Loạt phát minh gây bão trong năm 2019: Không còn là nghiên cứu nằm trên mặt giấy, các phát minh đã được ứng dụng vào thực tiễn!

04/01/2020 11:23 AM | Xã hội

Từ thiết bị đuổi chó, màng bọc thực phẩm tự phân huỷ, ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời cho đến xe lăn tiện ích cho người già... ai sẽ chiến thắng hạng mục "Người tiên phong" tại giải thưởng WeChoice năm nay?

"Tuổi trẻ tài cao" là những gì mà các khán giả dành tặng cho các nhân vật trong hạng mục Người tiên phong của giải thưởng WeChoice Awards 2019 .

Chỉ sau 3 ngày mở cổng bình chọn, số lượt vote của 5 đề cử đã tăng lên vô cùng nhanh chóng. 

Nguyễn Tấn Minh và Phạm Nguyễn Phú Sĩ với phát minh "Thiết bị thông minh phát hiện tiếng sủa và đuổi chó" vẫn là cái sở hữu lượt bình chọn cao nhất và bỏ xa cách đề cử còn lại với 1303 vote. Đứng ở vị trí thứ 2 đó là Đinh Thùy Linh, Vũ Thu Hằng và Phạm Vũ Quốc Hùng cùng đề tài đề tài nghiên cứu “Tạo màng bọc thực phẩm có khả năng phân hủy sinh học” với 796 vote.

Ở vị trí thứ 3,4,5 lần lượt là: Nguyễn Quốc Thông và Nguyễn Hoàng Hồng Ngọc - sáng tạo ra chiếc xe lăn tiện ích cho người già và người khuyết tật với 259 vote; Ngô Việt Cường - học sinh lớp 12 ở Nam Định chế tạo xe ô tô điện chạy bằng năng lượng mặt trời, chở được 12 người với 251 vote; và Jesse Khánh Trần và Sơn Chu - hai 9x làm sneakers chống nước đầu tiên trên thế giới từ cà phê - nhựa với 215 vote.

Thiết bị thông minh phát hiện tiếng sủa và đuổi chó

Xuất phát từ tuổi thơ đầy ám ảnh vì từng bị chó đuổi và cắn, Nguyễn Tấn Minh rất lo lắng, sợ hãi mỗi khi đến gần chó. Chính vì thế mà cậu bạn sáng chế ra thiết bị đuổi chó có tên D.S Dog Security hoạt động trên cơ chế thu thập âm thanh của tiếng chó sủa, sau đó nhận diện, phân tích. Khi ngưỡng âm thanh vượt mức cho phép, sản phẩm sẽ phát ra sóng siêu âm khiến cho con chó ức chế, khó chịu và bỏ đi.

Mục đích chủ yếu của sản phẩm trên đó là có thể bảo vệ các bạn nhỏ trước các loại chó dữ. Thiết bị này có hai cơ chế sử dụng, cơ chế thủ công và cơ chế tự động. Cơ chế thủ công là khi bấm nút, thiết bị sẽ phát ra sóng siêu âm xua đuổi chó. Còn cơ chế tự động thì có thêm một chiếc micro để thu nhận âm thanh của chó. Nếu vượt ngưỡng sẽ phát ra sóng siêu âm mạnh để bảo vệ người dùng, sóng siêu âm thì không gây ồn và ảnh hưởng đối với người sử dụng. 

Sản phẩm đã được Nguyễn Tấn Minh thử nghiệm trên đàn chó 11 con (gồm cả chó ta và chó ngoại) ở một gia đình tại Bắc Ninh. Kết quả cho thấy, khi phát ra sóng siêu âm, 9 con bỏ đi, 2 con to nhất đàn đứng lại không dám sủa, không tấn công người lạ. Năm học lớp 10, cậu bạn thân cùng lớp với Minh là Nguyễn Nguyên Phú Sĩ thường xuyên phàn nàn về con chó to ở nhà hay sủa và tấn công người lạ mà không có cách nào để "trừng trị".

Nghe Sĩ bày tỏ nguyện vọng muốn có một chiếc máy đuổi chó dữ, Minh hào hứng rủ bạn bắt tay vào nghiên cứu. Khi tìm hiểu thông tin trên thị trường, 2 bạn phát hiện đã có loại máy đuổi chó bằng sóng siêu âm nhập từ nước ngoài, nhưng giá thành cao, hơn 2 triệu đồng, chỉ phù hợp với những gia đình có điều kiện. Sau khi tham khảo tài liệu trên mạng có nhiều cách để đuổi chó bằng ánh sáng, hóa chất và âm thanh, Minh và Sĩ quyết định chế tạo máy đuổi chó "made in Vietnam" bằng sóng siêu âm, vì cách này an toàn, không gây hại cho người sử dụng, nhất là trẻ nhỏ, giá lại rẻ với tên gọi D.S Dog Security, giá thành sản phẩm chỉ bằng 1/10 giá nhập ngoại.

Nhưng khi bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm, Sĩ lại lên đường đi du học ở Mỹ nên việc hoàn thiện sản phẩm giao lại cho Minh. Phần khó khăn nhất mà cậu bạn gặp phải là lập trình, tạo cơ chế thông minh cho thiết bị. Minh cho biết mục tiêu sẽ tập trung vào việc học, thi đỗ vào Trường ĐH Y Hà Nội. Sau đó, cậu sẽ quay trở lại nghiên cứu cải tiến thiết bị máy đuổi chó nhỏ gọn, bắt mắt, có thể nhận biết nhiều tiếng chó sủa khác nhau.

Loạt phát minh gây bão trong năm 2019: Không còn là nghiên cứu nằm trên mặt giấy, các phát minh đã được ứng dụng vào thực tiễn! - Ảnh 1.

Màng bọc thực phẩm có khả năng phân hủy sinh học

Đề tài nghiên cứu “Tạo màng bọc thực phẩm có khả năng phân hủy sinh học” là một ứng dụng kiến thức Vi sinh của chương trình Sinh học phổ thông, góp phần bổ sung nguồn vật liệu sinh học.

Từ nguồn nguyên liệu trong thiên nhiên rẻ tiền và sẵn có như chè xanh, nước vo gạo làm môi trường nuôi cấy giúp vi sinh vật sản sinh ra màng cellulose vi khuẩn để sản xuất vật liệu đa năng thân thiện với môi trường (cản khuẩn, có thể ăn được và tự hủy sinh học) giúp bọc gói và bảo quản thực phẩm thay thế túi cho vật liệu gây ô nhiễm môi trường.

Quá trình sản xuất sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường, không sinh ra chất độc hại. Đặc biệt, khi dùng để bao bọc thực phẩm, chúng làm tăng thời gian bảo quản thực phẩm rất tốt, an toàn cho người sử dụng, có khả năng tái sử dụng.

Sau khi thải ra môi trường, vật liệu tự phân hủy sinh học trong môi trường như các rác thải hữu cơ, không gây ô nhiễm môi trường. Nguyên liệu sử dụng rẻ tiền và thân thiện với môi trường nên trong tương lai, việc phát triển loại vật liệu này sẽ làm giảm giá thành và đem lại hiệu quả kinh tế cho người sử dụng đặc biệt là người nghèo. Với ý nghĩa thực tiễn to lớn đó, đề tài nghiên cứu “Tạo màng bọc thực phẩm có khả năng phân hủy sinh học” của trường THPT Kim Anh, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội đã giành Cúp đặc biệt cho đề tài xuất sắc nhất về tính ứng dụng và Huy chương sáng chế Châu Âu do Hiệp hội các nhà sáng chế Rumani trao tặng.

