Lưu ý trước và sau khi nhổ răng khôn để tránh gặp họa

25/05/2023 13:20 PM | Sống

Nhổ răng khôn là thủ thuật có rủi ro cao hơn so với nhổ các răng thường.

Vừa qua, thông tin một cô gái trẻ tử vong sau khi nhổ răng khôn khiến nhiều người bàng hoàng. Theo đó, Marina Mesquita Silva, 23 tuổi, chết sau 2 ngày nhổ răng khôn tại phòng khám tư nhân, được cho là trường hợp hiếm hoi.

Silva, ở Leme, São Paulo (Brazil), trải qua ca phẫu thuật nhổ răng khôn hôm 10/5. Hai ngày sau, cô quay lại phòng khám vì tình trạng đau nhức dữ dội ở vị trí nhổ răng. Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ cho cô xuất viện.

Đến 13/5, cơn đau vẫn còn dữ dội khiến Silva phải tới phòng cấp cứu thành phố. Tại đây, cô được chẩn đoán nhiễm trùng cấp tính và áp xe ở vị trí nhổ răng. Vì không được điều trị, ổ nhiễm trùng lan sang các vùng khác, gây biến chứng nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Phòng khám cho biết họ đã thực hiện những gì có thể để bảo toàn tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân.

Thực tế, nhiễm trùng răng hoặc nhiễm trùng sau nhổ răng không hiếm. Trong quá trình nhổ răng, vi khuẩn gây hại có nhiều cơ hội xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, nhờ thuốc kháng sinh và vệ sinh răng miệng được cải thiện, nguy cơ tử vong do nhiễm trùng răng hiện cực kỳ hiếm.

Vậy khi quyết định nhổ răng khôn, bạn cần lưu ý những điều gì, hãy tham khảo ngay thông tin dưới đây.

Những lưu ý trước khi nhổ răng khôn

- Trước khi nhổ, bạn cần nắm rõ tình trạng sức khoẻ hiện tại: Nếu bạn có tiền sử bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, dị ứng với thuốc hoặc thành phần nào đó của thuốc, đang trong trong thời kỳ kinh nguyệt hay mới ốm dậy, hãy báo với bác sĩ để có những phương án phù hợp. Bác sĩ sẽ quyết định có nên nhổ hay không hoặc khi nhổ dùng thuốc gây tê như thế nào, đặc biệt là việc chăm sóc sau khi tiến hành nhổ.

- Nhổ răng khôn là tiểu phẫu, bạn không nên quá lo lắng: Ngày nay, với sự phát triển của khoa học, có rất nhiều thiết bị, dụng cụ hỗ trợ cho quá trình nhổ răng khôn diễn ra nhẹ nhàng, nhanh chóng. Vì thế đừng quá lo lắng. Bạn hãy chuẩn bị sức khoẻ cũng như tâm lý thoải mái, vui vẻ trước khi nhổ răng. Căng thẳng có thể khiến người bệnh bị đau hơn.

- Tìm hiểu và lựa chọn kỹ địa chỉ nha khoa uy tín: Răng khôn là loại răng quá khổ, phức tạp nhất trong tất cả các loại răng. Vì vậy, nếu trang bị thiết bị y tế không đạt chuẩn, tay nghề nha sĩ yếu kém, quy trình nhổ răng không tuân theo tuần tự chuẩn sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm sau khi nhổ. Có thể ảnh hưởng đến tuỷ xương, xương hàm, thậm chí là dây thần kinh, gây đau đớn.

Tất tần tật mọi lưu ý khi nhổ răng khôn – Trước khi gặp bác sĩ bạn nhất định phải biết, tránh hiểm hoạ khôn lường - Ảnh 2.

Những thời điểm tránh nhổ răng khôn

Không phải lúc nào cũng thực hiện nhổ răng khôn được. Dưới đây là 4 thời điểm cần tránh nhổ răng khôn:

- Người đang bị viêm lợi, nướu: Nếu bệnh nhân đang bị viêm lợi thì không nên nhổ răng khôn vì dễ gây viêm nhiễm nặng, có thể để lại biến chứng nguy hiểm nếu không biết cách vệ sinh và chăm sóc răng miệng tốt.

- Phụ nữ mang thai: Ở giai đoạn mang thai, lượng canxi trong cơ thể người mẹ có sự xáo trộn gây ảnh hưởng đến quá trình nhổ răng. Bên cạnh đó, khi mang thai tuyệt đối không nên nhổ răng không vì dễ gây viêm, nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ và thai nhi. Nếu trong quá trình mang thai, người mẹ bị đau răng khôn thì cần có sự hướng dẫn và theo dõi sát sao của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau khi chưa có chỉ định cụ thể.

- Người mới ốm dậy: Thời điểm này, cơ thể đang yếu, hệ miễn dịch bị suy giảm nên quá trình phục hồi vết thương sẽ rất lâu, có thể gây ra hậu quả khôn lường.

- Người đang trong chu kỳ kinh nguyệt: Cơ thể phụ nữ trong giai đoạn này rất nhạy cảm. Đồng thời cơ thể có nhiều biến đổi như mệt mỏi, người trữ nước. Ngoài ra, phần niêm mạc dễ sưng tấy và máu cũng loãng hơn bình thường. Nhổ răng khôn lúc này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi hơn, chảy máu nhiều hơn và khó cầm máu. Từ đó có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng.

Lưu ý sau khi nhổ răng khôn

Theo thông tin của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà, sau khi nhổ răng 1 - 1,5 tiếng, thuốc tê sẽ hết tác dụng, vị trí nhổ răng bị sưng nhức và nhạy cảm hơn. Để giảm tình trạng này cũng như phòng ngừa các biến chứng răng khôn, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

- Cắn chặt bông gòn khoảng 30 phút sau khi nhổ răng khôn để cầm máu.

- Uống thuốc kháng sinh và giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Tránh uống quá sớm hoặc trễ hơn.

- Không súc miệng trong 6 giờ đầu sau khi nhổ răng.

- Không nên dùng tay, lưỡi hoặc các vật dụng khác chạm vào vị trí nhổ răng vì có thể khiến vết mổ chảy máu trở lại.

- Sau khi nhổ răng 6 tiếng, bạn có thể súc miệng lại bằng nước muối ấm để sát khuẩn vết thương. 

- Chỉ ăn những món ăn mềm, lỏng như súp, cháo, bún mềm,… Tránh ăn những thực phẩm dai, cứng, giòn, cay nóng để không làm ảnh hưởng đến vết mổ.

- Nên tránh ăn nhai ở vị trí vừa mới nhổ răng để hạn chế tác động đến vết mổ.

- Bổ sung sữa, sữa chua và các loại Vitamin từ rau củ quả để tăng sức đề kháng cũng như giúp cơ thể không bị nóng do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.

- Sau khi nhổ răng 24 giờ, bạn có thể chườm đá hoặc chườm nóng ở ngoài má để giảm sưng và đau nhức.

- Tránh hút thuốc, uống rượu bia, nước ngọt trước và sau khi nhổ răng khôn.

- Uống nhiều nước mỗi ngày để cơ thể không bị mất nước.

- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý sau khi nhổ răng, tránh hoạt động quá sức hoặc quá căng thẳng sau khi tiểu phẫu.

Bạn cần đến gặp bác sĩ ngay nếu xuất hiện các triệu chứng sốt cao, chảy máu nướu, sưng mặt, viêm họng… kéo dài hơn 1 tuần kể từ lúc nhổ răng.

Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM