'Lối thoát' nào cho dầu thô - liên tục trong thế mắc kẹt giữa lệnh trừng phạt của EU và nhu cầu sụt giảm tại Trung Quốc

06/05/2022 20:31 PM | Kinh doanh

Trong tháng 4, giá dầu luôn dao động trong khoảng 100-115 USD/thùng, không ngừng bị giằng co giữa các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu và sự suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu thô do liên quan đến lệnh phong toả tại Trung Quốc

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 3/5 đề xuất bản kế hoạch được coi là có thể tạo ra những thay đổi bước ngoặt mang tính lịch sử đối với dòng chảy năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, giá dầu trên thị trường không phản ứng quá mạnh trước thông tin này. Dầu Brent Biển Bắc tăng hơn 3,8%, lên ngưỡng 110 USD/thùng sau khi xuất hiện thông tin EC đề xuất Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt dầu thô và các sản phẩm tinh chế xuất khẩu của Nga theo từng giai đoạn.

Giới phân tích và giao dịch nhận định phản ứng vừa phải của thị trường xuất phát từ việc dầu thô đã duy trì đà tăng vững do thông tin xuất hiện trước đó, cách tiếp cận theo giai đoạn của EC và xu thế suy giảm cầu tiêu thụ tại Trung Quốc do bùng phát dịch COVID-19 cũng như động thái Mỹ và nhiều đồng minh xuất dầu từ kho dự trữ chiến lược. Kể tử đầu tháng 4 đến nay, giá dầu Brent đã dao động trong khoảng 100-115 USD/thùng.

Bjarne Schieldrop, trưởng nhóm chuyên gia phân tích về hàng hóa tại Ngân hàng SEB (Thụy Điển), mức tăng giá của dầu thô như vậy được coi là nhỏ so với một quyết định được đánh giá là chấn động từ EU. "Nếu không phải là do hiệu ứng từ các đợt phong tỏa tại Trung Quốc cũng như xuất dầu từ kho dự trữ, thị trường dầu mỏ sẽ có phản ứng về giá mạnh hơn nhiều'', ông nhận định.

Kể từ khi Nga tấn công quân sự vào Ukraine vào tháng 2, giới giao dịch đã cố tìm cách dự đoán mức độ gián đoạn trong dài hạn của dòng dầu thô xuất khẩu từ Nga cũng tác động của nó đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn rơi vào tình cảnh eo hẹp.

Ngay sau cuộc xung đột, dầu thô đã ghi nhận tăng bùng nổ, khi dầu Brent lên mức 139 USD/thùng - mức cao kỉ lục trong 14 năm. Đó là cách thị trường phản ứng trước thông tin Mỹ chuẩn bị áp dầu thô chống Nga. Giá dầu sau đó đi xuống, khi châu Âu, đi đầu là Đức, phản đối ý tưởng hạn chế nhập khẩu từ Nga, bất chấp việc một số đầu mối nhập khẩu tại châu Âu tự nguyện ngừng mua dầu của Nga.

 Lối thoát nào cho dầu thô - liên tục trong thế mắc kẹt giữa lệnh trừng phạt của EU và nhu cầu sụt giảm tại Trung Quốc  - Ảnh 1.

Giá dầu liên tục bị kẹt trong khoảng 100-115 USD/thùng.

Lo ngại về suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu thô liên quan đến lệnh phong tỏa tại Trung Quốc là yếu tố tác động lớn nhất đối với giá dầu kể từ đầu tháng 4 - ông Amrita Sen, chuyên gia phân tích trưởng về dầu thô tại hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects, nhìn nhận.

Theo ông, trước thông tin kiểu như EC đề xuất cấm vận Nga, giá dầu có thể tăng từ 10-15%. Nhưng hiện tại, vấn đề nằm ở chỗ thị trường thực sự quan ngại về cầu dầu thô từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Tập đoàn tài chính-ngân hàng Standard Chartered ước tính tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc giảm khoảng 1,1 triệu thùng/ngày trong tháng 4, tương đương với 1% cầu tiêu dùng toàn cầu. Suy giảm này bắt nguồn từ các quy định hạn chế, phong tỏa gần đây tại đại lục. Tuy nhiên, mức tiêu thụ dự kiến sẽ phục hồi trở lại vào tháng 7 tới.

Các thương nhân khác lo ngại nhu cầu dầu thô của Trung Quốc thậm chí có thể giảm tới 3-4 triệu thùng/ngày, tương đương với tổn thất sản lượng khai thác của Nga do tác động của lệnh trừng phạt tiềm tàng.

"Nhiều người nói với tôi Trung Quốc làm giảm hiệu quả trừng phạt Nga. Đó không phải là quan điểm của Energy Aspects, nhưng đó đúng là những gì mà thị trường đang nhìn nhận", ông Amrita Sen nói.

Theo ông Sen, khi xem xét đến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, trước tiên phải xét đến Trung Quốc. Lệnh phong tỏa, hạn chế tại Trung Quốc không kéo dài, nhu cầu tiêu thụ có thể phục hồi trong tháng 5 và gia tăng từ tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Đó sẽ là thời điểm dầu có được đà tăng mạnh trên thị trường.

Chưa cần đến quyết định cấm vận của EU theo đề xuất của EC, vòng trừng phạt gần đây nhất của EU dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/5. Theo đó, các công ty tại châu Âu sẽ không được phép nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc dầu từ các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước tại Nga, như Rosneft, ngoại trừ số ít trường hợp "đặc biệt cần thiết".

Hệ quả là Vitol – nhà giao dịch dầu thô độc lập lớn nhất thế giới, ước tính lượng dầu thô xuất khẩu của Nga sẽ giảm mạnh trong quý 2. "Suy giảm nguồn cung từ Nga đã xảy ra và đều đã được phản ánh vào giá dầu. Tuyên bố của EC giúp thị trường có được định hướng rõ ràng về việc giá dầu sẽ không thể sớm bùng nổ trong thời gian tới", Paul Horsnell - trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Standard Chartered, bình luận.

Ấn Độ thẳng thừng yêu cầu Nga giảm giá dầu xuống dưới 70 USD/thùng

Theo Khánh Vy

Từ khóa:  dầu , châu âu , nga
Cùng chuyên mục
XEM