Loạt phát minh gây bão trong năm 2019: Không còn là nghiên cứu nằm trên mặt giấy, các phát minh đã được ứng dụng vào thực tiễn! - Ảnh 2.
Loạt phát minh gây bão trong năm 2019: Không còn là nghiên cứu nằm trên mặt giấy, các phát minh đã được ứng dụng vào thực tiễn! - Ảnh 3.
Loạt phát minh gây bão trong năm 2019: Không còn là nghiên cứu nằm trên mặt giấy, các phát minh đã được ứng dụng vào thực tiễn! - Ảnh 4.
Loạt phát minh gây bão trong năm 2019: Không còn là nghiên cứu nằm trên mặt giấy, các phát minh đã được ứng dụng vào thực tiễn! - Ảnh 5.

Xe lăn tiện ích cho người già và người khuyết tật

Ai cũng công nhận học trò ngày nay rất tài năng khi không ngừng cải tiến và sáng tạo nên các sản phẩm tiện ích ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cậu bạn Nguyễn Quốc Thông, học sinh lớp 11A2 trường THPT Phan Văn Trị (Cần Thơ) cũng là một trong số đó.

Ngay từ khi còn học cấp hai, Quốc Thông đã có niềm đam mê đặc biệt với khoa học – kỹ thuật, đặc biệt là lập trình máy tính. Sở thích này đến một cách đầy bất ngờ khi cậu bạn vô tình tìm ra một trang web là nơi thảo luận những kiến thức về toán học, máy tính cũng như các kỹ năng lập trình. Những phép toán đầy bí ẩn đã dần lôi cuốn và khiến Quốc Thông ngày càng say mê hơn với các con số và phát minh.

Cậu bạn cũng dần đạt được vô số thành tích lớn nhỏ như đạt giải Công nhận cấp thành phố cuộc thi lập trình Pascal, hoàn thành ý tưởng điều khiển thiết bị gia đình bằng giọng nói giành giải Nhất tại “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ 2018”… Đặc biệt hơn cả, năm lớp 11, Quốc Thông đã cùng nữ sinh lớp 10 Nguyễn Hoàng Hồng Ngọc tạo thành nhóm thực hiện ý tưởng xe lăn tiện ích nhằm giúp đỡ người già, người khuyết tật, ốm yếu - một sáng chế đã xuất sắc giành giải Đặc biệt tại “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2019”. Kết quả đến thật bất ngờ nhưng đã chứng tỏ được phần nào tài năng cũng như công sức sáng tạo của hai bạn học sinh.

Loạt phát minh gây bão trong năm 2019: Không còn là nghiên cứu nằm trên mặt giấy, các phát minh đã được ứng dụng vào thực tiễn! - Ảnh 6.

Cả hai thực hiện ý tưởng dưới sự hướng dẫn của thầy giáo trong trường, thạc sĩ Nguyễn Phúc Thịnh. Chiếc xe có thể điều khiển bằng 3 phương thức là cử chỉ, giọng nói hoặc thao tác ứng dụng trên điện thoại. Đặc biệt, đối với những người khuyết tật ở tay hay người già không thể sử dụng điện thoại thông minh thì cả hai còn sáng tạo thêm thiết bị giống như một chiếc đồng hồ đeo tay, điều khiển bằng cử chỉ giơ tay để xe hoạt động theo ý muốn. Chiếc xe cũng có thể chuyển đổi dễ dàng thành giường nằm khi cần thiết và có giá thành rẻ hơn những sản phẩm tương tự trên thị trường.

Từ chiếc xe lăn đầu tiên chế tạo với kinh phí hơn 16 triệu, nhóm nghiên cứu đã cố gắng cải thiện cũng như tìm ra các nguyên liệu đơn giản nhất để giảm kinh phí xuống còn 8 triệu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Để làm được điều đó, có những hôm cả thầy và trò phải làm đến 12 giờ đêm cho kịp tiến độ. Sản phẩm đã được đem ra thử nghiệm tại bệnh viện Đa Khoa huyện Phong Điền (Cần Thơ) và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bệnh nhân.

