Lợi quyền của người lao động tầm soát ung thư giá rẻ: Dang dở giấc mơ

22/02/2017 19:29 PM | Xã hội

Chỉ với hơn 60.000 đồng, người dân thủ đô sẽ được khám, tầm soát, phát hiện và phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa. Đó là thông tin mà người Hà Nội đón nhận hồ hởi trong bối cảnh tỉ lệ người mắc ung thư ở Việt Nam ngày càng cao. Thế nhưng ý định đầy nhân văn đó cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Vì sao?

Hài lòng với Trung tâm kỹ thuật cao

Tính đến nay, hơn 2 tháng sau khi hoàn thành, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã có những hoạt động bước đầu hiệu quả. Theo ghi nhận của Lao Động, người dân đến khám tại trung tâm khá đông. Hầu hết người dân đều hài lòng với thái độ phục vụ cũng như chất lượng khám chữa bệnh ở trung tâm. Họ vui vẻ khi người bảo vệ mở cửa tiếp đón, khi nhân viên bệnh viện tận tình chào hỏi, hướng dẫn ngay từ khi họ bước vào như ở các khách sạn sang trọng. Nơi chờ khám cho bệnh nhân và người nhà cũng được bài trí hợp lý, thuận tiện cho người bệnh.

Hiện nay, trung tâm hoạt động khá thành công với những kỹ thuật mới, đặc biệt là chụp chiếu, máy cộng từ hoạt động gần như hết công suất, máy cắt lớp vi tính hoạt động tốt, giúp chẩn đoán nhanh… Qua đó, các kỹ thuật cao này giúp đỡ rất tốt về mặt chuyên môn cho trung tâm và bệnh viện.

Mới đây, bệnh nhân D.V.H (SN 1942) ở Phú Thọ, vào viện Xanh Pôn ngày 23.1 do đột ngột xuất hiện nói ngọng và liệt nửa người phải. Ngay sau đó được chuyển xuống BV Xanh Pôn. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành chụp dựng hình mạch não, kết quả cho thấy BN đã bị tắc hoàn toàn động mạch não giữa đoạn M1. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ tiến hành can thiệp lấy huyết khối cho BN, tái thông mạch não hoàn toàn. Kết quả BN sau 1 ngày đã rút được ống nội khí quản, hiện tại BN đã hết liệt, đi lại bình thường, nói được và đã được ra viện.

Ngày 16.2, trao đổi về hoạt động của Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, Ths. BS Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: “Mục tiêu của trung tâm là đề cao tính nhân văn. Chúng tôi hướng đến mục tiêu là đảm bảo chất lượng dịch vụ để hướng tới sự hài lòng của người dân. Nếu cứ phân tích theo hướng tài chính thì sẽ thấy có rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi nỗ lực vì mục đích nhân văn”.

Nhờ có những thiết bị hiện đại, chúng tôi triển khai được nhiều kỹ thuật mới như tiêu sợi huyết, làm tan cục máu đông trong não… “Nếu không có hỗ trợ từ kỹ thuật cao thì những ca đó rất khó cứu chữa. Kỹ thuật cao giúp bệnh nhân hết mê, thoát khỏi di chứng nặng nề. Chưa kể đến phần nội soi chẩn đoán, nội soi kết hợp với siêu âm đã làm được nhiều ca rất hay”.

Theo BS Hưng, mặc dù giá dịch vụ cao nhưng chất lượng dịch vụ rất tốt, và bệnh nhân đều được hưởng chi trả bảo hiểm. Để vận hành được trung tâm, không chỉ cần nhân lực, vật lực mà những vấn đề khác cũng tốn kém hơn thông thường như dịch vụ vệ sinh, bảo vệ cũng tốt hơn. Nhưng quan trọng nhất là làm sao để bệnh nhân hài lòng và phải phối hợp tốt với bảo hiểm để họ chi trả cho người bệnh.

“Chúng tôi sẽ kiểm soát chất lượng tốt và làm sao tăng dần lên. Tương lai sẽ triển khai nhiều hơn nữa những kỹ thuật cao mới. Sẽ có các chuyên gia nước ngoài cầm tay chỉ việc để đào tạo đội ngũ bác sĩ của BV”- BS Hưng nói.

Khi xây dựng trung tâm, TP. Hà Nội đã có chủ trương tầm soát ung thư giá rẻ cho người dân thủ đô nhưng hoạt động này đến nay vẫn chưa thể triển khai được do vướng mắc về tài chính.

Phải để người nghèo tiếp cận được dịch vụ

Tuy nhiên, ở một góc độ khác khi xây dựng Trung tâm, TP. Hà Nội đã có chủ trương tầm soát ung thư giá rẻ cho người dân thủ đô nhưng hoạt động này đến nay vẫn chưa thể triển khai được do vướng mắc về tài chính. Giám đốc BVĐK Xanh Pôn cho biết: “Mọi công việc chuẩn bị hiện nay đã xong, chúng tôi sẵn sàng hoạt động rồi nhưng hiện tại chưa thể triển khai trên diện rộng được vì phải chờ cơ chế, chính sách”.

Ý tưởng ban đầu của lãnh đạo Hà Nội là khi đầu tư 400 tỉ đồng vào trung tâm này thì Hà Nội với 1,5 triệu dân (trong độ tuổi 40 - 65) sẽ phòng ngừa được 5.000 -10.000 người trong vòng 5 năm không mắc ung thư và hàng ngàn người được cứu chữa. Trung tâm có 12 phòng khám bệnh, 10 buồng bệnh, 3 phòng mổ. Thậm chí, 1 phòng mổ có camera truyền hình để hội chẩn quốc tế. Hệ thống mổ nội soi có độ phân giải 4K.

Với giá 63.200 đồng theo quy định của Bộ Y tế (so với Singapore là 15USD và Mỹ là 62USD), phần lớn số tiền sẽ do BHYT chi trả. Tuy nhiên khi đi vào triển khai thì mọi việc không đơn giản như vậy theo quy định của Bảo hiểm xã hội, kinh phí cho việc này sẽ không được BHXH thanh toán. Vì thế mà chủ trương này đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Ngày 9.2 vừa qua, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về công tác y tế cơ sở, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã nêu lên những trăn trở về vấn đề kinh phí cho việc tổ chức khám sàng lọc ung thư đường tiêu hóa cho người dân thủ đô. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Chính phủ cho phép Hà Nội được sử dụng từ tiền kết dư của BHXH.

Khi nói về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, tầm soát ung thư là một chủ trương rất nhân văn của thủ đô Hà Nội trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đồng thời giảm tốn kém cho hệ thống y tế vì khi phát hiện sớm khả năng điều trị thành công cao, người bệnh và cơ sở y tế cũng không phải gồng mình lên chống chọi với bệnh tật khi đã trở nặng. Bên cạnh đó Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh Hà Nội thời gian qua đã làm tốt công tác an sinh xã hội như tập trung quản lý vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học…

Với vướng mắc từ cơ chế khi Luật BHYT không cho phép thanh toán trường hợp khám sàng lọc, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, sẽ trình Chính phủ đề xuất nêu trên, nếu trong thẩm quyền của mình Chính phủ có thể quyết được trên diện hẹp sẽ quyết còn không phải đợi trình Quốc hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nói: “Trong lúc chờ quyết định, Hà Nội nên triển khai, phần nào BHYT chi trả thì chi trả còn không huy động từ nguồn vốn xã hội hóa”.

Vì thế, giấc mơ tầm soát ung thư giá rẻ vẫn còn dang dở với người dân Hà Nội.

Trao đổi về vấn đề thanh toán để người nghèo tiếp cận được dịch vụ tầm soát ung thư tiêu hóa với giá rẻ, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Quan điểm của BHXH Việt Nam là hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Hà Nội tầm soát ung thư đại tràng cho người có thẻ BHYT từ 40 tuổi trở lên và đã có tờ trình Chính phủ về cho phép thực hiện thí điểm việc này. Sau một năm triển khai thí điểm, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá; nếu hiệu quả sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội chính thức cho phép ban hành quy định thanh toán một số chi phí dự phòng như khám bệnh để sàng lọc chẩn đoán sớm một số bệnh bằng nguồn quỹ BHYT nhằm tăng cường y tế dự phòng”. H.L

Theo Thùy Linh

Cùng chuyên mục
XEM