Lương thấp, sếp lại không ưa, công ty trả lương '3 đồng' thì nên làm 'mấy đồng' để bản thân không bị thiệt?

26/10/2018 08:32 AM | Kinh doanh

Không phải vì được nhận lại nên chúng ta mới cho đi, mà chúng ta phải cho đi thì mới được nhận lại.

(1)

Bạn tôi thường than thở là tiền lương của cô ấy quá thấp, lãnh đạo lại chẳng được cái nết gì. Nếu biết tôi muốn đi dạo phố hoặc đi công chuyện, nhất định cô ấy sẽ tìm mọi cách để trốn việc ra ngoài. Tôi từng nhắc cô ấy rất nhiều lần là không nên làm như vậy, đã đi làm thì phải làm cho tử tế.

Nhưng cô ấy hoàn toàn không nghe tôi. Lý do là lương đã thấp, lãnh đạo còn không ưa mình, cố gắng để làm chi? Dù có bị đuổi việc thì cũng chẳng sao cả, việc lương cao thì mới khó tìm, chứ loại việc này kiếm đâu chẳng được? Biết đâu lại có ngày cô ấy nổi hứng, xin nghỉ việc trước ấy chứ!

Trong cuộc sống, có không ít người giữ thái độ như vậy đối với công việc. Nếu lãnh đạo tốt với mình hơn chút, đãi ngộ cao hơn chút thì thái độ làm việc sẽ chăm chỉ hơn chút, ngược lại, chúng ta làm việc qua loa đối phó, vì chỉ có thể thì cảm thân mới cảm thấy không chịu thiệt. Tư tưởng này được rất nhiều người tán đồng, nổi tiếng nhất là cách nói: "Anh chỉ trả lương cho tôi có 3.000 tệ mà đòi tôi làm lượng công việc của 8.000 tệ? Không thể để cho lãnh đạo công ty bóc lột tôi, tưởng tôi là đồ ngốc chắc?"

Tất cả những người có tư tưởng ấy nên đọc câu chuyện dưới đây.

Một cây táo tới kỳ ra quả. Năm đầu tiên, nó ra 10 quả táo, 9 quả bị hái đi, nó còn lại một quả. Cây táo rất bất bình với chuyện này, bèn tự cắt nguồn sống, từ chối lớn lên. Năm thứ hai, nó ra 5 quả táo, 4 quả bị hái đi, nó còn lại 1 quả. "Ha ha, năm ngoái mình chỉ lấy được 10%, mà năm nay lấy được những 20%. Thắng to rồi, thắng to rồi!" Cây táo thấy rất vui vẻ.

Nhưng thực ra nó có thể làm thế này: "Tiếp tục lớn lên. Ví dụ, năm thứ hai nó cho ra 100 quả, bị hái đi 90 quả, nhưng nó vẫn còn được 10 quả. Rất có thể nó sẽ bị hái đi 99 quả, bản thân chỉ còn 1 quả. Nhưng không sao, nó còn có thể tiếp tục lớn lên, năm thứ ba nó sẽ ra 1000 quả,…

Kỳ thực, việc cây táo ra bao nhiêu quả không hề quan trọng. Quan trọng nhất là cây táo đang dần lớn lên! Tới khi trở thành một cây đại thụ che trời, những thứ từng ngăn cản nó lớn lên đã trở nên yếu ớt tới mức có thể lãng quên được rồi. Thực ra, việc nhận được bao nhiêu thành quả không quá quan trọng, quan trọng nhất là lớn lên, là trưởng thành.

Lương thấp, sếp lại không ưa, công ty trả lương 3 đồng thì nên làm mấy đồng để bản thân không bị thiệt? - Ảnh 1.

(2)

Ngày trước, khi còn đi làm, công ty tôi tuyển hai thực tập sinh, một người là Tiểu Dự, người còn lại là Tiểu Trừng. Lúc mới vào làm, cả hai đều rất hăng hái và nhiệt tình, nhưng không may hai người lại bị chuyển tới một bộ phận mà tất cả nhân viên đều không thích. Bởi vì lãnh đạo của bộ phận đó rất độc tài, lại thích cướp công của cấp dưới.

Không lâu sau, Tiểu Trừng đã nắm được mạch ngầm chính của bộ phận này, cũng học được cách đối phó với lãnh đạo, việc nào trốn được thì trốn, không trốn được thì làm qua loa cho xong. Tiểu Trừng mau chóng hòa nhập với các đồng nghiệp khác. Nhưng Tiểu Dự thì không hề bị những thứ đó ảnh hưởng. Sáng nào cậu ấy cũng tới văn phòng sớm nhất, mở cửa sổ, thay bình lọc nước, tan ca về muộn nhất, đóng cửa sổ. Lúc lãnh đạo có việc cần bàn giao, người khác đều từ chối, chỉ riêng cậu ấy là lập tức nhận việc, một mình tăng ca làm cho xong.

Những hành động này của Tiểu Dự không khiến mọi người trong bộ phận quý mến cậu ấy; trái lại, hầu như tất cả đều không ưa Tiểu Dự, cho rằng một mình cậu ấy chăm chỉ, khiến người khác trông có vẻ lười biếng, nhởn nhơ. Thế là họ vừa uống nước lọc mà Tiểu Dự bê về, vừa thầm mắng cậu ấy là đồ nịnh hót. Lãnh đạo cũng không ngốc. Anh ta biết Tiểu Dự là cấp dưới chăm chỉ và nghe lời nhất, nên việc gì cũng giao cho cậu ấy, vì thế Tiểu Dự là người bận rộn nhất trong bộ phận.