Vì có sẵn niềm đam mê nên Quốc Thông chỉ đặt mục tiêu học tập cho mình ở mức khá để dành thời gian tham gia nhóm nghiên cứu. Môn học mà cậu bạn yêu thích nhất là lập trình, đặc biệt là lập trình Android bằng các công cụ có sẵn như Thunkable, MIT App Inventor. Trong tương lai, Quốc Thông dự định sẽ theo chuyên ngành công nghệ thông tin để tiếp tục thực hiện đam mê cũng như viết tiếp những ước mơ còn dang dở của mình.

Xe ô tô điện chạy bằng năng lượng mặt trời, chở được 12 người

Sinh ra ở Nam Định, trong một gia đình có truyền thống cơ khí, bố là một trong những người thợ có tay nghề cao của vùng, từ nhỏ Việt Cường đã tìm thấy đam mê với lắp ráp. Cứ theo bước chân bố đi sửa chữa khắp nơi, cậu nhóc năm nào dần dành toàn bộ thời gian rảnh để nghiên cứu về cơ khí, điện thay vì mải mê chơi game như những người bạn cùng trang lứa.

Cậu học trò mới tiếp xúc thì ai cũng kêu trầm tính và ít nói nhưng cứ động đến vấn đề kỹ thuật là Việt Cường lại say sưa kể chuyện đến lạ. Ngày ngày được tiếp xúc với các loại ô tô của khách đến xưởng gia đình, cậu bạn luôn ao ước được sở hữu chiếc xế hộp cho riêng mình. Từ niềm đam mê đặc biệt ấy, Việt Cường đã lên ý tưởng sáng tạo, lắp ráp ra một chiếc xe ô tô điện chạy bằng năng lượng mặt trời, làm bằng chất liệu tôn....

Chiếc xe đầu tiên ra đời vào năm 2018 khi Việt Cường chế tạo thành công chiếc xe ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời với kiểu dáng giống thương hiệu Volkswagen huyền thoại của Đức. Xe chở được 2 người, đạt vận tốc tối đa 40 km/h, chạy được khoảng 50 km thì hết điện sau đó sạc 6 tiếng sẽ đầy. Đặc biệt, xe chạy hoàn toàn bằng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Tổng chi phí khoảng 40 triệu đồng, xe có thêm cả chìa khóa để mở cửa từ xa nữa. Sản phẩm đã giúp cậu bạn giành giải Nhất tại "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ VI" do Sở KH&CN tỉnh Nam Định tổ chức.

Loạt phát minh gây bão trong năm 2019: Không còn là nghiên cứu nằm trên mặt giấy, các phát minh đã được ứng dụng vào thực tiễn! - Ảnh 7.

Không dừng lại ở đó, Việt Cường tiếp tục say mê nghiên cứu để cải tiến thêm. Vậy là chiếc xế hộp đời 2 ra đời vào năm 2019. Khác với lần trước, chiếc xe lần này được cậu bạn thiết kế rộng hơn, chở được nhiều người hơn, pin năng lượng được thiết kế to hơn nên sản sinh công suất gấp 8 lần so với chiếc xe trước. Chiếc xe có thể chở lên đến 12 người, mỗi lần sạc đầy ắc quy chạy được 40 km và cho phép người dùng chạy tốc độ tối đa 60 km/h.

Trên nóc xe, Việt Cường có gắn một tấm pin mặt trời lớn để xe có thể tự thu " năng lượng". Ngoài ra, xe còn có cổng điện 220v sử dụng năng lượng sạch này để có thể phục vụ cho điện sinh hoạt gia đình. Lốp xe cũng được cải tiến là loại lốp không săm bản rộng giúp chiếc xe hoạt động êm ái, chịu tải tốt và giảm tiếng ồn.

Chiếc xe chạy bằng năng lượng mặt trời, thân thiện với môi trường của cậu bạn không chỉ nhận được sự quan tâm của người dân mà đã nhận được rất nhiều sự chú ý của các thợ cơ khí và nhiều nhà chế tạo cả nước. Trong tương lai, Việt Cường dự định sẽ thi vào ngành kỹ thuật để có thêm nhiều cơ hội theo đuổi đam mê và viết tiếp những hành trình còn dang dở của mình.

Sneakers chống nước đầu tiên trên thế giới từ cà phê - nhựa

Mỗi ngày, thế giới tiêu thụ hơn 2,25 triệu cốc cà phê. Mỗi giờ, có hàng triệu chai nhựa được sử dụng trên toàn cầu. Sau khi hết giá trị hữu dụng, bã cà phê và chai nhựa rỗng mặc nhiên sẽ bị vứt đi trong sự thiếu hiểu biết về tác hại mà chúng gây ra cho môi trường. Bã cà phê làm phát sinh khí metan (CH4) gây ra hiệu ứng nhà kính và làm biến đổi khí hậu. Còn chai nhựa hay nói chung là rác thải nhựa thì luôn là một vấn đề "thế kỷ" mà nhân loại phải tìm cách giải quyết, nếu không muốn cả Trái Đất này ngập trong nhựa ở tương lai gần!

Xuất phát từ thực trạng đáng báo động đó cộng với niềm đam mê giày của sneakerheads, hai chàng trai Jesse Khánh Trần và Chu Minh Sơn (Sơn Chu) đã cùng nhau sáng chế ra mẫu giày sneaker chống thấm nước đầu tiên trên thế giới bằng vật liệu tái chế từ bã cà phê và chai nhựa.

Loạt phát minh gây bão trong năm 2019: Không còn là nghiên cứu nằm trên mặt giấy, các phát minh đã được ứng dụng vào thực tiễn! - Ảnh 8.

Từ bỏ công việc đáng mơ ước tại các công ty, tập đoàn lớn ở Phần Lan, với chung chí hướng muốn tạo ra một sản phẩm giày vừa thân thiện với môi trường vừa đảm bảo tính thời trang, hai chàng chàng trai Việt tài năng đã quyết định dấn thân khởi nghiệp với sản phẩm Rens Original.

Để làm ra một đôi sneaker đặc biệt này cần 300 gram bã cà phê và 6 chai nhựa 500ml. Đôi giày thành phẩm có trọng lượng rất nhẹ (chỉ khoảng 460 gram) cùng khả năng kháng nước, khử mùi chân tối ưu, độ co giãn tốt. Về thiết kế, có lẽ vì founder là hai người cuồng giày nên mặt họa tiết, màu sắc trên sản phẩm của họ đã gây được nhiều ấn tượng tốt từ khách hàng.

Hiện dự án startup của Jesse Khánh Trần và Sơn Chu đã nhận được hơn 550.000 USD (hơn 12 tỷ đồng) tiền đầu tư từ cộng đồng trên nền tảng gọi vốn Kickstarter. Song song đó, mẫu giày sneaker của hai chàng trai Việt còn nhận được sự quan tâm của Liên Hiệp Quốc, Tổng Giám đốc tập đoàn Unilever hay nhiều nhà đầu tư tại Phần Lan.

Cả hai từng chia sẻ gặp không ít khó khăn, vất vả trong quá trình khởi nghiệp nhưng hơn hết họ vẫn tin vào giá trị và tiềm năng phát triển của sản phẩm mà mình dành nhiều tâm huyết tạo ra. Trong thời gian tới, Jesse Khánh Trần và Sơn Chu sẽ phát triển sản xuất tại quê hương thân yêu của mình.

Loạt phát minh gây bão trong năm 2019: Không còn là nghiên cứu nằm trên mặt giấy, các phát minh đã được ứng dụng vào thực tiễn! - Ảnh 9.


Theo CÔNG HIẾU

Cùng chuyên mục
XEM