Loài người đã từng làm chậm biến đổi khí hậu: Trái đất đáng ra đã phải nóng như địa ngục nếu chúng ta không thành công

10/12/2019 15:04 PM | Khoa học

Thế kỷ 20, con người từng có một hành động cực kỳ quyết liệt để bảo vệ Trái đất trước hệ quả từ biến đổi khí hậu, và họ đã thành công. Vậy tại sao người thời nay không làm được?

Những năm gần đây, Trái đất đã phải trải qua rất nhiều kỷ lục không vui: những tháng hè nóng nhất trong nhiều thập kỷ, những mùa đông lạnh đến kinh hoàng, và những đợt thiên tai đến một cách dồn dập.

Tất cả đã khiến chúng ta phải thực sự lo ngại. Con người nhận thức được điều đó, thể hiện qua những cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu, nhằm đề nghị các nhà lãnh đạo quốc gia sớm đưa ra giải pháp và cân đối giữa lợi ích kinh tế với sự phát triển bền vững của môi trường.

Nhiều người cho rằng những nỗ lực của con người hiện tại là chưa đủ, khi nhiệt độ vẫn cứ nóng lên, rác vẫn xả ra, mà đói nghèo thì vẫn còn. Nhưng hãy bình tĩnh đã mà lắng nghe một sự thật này: trước khi biến đổi khí hậu trở thành vấn đề cấp bách như hiện nay, nhân loại đã từng thành công khi giảm được tốc độ nóng lên của Trái đất. Nếu không có hành động ấy, bạn có thể đã phải chứng kiến Trái đất nóng còn hơn địa ngục rồi.

Loài người đã từng làm chậm biến đổi khí hậu: Trái đất đáng ra đã phải nóng như địa ngục nếu chúng ta không thành công - Ảnh 1.

Thành công ấy mang tên: vá lại tầng ozone

Một trong những phát minh quan trọng nhất mà nhân loại từng phải cảm ơn các nhà khoa học vào thế kỷ 20, đó là chiếc điều hòa. Thử tưởng tượng nếu giờ mà không có điều hòa xem, mùa hè oi bức của chúng ta sẽ trở nên khó chịu đến nhường nào?

Loài người đã từng làm chậm biến đổi khí hậu: Trái đất đáng ra đã phải nóng như địa ngục nếu chúng ta không thành công - Ảnh 2.

Điều hòa là phát minh quan trọng, nhưng cũng để lại tác hại to lớn ở những thế hệ đầu

Nhưng chính những chiếc điều hòa này lại là tác nhân cực kỳ có hại cho môi trường. Thời điểm đấy, điều hòa sử dụng CFC (chlorofluorocarbons) để làm lạnh, mà đây lại là chất khí có tác động rất khủng khiếp. Khi thoát ra môi trường, chúng tích tụ về phía 2 cực, phá hủy tầng ozone và tạo ra một lỗ thủng khổng lồ.

Ozone có thể xem là phòng tuyến của nhân loại, có tác dụng chặn bớt tia cực tím từ Mặt trời. Nói cách khác nếu không có tầng ozone, Trái đất sẽ phải hứng chịu gần như 100% bức xạ vũ trụ, gây ảnh hưởng nặng đến sinh vật và khiến Trái đất nóng lên.

Loài người đã từng làm chậm biến đổi khí hậu: Trái đất đáng ra đã phải nóng như địa ngục nếu chúng ta không thành công - Ảnh 3.

Trước ảnh hưởng này thì năm 1989, Nghị định Montreal tại Hội nghị Vienna (Áo) đã được thiết lập, trong đó yêu cầu tất cả doanh nghiệp trên thế giới nhưng sử dụng CFC trong sản phẩm làm lạnh. Và theo như nghiên cứu mới đây của ĐH New South Wales (UNSW - Úc) thì nếu như không có nghị định Montreal, Trái đất đã trở thành một nơi hết sức đáng sợ.

Để có được kết quả này, các chuyên gia ban đầu chỉ muốn đánh giá xem lượng hóa chất CFC còn lại trong bầu khí quyển tại Nam Cực là như thế nào. Sau đó, họ giả định nếu như CFC tiếp tục tăng thêm 3% mỗi năm thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Và kết quả, đó sẽ là một thế giới mà tất cả chúng ta đều phải cảm ơn vì đã không xuất hiện.

Sau khi Nghị định Montreal được ký kết, đến nay lỗ thủng tầng ozone được xem là đã hoàn toàn biến mất. Đây không chỉ là một thành công đầy ấn tượng, mà còn là ví dụ hoàn hảo cho thấy con người có thể đạt được những gì khi đặt môi trường lên trên lợi ích kinh tế mang lại.

Nghị định Montreal còn mang lại một lợi ích cực kỳ to lớn

Nghiên cứu từ UNSW còn chỉ ra bằng chứng về một lợi ích khác của nghị định Montreal. Đó là nếu CFC tiép tục thải ra, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm ít nhất là 1 độ C vào năm 2050.

1 độ C - nghe thì có vẻ không nhiều, nhưng hãy nhớ rằng Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu đang phải nỗ lực như thế nào để khống chế nhiệt độ tăng lên chỉ ở mức 2 độ. Vậy nên chỉ 1 độ này thôi cũng đủ để gây ra thảm họa mà Trái đất chưa từng chứng kiến trong vài triệu năm qua.

"CFC là chất khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn cả ngàn lần so với CO2, vậy nên Nghị định Montreal không chỉ giúp cứu tầng ozone, mà còn góp phần giúp nhiệt độ Trái đất không tăng quá nhanh," - Rishav Goyal, nhà khoa học khí tượng từ UNSW cho biết.

Đây cũng là một điều may mắn cho 2 cực của Trái đất. Nếu như không có nó, CFC sẽ tăng khoảng 25% tại 2 cực, và nhiệt độ ở đó đã phải tăng thêm ít nhất 4 độ C vào năm 2050.

Nghe quả là muốn thở phào nhẹ nhõm đúng không? Nhưng bình tĩnh, chúng ta còn rất nhiều điều phải làm.

"Nghị định Montreal đã giúp giải quyết CFC. Mục tiêu tiếp theo là giải quyết CO2," - Matthew England, chuyên gia khí tượng từ UNSW chia sẻ. Và có lẽ, một nghị định cỡ Montreal sẽ khó lòng xảy ra được, bởi nguồn gốc của CO2 đến từ gần như mọi hoạt động của nhân loại trên thế giới này. Hơn nữa, nhu cầu cho CFC cũng không thể so sánh với cơn khát nhiên liệu hóa thạch đang ám ảnh chúng ta ngày nay.

"Nghị định Montreal cho thấy một hiệp định ký kết giữa các nước để giảm khí thải, nếu thành công, sẽ mang đến nhiều lợi ích cho khí hậu, và tránh được các thảm họa có thể xảy ra." - England kết luận

Nghiên cứu được công bố trên Environmental Research Letters.

Theo JD

Cùng chuyên mục
XEM