Dù vậy, lãnh đạo cũng chẳng hề ưu ái Tiểu Dự, các bản báo cáo mà cậu ấy thức đêm để hoàn thành, hôm sau đều do lãnh đạo thong thả trình bày; khi Tiểu Dự gần như một mình hoàn thành hạng mục, thì trong hội nghị người được biểu dương luôn luôn là lãnh đạo mà không phải cậu ấy; vào đợt thăng chức thăng lương, Tiểu Dự cũng chỉ ở hàng thường thường bậc trung trong bộ phận. Bởi vì tuy những người khác không chăm chỉ làm việc, nhưng họ ở trong công ty từ lâu, còn Tiểu Dự lại là người dễ ức hiếp nhất.

Thỉnh thoảng, tôi không kìm lòng được mà hỏi Tiểu Dự, vì sao cậu không nghĩ cho bản thân mình? Tôi tưởng sẽ phải nghe than thở về lãnh đạo, ngờ đâu cậu ấy chỉ nói một câu mà tới giờ tôi vẫn khó thể quên được: "Em biết chị thấy lãnh đạo đối xử với em quá bất công, nhưng anh ta cho em rất nhiều cơ hội để học tập. Em dám khẳng định là hiện giờ, ở bộ phận này, không ai có thể hiểu rõ cách thức vận hành của tổ chức hơn em."

Lương thấp, sếp lại không ưa, công ty trả lương 3 đồng thì nên làm mấy đồng để bản thân không bị thiệt? - Ảnh 2.

(3)

Mấy năm sau, công ty thấy bộ phận ấy luôn là nơi có hiệu quả công tác thấp nhất, bèn quyết định thay máu lãnh đạo. Khi lãnh đạo cấp cao xuống thị sát, họ ngạc nhiên phát hiện, hóa ra trong bộ phận còn có một người như Tiểu Dự - cậu ấy hiểu rõ bộ phận này hơn cả lãnh đạo, cũng biết vấn đề chính nằm ở đâu. Lúc đó, đoàn lãnh đạo cấp cao đề xuất việc đề bạt lãnh đạo trẻ. Sau nhiều cuộc họp, họ quyết định để Tiểu Dự tạm thời quản lý bộ phận, nếu Tiểu Dự đảm nhiệm tốt thì cậu ấy sẽ được bổ nhiệm chính thức, còn nếu Tiểu Dự không làm được thì công ty sẽ tuyển người khác.

Không còn bị lãnh đạo cản đường, Tiểu Dự mạnh dạn đưa ra nhiều chính sách mới, loại bỏ những thói xấu cũ, nhận được sự khen ngợi từ đoàn thể lãnh đạo cấp cao. Thời gian thử việc chưa kết thúc, Tiểu Dự đã được chính thức bổ nhiệm thành quản lý. Trong bộ ngành vốn có nhiều người không chịu nghe theo quyết định của công ty, nhưng nhìn theo hướng phát triển, cũng phải dần thay đổi thái độ.

Tôi rất mừng cho Tiểu Dự, nhưng vẫn hỏi cậu ấy một vấn đề: Nếu lần này công ty không chuyển lãnh đạo cũ đi, thì liệu cậu ấy còn chấp nhận đãi ngộ bất công như thế không?

Tiểu Dự thành thật nói, thực ra cậu ấy đã có ý định xin nghỉ việc rồi. Mấy năm qua, Tiểu Dự đã học được những thứ mà cậu ấy muốn học, hoàn toàn có thể đảm nhiệm được công việc yêu cầu cao hơn. Cậu ấy bày tỏ chân thành: "Trong mấy năm đầu đi làm, em vốn không quan tâm tới việc mình sẽ nhận được bao nhiêu lương, em chỉ muốn học tập thêm nhiều thứ để sau này còn cần dùng đến."

Một người có tư tưởng như vậy, khi bước trên đường đời của mình, thì dù tạm thời có gặp khó khăn cũng sẽ không ảnh hưởng tới sự trưởng thành của cậu ấy, thậm chí còn trở thành hoàn cảnh tốt nhất thúc đẩy cậu ấy trưởng thành.

Tuy nhiên, trong chúng ta có bao nhiêu người ngộ ra điều này? Kể cả tôi cũng vậy, phải trải qua rất nhiều chuyện tôi mới có thể hiểu thấu đạo lý ấy.

Khi sự cho đi không được đền đáp tương xứng, chúng ta sẽ oán hận, buồn phiền, căn phẫn, cuối cùng quyết định không nhiệt tình cố gắng như trước nữa, nhằm trừng phạt những người không báo đáp xứng đáng cho chúng ta. Tuy tưởng rằng mình đang trừng phạt đối phương, lại không hề hay biết thực ra chúng ta đang trừng phạt chính mình. Lý do khiến nhiều người mắc sai lầm này, là bởi vì mỗi người chỉ tính toán cái được cái mất nhất thời, mà quên đi điều gì mới là quan trọng nhất.

Không phải vì được nhận lại nên chúng ta mới cho đi, mà chúng ta phải cho đi thì mới được nhận lại.

* Nội dung bài viết trích từ cuốn "Bạn đắt giá bao nhiêu?"- Tác giả Vãn Tình.

Vãn Tình

Cùng chuyên mục
XEM