Lừa đảo qua mã QR bùng nổ tại Trung Quốc

05/05/2019 11:35 AM | Xã hội

Thanh toán bằng mã QR, một công cụ thanh toán phổ biến trong xã hội Trung Quốc không sử dụng tiền mặt, tuy nhiên đã mang đến cho những kẻ lừa đảo công cụ mới.

Theo Nikkei, gần đây đã có nhiều vụ việc lừa đảo liên quan đến thanh toán bằng mã QR tại Trung Quốc. Kết quả một thống kê mới đây cho thấy đến 98% người sử dụng điện thoại thông minh tại các khu vực đô thị sử dụng thiết bị di động để thực hiện thanh toán. Việc sử dụng mã quẹt phổ biến đến nỗi người ta cũng dùng nó để thanh toán vé các loại khi đi lại.

Vụ việc lừa đảo mới đây ở Thượng Hải đã diễn ra như sau: Một người sau khi kết thúc công việc trở về nhà nhìn thấy một vé phạt đính trên xe ô tô của ông; theo yêu cầu trên chiếc vé này, ông cần phải quét mã QR để thanh toán 200 nhân dân tệ tương đương khoảng 30USD tiền phạt. Ông dùng ứng dụng WeChatPay phát triển bởi Tencent Holdings để trả tiền. Thế nhưng vài ngày sau đó, ông nhận được thông báo từ cảnh sát rằng ông vẫn chưa thanh toán khoản tiền đỗ xe nói trên.

Cuối cùng, chiếc vé mà ông thanh toán bị phát hiện là vé giả, và khoản tiền ông thanh toán đã được chuyển tiếp đến một tài khoản WeChat cá nhân. Tuy nhiên tài khoản này sử dụng ảnh của một viên chức cảnh sát, nạn nhân đã không thể phát hiện ra có điều gì bất thường. Người đàn ông phàn nàn: “Tôi đã thanh toán tiền, thế nhưng cuối cùng tôi lại phải thanh toán thêm lần nữa”.

Để có thể ngăn chặn tình trạng lừa đảo như vậy, cảnh sát Trung Quốc đang thông báo với người dân rằng bất kỳ vé phạt nào sử dụng mã QR sẽ được chuyển đến công dân trực tiếp, còn vé không có mã QR sẽ được gắn trên phương tiện giao thông.

Các kẻ lừa đảo còn nhắm đến các nhà kinh doanh bằng việc thay mã thanh toán QR trên màn hình vào tài khoản của họ. Kết quả, nhiều người bán rau, bán thực phẩm ven đường cũng như nhiều nhà kinh doanh nhỏ khác mất tiền.

Giáo sư ngành tài chính và kỹ thuật tại đại học Kobe, ông Masakatsu Morii, chỉ ra rằng các trò lừa đảo kiểu như trên phổ biến bởi thật khó để có thể nói rằng mã QR là giả hay thật nếu chỉ nhìn sơ qua.

Mắt người không thể phân biệt được hệ thống các chấm để có thể biết được liệu mã QR giả có được dán chèn lên mã QR thật.

Ngoài ra, điện thoại thông minh có thể đọc được mã QR ngay cả nếu mã có bị lỗi, miễn là thiết bị đọc có thể phát hiện được mã. Chính điều này tiềm ẩn rủi ro mới với nhiều mã QR hợp pháp.

Nếu xóa mờ đi một phần mã QR, người ta có thể bị chuyển tiếp đến một trang web lừa đảo. Hoặc việc xóa đi một số mã cũng có thể đánh lừa thiết bị quét.

Doanh nghiệp trong lĩnh vực tư nhân đang ngày một cứng rắn hơn trong việc ngăn chặn hoạt động lừa đảo thanh toán bằng mã QR, vấn đề này không chỉ hạn chế với riêng Trung Quốc. Công ty TriForce Consulting trụ sở tại Tokyo đang phát triển hệ thống nhận diện sử dụng chữ ký số cùng với mã QR.

Khi người dùng mua hàng trực tuyến, hệ thống đưa ra mã QR cho lần mua sắm đó để ứng dụng điện thoại thông minh có thể đọc được. Người dùng thậm chí không cần phải nhập tên và mật khẩu để hoàn tất việc thanh toán.

Công ty Mediaseek tại Tokyo cũng đã phát triển hệ thống ngăn hành vi lừa đảo bằng mã QR. Nếu một mã thanh toán đưa ra đường link URL thanh toán lừa đảo, người dùng sẽ báo cáo trang đó với Mediaseek.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM