Loại rau rẻ bèo bán đầy chợ Việt nhưng bị cấm tại nhiều bang của Mỹ, mãi gần đây mới được buôn bán chính thức, lý do là gì?

29/04/2023 22:18 PM | Sống

Rau muống - loại rau rất quen thuộc với người Việt - đã từng bị cấm buôn bán tại bang Georgia, Mỹ trong nhiều năm, nay lại được hợp pháp hoá.

Tìm đỏ mắt không thấy một cọng rau muống

Rau muống là loại rau cực kỳ phổ biến trong các bữa ăn của người châu Á. Trong ẩm thực của Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippin, rau muống được chế biến với nhiều cách khác nhau, từ xào với tỏi, đậu phụ lên men cho tới chế biến thành món ăn Kangkung belacan của Malaysia. Tuy nhiên, loại rau dân dã này đã bị cấm tại nhiều tiểu bang của Mỹ từ những năm 1970.

Khi bà Le Dam Doan, một người phụ nữ gốc Việt, chuyển đến sinh sống tại Lawrenceville, Georgia năm 2004, bà không khỏi ngạc nhiên khi một loại rau bình dân đối với bà lại bị coi là bất hợp pháp tại đây. Hơn nữa, Georgia cũng là bang có rất nhiều người Việt đã sinh sống từ lâu. Trước đó, bà cùng chồng sinh sống cùng chồng tại California và Maryland trong hơn 33 năm nhưng chưa bao giờ phải vất vả đi tìm mua rau muống như ở Georgia. 

Loại rau rẻ bèo bán đầy chợ Việt nhưng bị cấm tại nhiều bang của Mỹ, mãi gần đây mới được buôn bán chính thức, lý do là gì? - Ảnh 1.

Bà Le Dam Doan đã rất ngạc nhiên khi không thể tìm thấy rau muống tại đây

Nguyên nhân cấm loại rau này

Rau muống đã bị cấm ở Georgia trong một thập kỷ qua. Lý do là bởi đây không phải một loài thực vật bản địa, và chúng có tính xâm lấn cao. Rau muống có tốc độ sinh trưởng nhanh chóng thông qua các tuyến đường thuỷ nên gây hại cho những loại thực vật bản địa khác. Ở bang Florida, mặc dù rau muống được trồng trong những vườn ươm và được kiểm soát chặt chẽ, nhưng vẫn có một vài cây có thể thoát ra ngoài và sinh sôi nhanh chóng. Ngay cả khi dùng thuốc diệt cỏ cũng không thể ngăn chặn được tốc độ phát triển lên tới gần 10cm mỗi ngày của loại cây này. 

Loại rau rẻ bèo bán đầy chợ Việt nhưng bị cấm tại nhiều bang của Mỹ, mãi gần đây mới được buôn bán chính thức, lý do là gì? - Ảnh 2.

Người dân đã tìm cách nhập các loại rau này vào Georgia từ các bang khác. Mặc dù không được bán tại các siêu thị, nhưng người dân vẫn có thể tìm mua rau tại các tiệm làm móng, nhà thờ, bãi đỗ xe của người dân, thậm chí họ còn bán rau ở ngay trong xe ô tô. 

Kathy Kuzava, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm bang Georgia trả lời NPR: “Rau muống rất quan trọng với cộng đồng người Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Cũng như những người dân ở các bang miền nam nước Mỹ yêu thích trà ngọt, hay những người Hispanic có món ăn đặc trưng là tortilla (một loại bánh từ Mexico)”.

Sự phản đối lệnh cấm rau muống từ người dân địa phương

Phong trào phản đối bắt đầu từ hơn 10 năm trước. Siêu thị Hồng Kông (Trung Quốc) đã tiến hành thu thập chữ ký của người dân địa phương nhằm kiến nghị dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu và buôn bán rau muống. Tại thời điểm đó, dân số những người gốc Á đã tăng 52% tại bang Georgia và số chữ ký ủng hộ kiến nghị đã lên tới 100000 người.

Ben Vo, người đại diện kiến nghị, đề nghị các nhà chức trách quy định rau muống là loại thực vật ít gây nguy hiểm. 

Nghị sĩ hạ viện Pedro Marin đã đưa ra một dự luật miễn trừ rau muống khỏi danh sách “thực vật gây hại” vào năm 2016. Nhưng sau đó dự luật này đã bị bãi bỏ. Vào năm 2022, ủy viên nông nghiệp Gary Black đã cho phép các nhà hàng chính thức cung cấp các món ăn rau muống mà không vi phạm luật. Thành công này chính là công sức không nhỏ của 100.000 người kiến nghị và nghiên cứu của Marin về canh tác rau muống. 

Loại rau rẻ bèo bán đầy chợ Việt nhưng bị cấm tại nhiều bang của Mỹ, mãi gần đây mới được buôn bán chính thức, lý do là gì? - Ảnh 4.

Bà Doan cho biết, hiện tại các cửa hàng tạp hoá chỉ bán ngọn của rau muống với phần thân rỗng hoặc bị cắt hết để ngăn chặn sự nhân giống nhanh chóng của loại cây này nếu bị vứt bỏ ra tự nhiên. 

Mặc dù rau muống đã có thể được buôn bán chính thức, nhưng các quan chức vẫn đang cân nhắc việc canh tác rau muống tại Georgia. Nếu được phê duyệt, có lẽ Georgia sẽ là bang thứ 5 của Mỹ được phép trồng loại cây này.

Theo Hạ Khương

Cùng chuyên mục
XEM