Lộ trình đánh thuế của ông Trump đã đi từ kế hoạch bài bản đến mớ bòng bong hỗn loạn như thế nào?

21/11/2019 21:16 PM | Xã hội

Tính đến thời điểm hiện tại 20 tháng đã trôi qua, và chiến dịch đánh thuế đã và đang ngày càng trở nên hỗn loạn. Các đợt trả đũa dồn dập khiến hơn 70% kim ngạch thương mại song phương phải chịu thuế.

Câu chuyện bắt đầu với 1 vũ khí được cho là tối tân và được thiết kế rất kỹ lưỡng: 1 thuật toán sẽ chỉ ra danh sách các mục tiêu mà Tổng thống Donald Trump có thể "nhắm bắn" để đạt được đích đến cuối cùng là tái cân bằng mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mục đích của thật toán là xây dựng đòn bẩy lợi thế cho các nhà đàm phán đang muốn ép Trung Quốc phải thay đổi sâu sắc cấu trúc nền kinh tế trong khi hạn chế tối đa những tác động đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.

"Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều công sức vào đây", Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer phát biểu trước các thượng nghị sĩ hồi tháng 3/2018, ca ngợi mô hình mà đội ngũ của ông đã xây dựng lên.

Thuật toán đã đưa ra 1 danh sách dài 28 trang liệt kê các sản phẩm do Trung Quốc làm ra, trong đó có lốp máy bay, máy điều hòa nhịp tim và bảng mạch in, với tổng giá trị 34 tỷ USD – ngang bằng với mức thiệt hại mà Mỹ phải chịu khi Trung Quốc ăn cắp các tài sản trí tuệ và ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ.

800 mặt hàng có trong danh sách được lựa chọn vì chúng có thể làm tổn hại đến các ngành đã được Bắc Kinh "thiết kế" là đặc biệt quan trọng vì khả năng làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Mỹ. Những người tạo ra danh sách còn được giao nhiệm vụ phải bóp nghẹt các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng sẽ không khiến người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng hay làm tổn hại đến chu kỳ bùng nổ của nền kinh tế mà ông Trump đã hứa hẹn.

Tuy nhiên, mô hình này đã không tính đến một biến số cực kỳ quan trọng: sự khó đoán của Tổng thống. Ngài cho rằng con số 34 tỷ USD là quá nhỏ - chỉ tương đương 7% của 505 tỷ USD hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2017. Thậm chí ông coi đó là một sự sỉ nhục, yêu cầu phải tăng lên mức thấp nhất là 50 tỷ USD và còn tự hỏi có nên đánh thuế mọi hàng hóa Trung Quốc hay không.

Tính đến thời điểm hiện tại 20 tháng đã trôi qua, và chiến dịch đánh thuế đã và đang ngày càng trở nên hỗn loạn. Các đợt trả đũa dồn dập khiến hơn 70% kim ngạch thương mại song phương phải chịu thuế. Hai nền kinh tế tưởng chừng như không thể tách rời giờ đang đứng trước nguy cơ sẽ phân tách mãi mãi. Nếu Mỹ và Trung Quốc không thể giải quyết chí ít là một số mâu thuẫn trong những tuần sắp tới, từ ngày 15/12 Mỹ sẽ áp thêm mức thuế 15% đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, khiến lời tự hỏi của ông Trump gần như đã trở thành hiện thực.

Và thuế quan nhiều khả năng sẽ dập tắt đà tăng trưởng kỷ lục của kinh tế Mỹ, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế. Không chỉ có vậy, dự báo mới nhất của IMF cho thấy mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 0,8%.

Trong bài phát biểu hôm 12/11, ông Trump một lần nữa phát đi tín hiệu rằng ông sẽ không tăng thêm thuế nếu như Bắc Kinh đồng ý với "thỏa thuận giai đoạn một" mà theo đó Trung Quốc sẽ mua khoảng 50 tỷ USD nông sản Mỹ trong 2 năm tới, cao hơn gấp đôi mức trước khi xung đột xảy ra, và chấm dứt ăn cắp các tài sản trí tuệ. Ông còn coi đây là khởi đầu của một thỏa thuận rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, một số quan chức Trung Quốc lại tỏ ra kém lạc quan hơn và khẳng định Trung Quốc sẽ chỉ mua số nông sản bằng với mức trước khi có thuế. Trong chính nội các của ông Trump cũng rộ lên câu hỏi liệu Bắc Kinh có sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận mang tính đột phá với 1 vị Tổng thống đang nỗ lực tái tranh cử giữa lúc kinh tế tăng trưởng chậm lại hay không.

Các chính trị gia và cả các lãnh đạo doanh nghiệp đều đồng ý rằng ông Trump đúng khi tấn công Trung Quốc. Tuy nhiên, những vấn đề được giải quyết trong thảo thuận giai đoạn một là quá hẹp so với mục tiêu đầy tham vọng mà Nhà Trắng đặt ra ban đầu. Như Douglas Irwin, nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế tại Dartmouth nhận định, không còn nghi ngờ gì nữa về vị trí của cuộc chiến này trong lịch sử nước Mỹ, vì chưa từng có vị Tổng thống nào trong thế kỷ vừa qua phát động một cuộc chiến tranh kinh tế với quy mô lớn đến vậy, nhưng ông Trump vừa tạo ra cơ hội lại vừa có nguy cơ sẽ phung phí cơ hội đó.

Tham khảo Bloomberg


Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM