Lotte, Vingroup, Lazada là minh chứng thương mại điện tử Việt Nam còn nhiều cửa sáng

01/12/2016 07:09 AM | Kinh doanh

Chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, những cái tên như Bé yêu, Deca, Lingo… đã phải dừng cuộc chơi với thị trường thương mại điện tử. Lazada Việt Nam đã về tay Alibaba, VNPT Epay bị bán lại cho một doanh nghiệp Hàn Quốc. Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn nhiều điểm sáng.

Thương mại điện tử Việt Nam vẫn rất phát triển. Những mô hình như Deca, Lingo… đóng cửa, về cơ bản, là chuyện bình thường trong hoạt động thương mại điện tử”, ông Lê Đức Anh – Trưởng Phòng Phát triển dịch vụ trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công thương cho biết.

Ông cũng chuyển tải nhận định của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công thương, cho rằng thị trường thương mại điện tử đang phát triển, dựa trên 4 điểm sáng sau:

- Hiện có rất nhiều “ông lớn” gia nhập vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Lotte là một ví dụ. Đơn vị này đang tham gia rất mạnh vào các chương trình giám giá khủng, và lần đầu tiên trong năm nay, Lotte cũng tham gia ngày hội Online Friday, còn gọi là Black Friday của Việt Nam - sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm do Bộ Công thương chủ trì.

- Một vài ông lớn đã hiện diện trên thị trường đang tái cơ cấu. Ông Đức Anh lấy ví dụ như trường hợp Vingroup, sắp tới toàn bộ hệ thống VinCommerce sẽ kết nối với nhau.

“Họ vừa tái cơ cấu để đảm bảo từng hệ thống thương mại kết nối với nhau để bán trên trang thương mại điện tử A đây rồi. Sau cuộc tái cơ cấu này, Vingroup sẽ là một thương hiệu lớn của thương mại điện tử Việt Nam”, đại diện Bộ Công thương cho biết.

- Đơn hàng thương mại điện tử ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng đơn vị lớn nhất là Lazada, đơn hàng trung bình năm 2016 của đơn vị này gấp 6 lần đơn hàng trung bình năm 2014.

Với một doanh nghiệp lớn, trung bình 1 ngày nhận 15.000 – 20.000 đơn hàng, mức tăng 600% là mức tăng rất lớn, cho thấy thị trường đang rất phát triển, Bộ Công thương cho biết.

- Về hạ tầng thanh toán, mặc dù hiện nay hình thức thanh toán online mới chỉ chiếm 4% của các hoạt động mua sắm trực tuyến trong ngày cao điểm, nhưng sắp tới sẽ có sự vào cuộc của các ngân hàng.

Một thị trường thương mại điện tử phát triển thì tỷ lệ thanh toán online phải cao. Với sự vào cuộc của các ngân hàng cộng với nguồn lực lớn, hạ tầng thanh toán của Việt Nam sẽ được đẩy lên.

“Theo quan điểm của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, dù thị trường còn nhiều quan điểm trái chiều, chúng tôi vẫn cho là thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang phát triển”, ông Đức Anh nói.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM