Lý do nhiều người kéo nhau lên ‘chợ mạng’ mua bán vàng
Vàng miếng SJC và vàng nhẫn khan hiếm ở kênh chính thống khiến nhu cầu trao đổi, mua bán vàng trên thị trường tự do, "chợ mạng" nóng từng ngày. Theo đó, thị trường cũng xuất hiện 2 giá vàng khác nhau.
Nhộn nhịp " chợ mạng "
Vài tháng lại đây, nhiều người có nhu cầu về vàng nhẫn, vàng miếng SJC gặp khó khăn khi đi mua. Bởi, nhóm ngân hàng quốc doanh bán vàng “nhỏ giọt”, trong khi hầu hết doanh nghiệp thông báo không có cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn.
Trái ngược với tình trạng này, trên thị trường tự do, hoạt động mua bán vàng miếng và vàng nhẫn lại diễn ra tấp nập với mức giá chênh từ 1-1,5 triệu đồng/lượng, tùy loại và tùy thời điểm.
Ngoài ra, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước giới hạn việc bán vàng miếng SJC vào nhóm 4 ngân hàng thương mại cổ phần và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, tình trạng mua bán suất mua vàng trên các hội nhóm trực tuyến bắt đầu nở rộ.
Trên mạng xã hội, dễ dàng tìm thấy những hội nhóm như: “Mua bán, giao dịch vàng miếng SJC”; “Trao đổi giao lưu vàng 999”; “Hội giao lưu vàng 9999, BTM”…. Không chỉ có các hội nhóm còn nhiều nhóm chát Zalo, massenge… nhắm mục đích mua bán vàng miếng cho đến vàng nhẫn.
Các thông tin sôi động hằng ngày và đều có kết quả mua bán ngay lập tức. Theo đó, các thành viên đều đăng số lượng, giá bán, khu vực và ai cần thông tin mua bán liên hệ. Khi đã chốt được giá, các bên sẽ có nhiều hình thức để giao vàng và chuyển tiền.
Trong vai một người có nhu cầu bán 1 lượng vàng SJC , phóng viên đăng bài lên nhóm các hội, lập tức rất nhiều người nhắn tin hỏi mua lại với giá cao hơn giá niêm yết mua vào của SJC vài trăm nghìn. Còn trong vai người có nhu cầu mua vàng, phóng viên nhanh cũng nhanh chóng nhận được lời chào và hứa hẹn mua bao nhiêu cũng có, không cần thông qua các cửa hàng chính thức.
Sáng nay (14/10), giá vàng miếng SJC sau khi mở cửa lúc 9h, các doanh nghiệp kinh doanh vàng như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Doji, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng nửa triệu đồng/lượng vàng miếng SJC lên mức 83 - 85 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Việc các nhà vàng điều chỉnh tăng, lập tức thị trường “chợ mạng” cũng điều chỉnh tăng giá bán ra vàng miếng SJC lên 85,5 - 86 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với giá bán kênh chính thống, giá bán “chợ mạng” bị đẩy lên từ 500.000 - 1 triệu đồng/lượng.
Không chỉ mua bán vàng miếng SJC, nhiều thành viên còn nhận đặt mua online từ 4 ngân hàng quốc doanh. Theo đó, với khách có nhu cầu gửi thông tin, các đối tượng nhập đăng ký, khi nào mua xong và nhận vàng chuyển khoản cho các đối tượng đặt mua hộ 150.000 đồng/lượng.
Với vàng nhẫn, giá bán cũng tăng theo lên mức 84 triệu đồng/lượng bán ra.
Nhiều rủi ro
Đại diện một ngân hàng quốc doanh cho biết, người dân mua bán theo hình thức này sẽ gặp khá nhiều rủi ro, có nguy cơ mua phải vàng giả, vàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Lý do, mỗi miếng vàng bán ra thị trường hiện nay đều được quản lý bởi số seri, giống như một mã số định danh gắn với miếng vàng đó.
“Các ngân hàng hiện bán vàng ra đều phải lưu trữ số căn cước công dân và đều xuất hóa đơn điện tử. Trên hóa đơn đó sẽ có số seri của miếng vàng và được lưu trữ vĩnh viễn trên hệ thống. Nghĩa là, sau này khi truy xuất nguồn gốc sẽ xác định được miếng vàng này được bán từ đâu, bán cho ai. Do vậy, người dân mua vàng trôi nổi bên ngoài cần hết sức chú ý nếu phải chứng minh nguồn gốc của vàng”, đại diện ngân hàng này nói.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân mua vàng đúng quy định. Theo đó, người dân chỉ được mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng.
Hiện, cả nước có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như: SJC, DOJI, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phú Quý, Vàng Kim Ngọc Phú, Vàng bạc đá quý Ngọc Hải, Đá quý Ngọc Thẩm, Vàng bạc Phúc Thành, Đá quý Phương Nam...
Riêng doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ , kinh doanh mua bán vàng các loại buộc phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về giấy phép hoạt động; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng và phương án kinh doanh an toàn; giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng; hóa đơn chứng từ; tem mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; chất lượng sản phẩm và công khai niêm yết giá...
Ông Nguyễn Thế Hùng - Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam - cho rằng, tình trạng người dân khó mua vàng nhẫn trơn là có thật vì nguồn cung hiện khan hiếm, dẫn tới việc nhiều người lên các diễn đàn, hội nhóm để hỏi mua, giao dịch trực tiếp với nhau. "Điều này sẽ phát sinh rủi ro cho cả người mua và người bán. Nếu sản phẩm kém chất lượng thì ai chịu trách nhiệm, ai kiểm soát?", ông Hùng nói.
Ông Hùng khuyến nghị người dân mua bán vàng ở cửa hàng được cấp phép để được bảo đảm về chất lượng, có thể lấy hóa đơn.