Luật sư nói gì về việc hoa hậu Phương Nga kiên quyết giữ im lặng trong phiên xét xử?

25/06/2017 10:42 AM | Xã hội

Qua 2 ngày xét xử, Nga kiên quyết giữ quyền im lặng. Theo luật sư nhận định, có thể trong trường hợp này, Phương Nga đã hiểu sai tinh thần pháp luật về quyền im lặng và quyền tự bào chữa.

Phương Nga liên tục sử dụng quyền im lặng vì "đảm bảo sự khách quan"?

Ngày 22 và 23/6, phiên tòa xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trị giá 16,5 tỷ đồng do Trương Hồ Phương Nga (30 tuổi, Hoa hậu người Việt tại Nga 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung bị cáo buộc thực hiện tiếp tục diễn ra.

Tại phiên tòa sơ thẩm từng bị hoãn trước (21/9/2016), Phương Nga và Thùy Dung bất ngờ khai ra tình tiết Hợp đồng tình cảm . Phương Nga cho rằng, số tiền 16,5 tỷ đồng chính là chi phí của bản hợp đồng giữa Cao Toàn Mỹ (bị hại) với cô chứ không phải số tiền hợp đồng mua bán nhà.

Phương Nga tại phiên xét xử sáng 23/6.

Cao Toàn Mỹ trong phiên tòa.

Với tình tiết phát sinh này, HĐXX xét xử đã trả hồ sơ lại để điều tra bổ sung. Sau khoảng 9 tháng, cáo trạng VKSND TP.HCM vẫn truy tố hai bị cáo Nga và Dung tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trong phần xét hỏi ở cả 2 phiên tòa vừa qua, Phương Nga liên tục sử dụng quyền im lặng. Cô này từ chối trả lời các câu hỏi của HĐXX và Viện kiểm sát. Thậm chí, Phương Nga còn nói không tin Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra vì cho rằng bản cáo trạng không đúng sự thật khiến nhiều người có mặt tại phiên tòa bất ngờ.

Theo nội dung cáo trạng của VKS, Phương Nga và Thùy Dung làm giả giấy tờ việc mua bán nhà không thành, số tiền nói trên đã trả lại cho ông Cao Toàn Mỹ. Đồng thời, Nga thuê ông Nguyễn Văn Yên (SN 1959) đóng giả là người bán nhà. Người đàn ông này có vai trò giúp Nga ký vào giấy nhận bán nhà, sau đó trả số tiền 16,5 tỷ đồng vì không muốn bán nhà cho Nga.

Tuy nhiên, khi sự việc vỡ lỡ, ông Yên cho biết mình không biết hành vi đó là giúp sức cho Nga chiếm đoạt tài sản. Khai trước HĐXX, ông Yên cũng cũng thừa nhận giúp Nga ký nhận giấy bán nhà nhưng không biết Nga lợi dụng mình để chiếm đoạt tài sản của ông Mỹ.

Cô khẳng định không tin tưởng Viện kiểm sát...

... và cho rằng bản cáo trạng không đúng sự thật.

Trong cáo trạng cũng nêu rõ: "Nga im lặng và từ chối khai báo nên không đủ cơ sở để xử lý ông Yên về tội Lừa đảo chiêm đoạt tài sản".

Còn đối với bà Dương Thị Nga (người giới thiệu ông Yên cho Nga làm giả các hồ sơ) đã thuê một người tên Dũng đe dọa ông Mỹ. Tuy nhiên, bà Dương Nga không biết việc mình giới thiệu ông Yên cho Hoa hậu nhằm mục đích gì. Cũng với lí do Nga giữ im lặng nên cơ quan VKS không đủ cơ sở để truy tố bà Dương Nga tội danh lừa đảo.

Bên cạnh đó, về tình tiết Nga dùng 200 triệu đồng để thuê Thân Tấn Dũng, Nguyễn Thị Bạch Kiều để đe dọa ông Mỹ rút đơn tố cáo, Dũng khai nhận với Cơ quan điều tra không biết Phương Nga và Thùy Dung đã lừa đảo chiếm đoạt tiền người khác. Trước sự giữ nguyên quyền im lặng của Phương Nga, cơ quan tố tụng nhận định: "Nga im lặng nên không có cơ sở xử lý Dũng về tội Không tố giác tội phạm".

Vụ án Phương Nga bị cáo buộc về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng liên quan đến ông Lữ Minh Nghĩa (bạn trai Thùy Dung) nhưng trong 2 phiên tòa vừa qua người này đều không có mặt.

Trước HĐXX, bị cáo Thùy Dung khai Nghĩa có vai trò giúp Nga viết bản di chúc và giấy xác nhận di chúc việc ông Yên được thừa kế căn nhà trên đường Nguyễn Trãi (quận 1). Trong bản cáo trạng, Nghĩa cũng khai không biết việc mình làm giúp Nga là mục đích gì.

Tiếp tục như những người liên quan khác, Cơ quan điều tra cũng không có được thông tin từ lời khai của Nga vì cô này tiếp tục giữ quyền im lặng trước các câu hỏi. Theo đó, ông Nghĩa không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì cơ quan chức năng chưa đủ cơ sở.

Phương Nga mong muốn Viện kiểm sát tôn trọng quyền im lặng của mình.

Một mắt xích quan trọng trong vụ án nữa là bà Nguyễn Mai Phương (người hứa giúp Nga không bị truy tố) nhưng người phụ nữ này vẫn chưa xuất hiện trong những phiên tòa vừa qua.

Trong phiên toà ngày 23/6, Phương Nga vẫn bình tĩnh và kiên quyết dùng quyền im lặng để không trả lời bất cứ vấn đề nào liên quan đến vụ án dẫn đến việc điều tra của cơ quan chức năng gặp khó khăn. Mặc dù được VKS nhiều lần xét hỏi nhưng bị cáo Nga tiếp tục khẳng định: "Bị cáo giữ quyền im lặng và không nói gì thêm. Mong tòa tôn trọng quyền im lặng của bị cáo".

Không những thế, ngay cả khi luật sư LS Phạm Công Hùng – nguyên thẩm phán TAND Tối cao, một trong các luật sư bào chữa cho Phương Nga đặt câu hỏi, cô vẫn giữ quyền im lặng. "Bị cáo xin tiếp tục im lặng và không trả lời câu hỏi từ luật sư của mình. Bởi vì bị cáo tin rằng khi luật sư Phạm Công Hùng tham gia vào vụ án này thì bản thân luật sư không có mối quan hệ cũng như quen biết với bị cáo.Bị cáo tin rằng sau khi nghiên cứu vụ án, luật sư sẽ hiểu bản chất vụ việc và đưa ra quan điểm của mình. Bị cáo không trả lời thẩm vấn của luật sư là để đảm bảo sự khách quan", bị cáo Nga nói.

Quan điểm của luật sư về quyền im lặng mà Phương Nga sử dụng

Liên quan đến quyền im lặng của Phương Nga, trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề này Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn LS TP.HCM) nhận định, có thể trong trường hợp này, Phương Nga đã hiểu sai tinh thần pháp luật về quyền im lặng và quyền tự bào chữa.

Vị luật sư phân tích: Quyền im lặng chỉ có ý nghĩa khi bị ép cung, mớm cung, bị tạm giam... mà chưa có luật sư hoặc những tình tiết bất lợi không kịp phản ứng. Khi ra tòa công khai, có luật sư bào chữa công khai, thì đó là cơ hội để bị cáo thể hiện quyền tự bào chữa nếu cho rằng bị ép, mớm cung... Thế nhưng Phương Nga lại giữ im lặng và cho rằng chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng (đây là lý thuyết) theo Điều 10, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định.

Phương Nga kiên quyết giữ quyền im lặng

Về vấn đề Pháp luật có cho phép bị cáo im lặng hay không, luật sư Hùng thông tin, pháp luật hình sự không quy định trực tiếp việc bị cáo có quyền im lặng. Tuy nhiên tại điểm c, Khoản 2, Điều 48, 49 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định "người bị tạm giữ, bị can có quyền trình bày lời khai". Tức là, trình bày lời khai được xem là một quyền chứ không phải nghĩa vụ.

Mặt khác, nếu trong trường hợp kết quả cuối cùng Phương Nga bị kết tội nhưng trước đó giữ im lặng thì như thế nào? Luật sư Hùng cho rằng HĐXX sẽ cân nhắc tình tiết khai báo thành khẩn để đưa vào tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình (xử phạt). Nhưng nếu cho rằng mình không phạm tội thì phải tự bào chữa, phải đưa ra lý luận và quan điểm về hành vi của mình để được Tòa cân nhắc. Quyền im lặng và quyền tự bào chữa là 2 quyền khác nhau.

Cuối phiên xét xử buổi chiều ngày 22/6, Phương Nga mới chịu lên tiếng rằng: "Im lặng không có nghĩa đồng ý, im lặng chỉ là im lặng".

Luật sư Hùng còn cho biết thêm, luật không quy định thời hạn được quyền im lặng cho nên Phương Nga có thể được quyền im lặng trong suốt vụ án. Ngoài ra luật cũng không quy định bị cáo phải trả lời hay không được im lặng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Nên trong trường hợp này, việc Phương Nga nói hoặc im lặng là quyền của cô ấy.

Theo Tứ Quý

Từ khóa:  phương nga
Cùng chuyên mục
XEM