Malaysia: Chỉ vài giây mềm lòng, người đàn ông trung tuổi suýt mất tiền với 2 nữ "siêu lừa" ở trung tâm thương mại

13/05/2023 11:06 AM | Xã hội

Bên cạnh các hình thức lừa đảo trực tuyến, nhiều đối tượng vẫn yêu thích hình thức tiếp cận và lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin một cách trực tiếp.

Bên cạnh các hình thức lừa đảo trực tuyến, nhiều đối tượng vẫn "yêu thích" hình thức tiếp cận và lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin một cách trực tiếp.

Không thể phủ nhận rằng hiện nay, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, các thiết bị điện tử được kết nối mạng nhiều hơn bao giờ hết, các hình thức lừa đảo trực tuyến trở nên cực phổ biến và "núp bóng" dưới nhiều mánh khóe. Tuy nhiên, một số kẻ vẫn "yêu thích" việc tiếp cận trực tiếp những mục tiêu của mình. 

World of Buzz đưa tin, mới đây, tại Genting Highland, một tổ hợp mua sắm và giải trí nổi tiếng ở Malaysia xuất hiện một nhóm những cô gái trẻ kỳ lạ. Một người qua đường đã ghi lại cảnh 2 trong số các cô gái đang cố tiếp cận một người đàn ông trung niên. Ngay khi thấy dấu hiệu đáng ngờ, chính người quay video đã tiến lại gần cả 3 và hỏi người đàn ông kia rằng: "Họ nói với anh rằng họ không có tiền ăn và cầu xin chúng từ anh đúng không? Đừng đưa bất cứ thứ gì cho họ". 

Hai cô gái vô cùng bất ngờ rồi nhanh chóng bỏ đi sau khi thấy camera của điện thoại đang ghi hình và sự đanh thép của người qua đường. Trước đó, ngay trong chính video của mình, một trong số những cô gái này cũng đã trực tiếp hỏi anh ta rằng anh ta đang quay gì và muốn được xem những thước phim đó. 

Malaysia: Chỉ vài giây mềm lòng, người đàn ông trung tuổi suýt mất tiền với 2 nữ "siêu lừa" ở trung tâm thương mại - Ảnh 1.

2 cô gái bỏ đi sau khi bị phát hiện (Ảnh chụp màn hình từ video)

Sự việc nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội để cảnh báo tất cả mọi người về những chiêu trò lừa đảo của kẻ xấu. Đối tượng mà chúng hướng tới thường sẽ là những người lớn tuổi nhẹ dạ, cả tin. 

Hôm 8/5, đại diện World Genting cũng đã đưa ra thông báo chính thức về những vụ lừa đảo diễn ra tại trung tâm thương mại của mình. Theo đó, họ sẽ đảm bảo sự an toàn của du khách và luôn đặt nó là ưu tiên hàng đầu. Các nhân viên an ninh, giám sát hay các camera sẽ luôn hoạt động đúng với vai trò và nhiệm vụ của mình để theo dõi mọi hoạt động diễn ra tại trung tâm.

Đồng thời vào buổi sáng cùng ngày, họ nói thêm rằng cảnh đã bắt giữ 4 cá nhân thuộc tổ chức lừa đảo kể trên. "Chúng tôi đã phát hiện 4 nghi phạm lừa đảo và cảnh sát hiện đang xử lý vụ việc", đại diện World Genting chia sẻ. 

Toàn bộ video được chia sẻ trên mạng xã hội. (Video Penang)

Những hình thức lừa đảo thường gặp

Như đã nói ở trên, càng ngày kẻ xấu càng có những thủ đoạn lừa đảo tinh vi hơn. Nổi bật thời gian vừa qua là những chiêu trò lừa đảo qua điện thoại hay qua không gian mạng dưới hình thức thông báo người nhà bị tai nạn hay thông báo trình báo công an... Rất nhiều người do không đủ bình tĩnh và tỉnh táo nên đã nhanh chóng rơi vào bẫy và mất một khoản tiền không nhỏ. 

Chỉ tính riêng ở Việt Nam, thống kê hàng năm cho thấy, toàn quốc xảy ra khoảng 2000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tàn sản. Dưới đây là một số dạng lừa đảo cơ bản, thường gặp được Cục An toàn thông tin đưa ra, nhằm cảnh báo người dân cảnh giác hơn. Chúng thường giả mạo dưới dạng thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản hoặc các hình thức kết hợp khác. 

