Loay hoay phát triển du lịch Hồ Tây

14/06/2022 08:20 AM | Kinh doanh

Du thuyền, nhà hàng nổi cũ nát nhiều năm không thể xử lý dứt điểm, nhiều hoạt động trên mặt hồ không ai quản lý, không thu phí khai thác mặt nước nhiều năm... là những tồn tại, khiến du lịch Hồ Tây khó phát triển.

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức buổi khảo sát, xây dựng tua du lịch Thủ đô. Tại đây, nhiều doanh nghiệp lữ hành rất hào hứng với những tua tại Hồ Tây.

Dự kiến, quận Tây Hồ sẽ nghiên cứu phương án triển khai nạo vét bùn trầm tích tổng thể Hồ Tây để cải thiện chất lượng, môi trường nước hồ, cải thiện không gian sinh sống các loài thủy sản. Nghiên cứu đầu tư xây dựng quản lý sau đầu tư đối với 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy (theo quy hoạch phân khu đô thị A6) để xây dựng thành khu vui chơi giải trí và du lịch khai thác không gian mặt nước và vùng phụ cận; tạo luồng, tuyến du lịch đến một số điểm vui chơi...

Phó Giám đốc HPA Lê Tự Lực cho biết, quận Tây Hồ với không gian thoáng đãng, nhiều di tích văn hóa, lịch sử có thể đưa vào tua khám phá Hà Nội. Tuy nhiên, muốn khai thác du lịch xứng với tiềm năng, quận Tây Hồ cần định hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hoá địa phương.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Cty CP UMOVE Travel Trần Trung Kiên cho biết, quận Tây Hồ nằm cạnh sông Hồng nên có tiềm năng xây dựng, phát triển du lịch trên sông, khám phá thiên nhiên, thể thao dưới nước… nhưng lợi thế này chưa được khai thác.

 Loay hoay phát triển du lịch Hồ Tây  - Ảnh 1.

Nhiều năm, tàu thuyền cũ tại Hồ Tây vẫn chưa được di dời dứt điểm

Theo đại diện UBND quận Tây Hồ, từ tháng 9/2016 đến nay, công tác quản lý, khai thác Hồ Tây được thực hiện theo Quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, việc quản lý hồ Tây được giao cho 7 sở ngành quản lý, không có đầu mối thống nhất.

Dù nhiều đơn vị cùng tham gia quản lý hồ Tây nhưng vẫn có những lĩnh vực chưa rõ ai quản lý và quy trình thực hiện, như: Hoạt động của các phương tiện thủy trên hồ; hoạt động đánh bắt cá, chèo thuyền... dẫn đến việc quản lý, cứu hộ gặp khó. Ngoài ra, ngân sách nhà nước đang bị thất thu do từ năm 2016 không thu phí khai thác sử dụng mặt nước Hồ Tây.

Đối với việc di dời “tàu ma”, lãnh đạo quận thừa nhận chậm trễ do việc giải quyết cần có sự tham gia của Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở Tài chính Hà Nội... Bên cạnh đó, việc thực hiện xây dựng bến thuyền và tuyến du lịch thủy theo Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6) hiện vẫn chưa triển khai do cần sự tham gia phối hợp của nhiều sở ngành thành phố.

Để đẩy nhanh tiến độ di dời “tàu ma”, phát triển du lịch trên Hồ Tây, UBND quận Tây Hồ đề xuất thành phố gom việc quản lý, khai thác Hồ Tây cho quận Tây Hồ. Ý kiến này đã được liên ngành thống nhất mới đây.

Trên cơ sở được chấp thuận, UBND quận sẽ xây dựng đề án tổng thể để quản lý, khai thác tối đa các lợi thế, tiềm năng của Hồ Tây nhằm xây dựng Hồ Tây thành nơi vui chơi giải trí, du lịch và là nơi phục vụ khách du lịch trọng điểm của Thủ đô.

Theo HIỂU MINH

Cùng chuyên mục
XEM