Lời khuyên của người đoạt giải Nobel Daniel Kahneman: Đừng bao giờ tin vào trực giác của mình, trừ khi bạn nói "Có" được với 3 câu hỏi

26/06/2021 17:35 PM | Kinh doanh

Nhà tâm lý học nổi tiếng đưa ra một số quan niệm trong việc hành động dựa vào trực giác của bản thân.

Trực giác là chắt lọc từ sự khôn ngoan và kinh nghiệm sống, hay chỉ là biểu hiện của sự lười biếng và những thành kiến sẵn có trong bộ não của chúng ta? Liệu chúng có khiến chúng ta đánh giá một việc quá đơn giản/ rập khuôn hoặc giúp chúng ta tránh được những hiểm nguy nào đó trước khi chúng ta có thể xử lý chúng?

Những câu hỏi này là nội dung của cuộc tranh luận về các vấn đề học thuật sôi nổi đang diễn ra. Trong khi Malcolm Gladwell đưa ra những luận điểm của mình, ủng hộ việc đánh giá các sự việc thông qua trực giác trong cuốn sách bán chạy nổi tiếng "Trong chớp mắt", thì nhà Tâm lý học từng đoạt giải Nobel Daniel Kahneman lại tổng hợp và phân tích những mặt hợp lý và phi lý trong tư duy chủ quan của con người trong cuốn "Tư Duy Nhanh và Chậm".

Thế nhưng, trong khi các chuyên gia đang tranh luận thì chúng ta vẫn phải sống tiếp và đưa ra những quyết định của chính mình trong cuộc sống này. Vậy chúng ta nên bỏ qua hay tiếp tục thực hiện mọi việc thông qua trực giác của mình? Theo Kahneman, câu trả lời là tùy vào từng trường hợp.

Đấu tranh giữa tư duy thông minh và tư duy theo lối mòn?

Theo định nghĩa của Kahneman, tư duy theo trực giác hay còn gọi là "Hệ Thống 1" của bộ não, thường được sử dụng trong nguyên tắc ngón tay cái. Tuy nhiên, lối tư duy này thường mang lại những sai lầm. Chúng ta thường đưa ra cách giải quyết chung cho một sự việc dựa trên những ví dụ, những kinh nghiệm từng có theo trí nhớ của mình. Lối tư duy này khiến chúng ta cho rằng tần suất các sự việc trong quá khứ xảy ra rất cao nhưng hóa ra lại rất hiếm khi gặp phải, chẳng hạn như tai nạn máy bay. Như Kahneman giải thích trong cuốn sách của mình, trực giác của chúng ta không phải lúc nào cũng đúng.

Tuy vậy, ở khía cạnh khác, chúng ta đều biết trực giác của mình không hẳn là vô dụng. Khi bạn có cảm giác người bạn đời của mình đang giận dỗi, bạn sẽ nghĩ ngay đến việc đi thẳng đến shop bán hoa, mua một bó hoa thật đẹp để làm hòa với họ. Một ví dụ khác, một người lính cứu hỏa kì cựu đã sử dụng trực giác của bản thân quyết tâm cứu người vì anh biết được ngọn lửa nguy hiểm như thế nào đến mạng sống con người, theo một câu chuyện mà Kahneman chia sẻ trong cuốn sách của mình.

Vậy thì bằng cách nào bạn biết được khi nào trực giác sẽ giúp ích cho cuộc sống của bạn và khi nào thì nó trở nên vô dụng?

Theo trang ThinkAdvisor, trong một cuộc thảo luận gần đây tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Kahneman đã đưa ra một câu trả lời rất đơn giản cho câu hỏi đầy khó khăn này. Câu trả lời được dựa trên ba câu hỏi. Nếu bạn đồng ý với mỗi câu hỏi này, thì bạn nên tin vào trực giác của mình. Nếu không, tốt hơn hết là bạn nên kiểm tra lại trực giác của mình dựa vào một số dữ liệu trong thực tế và những lý do quan trọng sau:

Có điều gì thực sự quen thuộc về lĩnh vực này mà bạn có thể tiếp thu và học hỏi không?

Trực giác được phát triển từ kinh nghiệm. Vì vậy, trực giác của bạn nên được hình thành trong một môi trường đáng tin cậy để có thể phát triển tốt nhất. Liệu lĩnh vực nào trong cuộc sống này mang lại một môi trường hữu ích để giúp bộ não của chúng ta phát triển được trực giác một cách chính xác? "Người chơi cờ thường có trực giác rất tốt, và những người đã kết hôn cũng vậy". Tuy nhiên, những người chơi chứng khoán lại khá khó khăn khi dựa vào trực giác của mình, bởi vì đây là một thị trường quá ồn ào và luôn có nhiều biến động phức tạp.

Bạn đã thu thập đủ kinh nghiệm về lĩnh vực này chưa?

Tiếp theo, trực giác tốt sẽ được hình thành từ sự quan sát đều đặn các sự việc diễn ra trong môi trường xung quanh. Vì vậy, bạn cần phải rèn luyện điều này rất nhiều, không phải vài tuần mà bạn phải thực hiện liên tục mỗi ngày. Bởi vì, những kinh nghiệm đó sẽ giúp chúng ta gặt hái được thành quả tốt đẹp nhất, giống như ví dụ về người đội trưởng đội cứu hỏa đã dùng những kinh nghiệm, kỹ năng sau nhiều năm đúc kết được để cứu người.

Bạn có nhận được những phản hồi kịp thời trong quá trình rèn luyện trong lĩnh vực đó chưa?

Thực hành không chỉ là làm đi làm lại một việc gì đó. Giống như khi, bạn chơi violin dở tệ từ năm này qua năm khác, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể đánh được bản nhạc Beethoven. Trong quá trình rèn luyện, bạn cần phải có những phản hồi từ người khác về việc mình đang làm. Tâm lý học chỉ ra rằng, những phản hồi chỉ có hiệu quả khi chúng đến đúng lúc và chi tiết nhất. Kahneman giải thích: "Nếu bạn muốn rèn luyện trực giác của mình, bạn gần như phải được biết việc mình đang rèn luyện là đúng hay sai một cách kịp thời".

Vì thế, lần sau nếu trực giác mách bảo bạn nên làm gì đó hoặc không, bạn nên dành chút thời gian để suy xét một cách khoa học. Bạn có ai để tham khảo về lĩnh vực này chưa? Bạn có đủ kinh nghiệm chưa? Bạn có áp dụng nó vào thực tế chưa? Nếu bạn không thể trả lời có cho cả ba câu hỏi này, hãy tạm dừng và suy nghĩ thấu đáo vấn đề một cách hợp lý hơn.

Mai Lâm

Cùng chuyên mục
XEM