Malaysia: Chỉ vài giây mềm lòng, người đàn ông trung tuổi suýt mất tiền với 2 nữ "siêu lừa" ở trung tâm thương mại - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

1. Giả mạo thương hiệu 

Ở hình thức lừa đảo giả mạo thương hiệu, kẻ xấu sẽ lợi dụng danh tiếng của các tổ chức có tên tuổi, uy tín như các ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính hoặc công ty chứng khoán để gửi tin nhắn hoặc gọi điện cho nạn nhân, yêu cầu giao nộp thông tin hoặc một số tiền nhất định. 

Bên cạnh qua tin nhắn hoặc cuộc gọi, kẻ xấu còn có thể tạo các trang web giả mạo của các thương hiệu, dựa vào giao diện, tên miền hay đường dẫn để thu thập thông tin cá nhân, từ đó lừa người dân. 

2. Chiếm đoạt tài khoản

Hiểu đơn giản, chiếm đoạt tài khỏan có nghĩa là những kẻ lừa đảo sẽ "hack" tài khoản của người khác. Thông thường ở hình thức này, các loại tài khoản dễ bị hack nhất là tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok...). Sau khi xâm nhập được vào tài khoản, kẻ xấu sẽ tiến hành gửi tin nhắn cho bạn bè, người thân để yêu cầu một việc gì đó, phổ biến nhất là nhờ chuyển tiền sang một tài khoản đích khác. 

Cục An toàn cũng đưa ra một dạng nữa của chiếm đoạt tài khoản, đó là các đối tượng sử dụng các ứng dụng, quảng cáo tín dụng đen, thường xuất hiện trên các trang web hoặc được gửi tràn lan qua các kênh thư điện tử rác, tin nhắn hoặc mạng xã hội. Sau đó, nạn nhân bấm vào các quảng cáo đó sẽ tự biến thành những con nợ trong khi chính nạn nhân cũng không hề hay biết. 

Malaysia: Chỉ vài giây mềm lòng, người đàn ông trung tuổi suýt mất tiền với 2 nữ "siêu lừa" ở trung tâm thương mại - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

3. Các hình thức kết hợp

Với nhiều mánh khóe tinh vi, kẻ xấu có thể kết hợp nhiều hình thức với nhau để đạt mục đích cuối cùng là lừa đảo, chiếm đoạt thông tin và tài sản của mọi người. Chúng có thể sử dụng số điện thoại, cả số trong nước, số quốc tế hay các số có đầu số lạ, để giả danh cơ quan chức năng, công an hay nhà mạng viễn thông để thông báo vi phạm và yêu cầu chuyển khoản. Cũng với cách này, song khi có số lạ gọi, nạn nhân chỉ cần bắt máy là đã bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề hay biết. 

Cách khác nữa cũng có thể là giả mạo những công ty hay trang thương mại điện tử lớn, có tên tuổi để dẫn dụ nạn nhân đầu tư hay làm việc cho chúng như làm cộng tác viên, làm nhân viên bán hàng, chạy quảng cáo hoặc thông báo trúng thưởng... 

Cuối cùng có thể kể tới là những kẻ lừa đảo tạo ra những chiếc "bẫy tình", lợi dụng tình cảm và lòng tin, sự thương hại, tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội, từ đó chiếm đoạt tài sản. 

Malaysia: Chỉ vài giây mềm lòng, người đàn ông trung tuổi suýt mất tiền với 2 nữ "siêu lừa" ở trung tâm thương mại - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Các chuyên gia tâm lý đánh giá rằng, sự nhẹ dạ cả tin, tính cấp bách hoặc thiếu sự tiếp cận thông tin, là những yếu tố khiến các nạn nhân nhanh chóng và dễ rơi vào bẫy của những kẻ xấu. Vì vậy, khi nhận được bất kỳ thông tin hay sự tiếp cận thông tin bất thường nào, chúng ta cũng nên tỉnh táo đánh giá vấn đề một cách thật kỹ lưỡng rồi mới đưa ra quyết định, đồng thời kiểm tra lại một vài thông tin quan trọng cần thiết. 

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM