Mái tóc giả của "Nữ hoàng startup" Thủy Muối và hành trình chống ung thư: "Chúng ta cần phải sống đủ lâu để biết lý do là gì!"

23/10/2018 10:44 AM | Kinh doanh

Đây là hình ảnh Thủy Muối tại Women Summit 2018 vừa rồi. Khi được hỏi cảm giác của cô thế nào lúc phát hiện ra mình bị bệnh ung thư, cô bất ngờ cởi mái tóc giả trước khán phòng. Cô làm những người nghe phía dưới phải hốt hoảng, rồi xúc động. Cô bảo cảm giác của cô 2 năm trước là hốt hoảng y thế như thế. Đó chính là cảm giác “không biết lý do là gì”.

Từ "nữ hoàng startup" 

Cùng gia đình định cư ở Mỹ từ năm 2003, Trương Thanh Thủy (Thủy Muối) theo học ngành Khoa học máy tính tại ĐH Southern California (USC). Sau khi học xong, Thủy về Việt Nam lập nghiệp.

Mọi người Việt Nam biết đến Thủy với những startup của cô: Pose Group, Tappy, GreenGar, Parallel Frozen Yogurt. Riêng Tappy đã được Weeby, một công ty công nghệ game di động có trụ sở tại thung lũng Silicon, mua lại với mức giá "lên tới 7 con số". 

Được tờ BBC gọi là "nữ hoàng startup" của Việt Nam, có mặt trong danh sách 30 gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi (30 Under 30) của Forbes Vietnam (2015), từng lái xe vòng quanh nước Mỹ và đi du lịch nhiều nơi, những năm tuổi trẻ Thủy Muối thực sự đã sống rất tròn đầy.

Nhưng vào một ngày rất bình thường cách đây 2 năm, Thủy phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Thủy bị ung thư ở cái tuổi mà nhiều người vẫn hăng say gây dựng sự nghiệp. "Hốt hoảng", nhưng cô không nghĩ ung thư đến với cô là một điều gì đó "không công bằng".

"Thủy luôn tin rằng tất cả mọi thứ xảy ra đều có lý do. Lúc đó nghĩ là, nếu mình sống đủ lâu thì mình sẽ tìm ra được lý do. Cho nên phải cố gắng sống đủ lâu", Thủy chia sẻ tại sự kiện Women’s Summit 2018 diễn ra tuần qua tại TPHCM. 

Mái tóc giả của Nữ hoàng startup Thủy Muối và hành trình chống ung thư: Chúng ta cần phải sống đủ lâu để biết lý do là gì! - Ảnh 1.

Thủy Muối tại Women’s Summit 2018. Ảnh: Forbes Vietnam


Đến cuộc chiến chống ung thư và hành trình hỗ trợ những bệnh nhân ung thư khác 

Vài tháng sau khi phát hiện bệnh, Thủy thành lập dự án tiếp theo của mình - Salt Cancer Initiative (Sáng Kiến Ung Thư Muối, SCI). Nhưng Thủy không coi SCI là một startup. SCI là một tổ chức phi lợi nhuận, đơn giản được lập ra để giải quyết vấn đề mà Thủy gặp phải khi chiến đấu với ung thư

Theo lời Thủy, SCI bắt nguồn từ cảm xúc của chính cô trong thời điểm điều trị ung thư tại gia đình, giai đoạn mà cô nghĩ "đời mình đang rất tối":

"9 tháng đầu tiên điều trị thì Thủy ở với gia đình. Khi mình nằm và nghĩ là, tương lai của mình bây giờ sẽ đi về đâu, không có việc làm không có tiền không có gì cả", Thủy nhớ lại. 

"Lúc đó thật sự rất khó khăn vì không có việc làm, không có một chỗ ở riêng, thậm chí còn không có tiền dành dụm trong tài khoản. Mình thấy đời đang rất tối vào lúc đó. Và không biết là mình còn sống được bao lâu với căn bệnh này nữa", cô kể. 

Nhưng rồi những tình cảm ấm áp của những người bạn lại khiến Thủy có thêm động lực. 

Thủy nói: "Khi bạn bệnh sắp chết mà có một người cầm tiền đến đưa cho bạn. Thật ra không phải cho mượn mà là cho vì không biết mình có khả năng để trả không. Những việc đó, không phải là số tiền người ta cho mình mượn mà chính cái việc họ sẵn sàng làm cho mình việc đó".

"Khi mà biết mình bị bệnh, có rất nhiều người bạn gọi điện thoại đến, thậm chí là bay từ Việt Nam sang chỉ để thăm mình, và lúc đó cảm giác của mình là, mặc dù mình bị bệnh nhưng mà mình rất rất may mắn", cô nhớ lại.

Những sự quan tâm ấm áp đó khiến Thủy suy nghĩ: "Không một bệnh nhân ung thư nào phải đương đầu với cuộc chiến ung thư một mình cả". Hơn ai hết Thủy hiểu cảm giác đơn độc chiến đấu lại bệnh tật khó khăn thế nào. Rằng tinh thần của người bệnh cũng cần được chăm sóc như nỗi đau thể xác, nhất là khi "tất cả các thuốc đang điều trị ung thư hiện nay đều có tác dụng phụ là làm cho người ta bị trầm cảm", theo lời cô.

Và đó là lý do ra đời của SCI, với sứ mệnh hỗ trợ sức mạnh tinh thần và thông tin cần thiết cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam. 

"Việc chữa thể xác, SCI không chữa được. Nhưng mà về tâm hồn, làm sao để bệnh nhân ung thư và người thân nhẹ nhàng hơn, đó chính là sứ mệnh của SCI"

Mái tóc giả của Nữ hoàng startup Thủy Muối và hành trình chống ung thư: Chúng ta cần phải sống đủ lâu để biết lý do là gì! - Ảnh 3.

Không ai phải chiến đấu với ung thư một mình! Ảnh: SCI

Tập yoga, xem phim và nhảy flashmob

Sự hỗ trợ quan trọng đầu tiên của SCI cho các bệnh nhân là cung cấp thông tin chính xác về ung thư để bệnh nhân và người thân hiểu rõ.

"Mỗi tháng mình có những buổi meetup, mời những chuyên gia tới để chia sẻ ý kiến rất cơ bản. Như hóa trị là gì, xạ trị là gì, phương pháp hệ miễn dịch là gì. Trong lúc làm hóa trị thì nên không nên ăn cái gì. Khi điều trị rồi thì làm sao để giữ sức khỏe và tinh thần của mình ở trạng thái tốt nhất. Những buổi meetup ở Sài Gòn và Hà Nội, có khoảng 100 – 150 bệnh nhân và người thân tới để nghe những chuyên gia này chia sẻ.

Theo Thủy, đó là những kiến thức đầu tiên cần biết trong cuộc chiến chống ung thư. "Trước khi mình muốn chiến đấu với ai thì đầu tiên mình phải hiểu được đối thủ", cô nói.

Bên cạnh đó, SCI còn tổ chức những hoạt động hỗ trợ khác, như lớp yoga riêng cho bệnh nhân ung thư. Theo cô, bệnh nhân cần những động tác thể dục tốt cho bản thân họ nhưng không quá sức. "Mình kêu họ vô phòng tập gym, xong làm sao tập chung với những người bình thường được tại cơ thể của họ không thể làm như vậy được? Mình cần có những lớp yoga dành riêng cho bệnh nhân ung thư", Thủy nói.

Thủy cho biết SCI đã hợp tác với đối tác để mở lớp yoga miễn phí dành riêng cho bệnh nhân ung thư. 

Mái tóc giả của Nữ hoàng startup Thủy Muối và hành trình chống ung thư: Chúng ta cần phải sống đủ lâu để biết lý do là gì! - Ảnh 4.

Ảnh: SCI

Ngoài ra, SCI còn mang đến những trải nghiệm "lần đầu tiên trong đời" cho các bệnh nhân.

Đó là những buổi chiếu phim cộng đồng: "Mình mời diễn viên và đạo diễn phim tới để mình cùng xem với bệnh nhân ung thư. Toàn những người mà trước giờ họ chỉ toàn xem trên phim thôi", Thủy cho biết.

Hay những buổi nhảy flashmob: "SCI có buổi diễn flashmob cho bệnh nhân ung thư ngoài trời. Hầu hết những bệnh nhân ung thư họ chưa bao giờ nhảy flashmob".

Thủy cũng chia sẻ về diễn đàn bệnh nhân ung thư được tổ chức mới đây – một dự án tâm huyết của cô và SCI: "Diễn đàn bệnh nhân ung thư tại Đà Nẵng dành cho 250 bệnh nhân và người thân. Có những người còn quá trẻ. Nhìn vào ánh mắt của những đứa trẻ này thì mình nhận thấy mình cần cố gắng nhiều hơn nữa để cho mình làm sao để đứa trẻ lớn lên tốt nhất". 

"250 bệnh nhân này được tài trợ toàn bộ máy bay và khách sạn. Họ được ở một khách sạn 5 sao rất đẹp. Có những người cả cuộc đời chưa bao giờ được ở một nơi đẹp thế này, có những người mà lần đầu tiên trong cuộc đời họ đi máy bay. 

Thì như Thủy nói lúc đầu, chúng ta cần phải sống đủ lâu để chúng ta biết lý do là gì", Thủy tâm niệm. 

Thủy từng nói ung thư đã khiến cô trở thành một con người tốt hơn bao giờ hết. Trước đây Thủy chưa bao giờ kỳ vọng mình sẽ thành lập một tổ chức phi lợi nhuận. Nhưng SCI đã ra đời và không để các bệnh nhân ung thư phải đơn độc, mà cho họ thấy rằng họ có sự hỗ trợ của người thân, của bạn bè và của cả xã hội đang quan tâm đến họ. 

"Bệnh ung thư không phải là căn bệnh của một người mà là căn bệnh của một gia đình. Bởi khi một người bị bệnh ung thư là cả gia đình phải chịu áp lực tài chính. Và khi nó là cái vấn đề của nhiều gia đình thì nó là vấn đề của xã hội, và xã hội phải cùng nhau có trách nhiệm để giải quyết vấn đề này", Thủy nói.

Và trong khi chiến đấu cho cuộc chiến của riêng mình, với SCI, Thủy đang góp sức giải quyết vấn đề xã hội đó. 

Mái tóc giả của Nữ hoàng startup Thủy Muối và hành trình chống ung thư: Chúng ta cần phải sống đủ lâu để biết lý do là gì! - Ảnh 5.

Ảnh: FBNV

Thảo Thảo

Cùng chuyên mục
XEM