng, áp dụng chuyển đổi số. Chất lượng hơn số lượng là hướng đi tất yếu. Phải truyền thông khác biệt, bởi sản phẩm làm ra – như nước mắm truyền thống, ngoài giá trị hữu hình còn là những giá trị vô hình mà không phải ai cũng biết.

Bây giờ, người mua hàng không chỉ quan tâm đến giá cả, chất lượng mà còn là tính tiện ích của hàng hóa, câu chuyện sản phẩm. Ngoài sản xuất theo nhu cầu thị trường - xã hội còn đáp ứng xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.

Hơn hết, Lê Gia luôn mong muốn cùng quê hương đẹp lên, phát triển hài hòa bền vững cùng cộng đồng", CEO mắm Lê Gia tiếp tục bày tỏ.

Mắm Lê Gia: Sản xuất ở góc làng, bán hàng khắp thế giới - Ảnh 8.

Sắp tới, Lê Gia còn muốn đầu tư 1 địa điểm du lịch trải nghiệm nước mắm, với chủ thể chính là nhà thùng của họ.

Thật ra thì nhà thùng Lê Gia đã trở thành địa điểm du lịch quen thuộc của người dân miền Bắc khi du lịch đến vùng biển Hải Tiến, nhưng Lê Anh lại muốn xây dựng một địa điểm du lịch về nước mắm với nhiều không gian an lành, truyền thống, tự nhiên giúp khách tham quan có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi đến thăm.

Tâm niệm của anh Lê Anh luôn là làm sao để doanh nghiệp của mình có thể mang lại công ăn việc làm cho càng nhiều người dân địa phương càng tốt, đồng thời tác động tích cực lên cộng đồng và xã hội.

Ngoài ra, anh cũng mong ước có thêm nhiều người trẻ trở về quê hương, giúp làng quê ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn; để có nền kinh tế nông nghiệp đa giá trị. Bởi vì người trẻ là thế hệ tiếp nối, người trẻ bản lĩnh, kiên tâm, có chiều sâu giá trị và tri thức sẽ giúp tạo nên những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hiện đại mà vẫn gìn giữ được bản sắc truyền thống tốt đẹp.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM