Lo lắng "chân ngắn" ảnh hưởng đến tương lai, cha mẹ dốc tiền chi 66.000 USD để con trai cao thêm 1cm

13/11/2022 10:17 AM | Sống

Nhiều trẻ em tại Trung Quốc đang được cha mẹ cho đi tiêm hormone tăng trưởng với hy vọng các em sẽ cao lớn hơn. Đây cũng là cách các bậc phụ huynh muốn giải tỏa lo ngại chiều cao khiêm tốn có thể sẽ là rào cản với tương lai sau này của các con.

Xu hướng này xuất hiện do một số nguyên nhân: Trẻ em lớn lên trong môi trường xã hội có tính cạnh tranh ngày càng cao; thu nhập, mức sống dư dả hơn giúp các bậc cha mẹ có điều kiện tiếp cận sản phẩm tăng chiều cao, kế đến là mức độ an toàn của biện pháp tiêm, sử dụng hormone tăng trưởng.

Gần đây, phương tiện truyền thông Trung Quốc dẫn thông tin về báo cáo số ca tư vấn nội tiết tại Bệnh viện Nhi đồng Bắc Kinh tăng gần gấp đôi kể từ tháng 7. Đặc biệt, 90% trong số đó là các phụ huynh hỏi về chiều cao của con. Một số trường hợp thậm chí còn yêu cầu bác sĩ chuyên khoa trực tiếp tiêm cho con những mũi tiêm tăng chiều cao.

Đây là các mũi tiêm tạo sự phát triển và tăng trưởng cho xương (tương tự với hormone tăng trưởng do cơ thể sản sinh tự nhiên). Liệu pháp này thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định cho các trẻ thiếu hụt hormone tăng trưởng, hoặc điều trị trẻ mắc các bệnh lý như hội chứng Turner, Prader-Willi và hội chứng ruột ngắn.

Lo lắng "chân ngắn" ảnh hưởng đến tương lai của con, cha mẹ dốc tiền chi 66.000 USD để con trai cao thêm 1cm - Ảnh 2.

Cha mẹ Trung Quốc ám ảnh về chiều cao của con - Ảnh: ifn.news

Trước nhu cầu tiêm "thuốc tăng chiều cao" quá lớn đã khiến các chuyên gia y tế bày tỏ sự lo lắng và coi đây là hồi chuông cảnh báo về khả năng lạm dụng kê đơn hormone tăng trưởng.

Các công ty dược phẩm ở Trung Quốc được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến làn sóng này. Họ cung cấp dịch vụ giảm giá, đánh vào tâm lý lo lắng của cha mẹ. Một số bệnh viện kê đơn hormone bừa bãi.

Dựa trên số liệu năm 2019, phương pháp tiêm bột hormone tăng trưởng có giá gần 19.000 nhân dân tệ (tương đương 2.600 USD). Tiêm chất lỏng có giá khoảng 42.000 nhân dân tệ (5.800 USD). Liệu trình kéo dài 5 năm với chi phí khoảng 196.000 nhân dân tệ (27.000 USD).

Ông Huang Ke, Phó giám đốc Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng trực thuộc Đại học Chiết Giang, chứng kiến một bà mẹ chi tổng cộng 480.000 nhân dân tệ (tương đương 66.000 USD) cho các liệu pháp tiêm hormone cho con trai mình. Mục đích chỉ để cậu bé chỉ cao thêm một cm (0,4 inch).

Một cặp vợ chồng khác cũng chi hơn 500.000 nhân dân tệ (tương đương 69.000 USD) để điều trị cho con bằng hormone tăng trưởng trong 2,5 năm.

Yan Yiping, bé gái 11 tuổi đến từ Jian, tỉnh miền tây Giang Tô, tự nhận mình là một người mạnh khỏe ở độ tuổi của mình. Dù thấp hơn bạn bè cùng trang lứa, Yan không mấy bận tâm về vấn đề chiều cao. Nhưng cha mẹ em không nghĩ vậy. Họ cho rằng Yan thấp và cần can thiệp y tế để tăng chiều cao. "Bố mẹ nghĩ con thấp. Con thì không nghĩ thế. Ở lớp vẫn có nhiều bạn thấp hơn con", Yan chia sẻ.

Trước khi tiến hành liệu pháp tiêm hormone tăng trưởng, Yan cao 1,2 m. Trong một năm sau đó, ngày nào cô bé cũng tiêm một mũi hornmone vào cơ thể theo như yêu cầu của cha mẹ. Giờ đây bé đã đạt chiều cao 1,31 m, nhưng không biết đây là liệu đã phải là mức tăng chiều cao tự nhiên hay không. Tại Trung Quốc, ở độ tuổi của Yan, trẻ em nữ có chiều cao trung bình 1,47 m.

Nhu cầu ngày càng tăng đã mang lại lợi ích khổng lồ cho công ty sản xuất hormone tăng trưởng lớn nhất Trung Quốc - GeneScience Pharmaceuticals (GeneSci). Từ 2016 đến 2020, doanh nghiệp này tăng doanh thu hàng năm hơn 4 lần.

Hơn nữa, việc bổ sung hormone tăng trưởng tổng hợp sẽ phá vỡ cân bằng hormone trong cơ thể, làm suy giảm số lượng các hormone khác. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vẫn tin rằng nguy cơ đó không thể sánh được với việc bị coi là lùn.

Lo lắng "chân ngắn" ảnh hưởng đến tương lai của con, cha mẹ dốc tiền chi 66.000 USD để con trai cao thêm 1cm - Ảnh 3.

Khi bệnh viện từ chối, cha mẹ bất chấp mua hormone về tự tiêm cho con - Ảnh minh hoạ

Nancy Lin, một bà mẹ ở Thượng Hải đang cân nhắc sử dụng liệu pháp hormone tăng trưởng cho cậu con trai, lo ngại rằng con của cô dễ bị bắt nạt, bởi cậu là người thấp bé nhất lớp. "Rồi đến khi lớn lên, diện mạo của con có thể không được như những bạn bè cùng lứa có chiều cao lớn hơn và điều này có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của con. Cuối cùng, cùng phải lưu ý đến việc con có thể không nhận được việc làm nếu nhà tuyển dụng đặt ra yêu cầu về chiều cao", cô Nancy nói.

Khi bị bệnh viện công từ chối, các bậc phụ huynh tìm đến những cơ sở tư nhân. Một số liều lĩnh hơn, mua hormone từ các kênh khác và tự tiêm cho con mình.

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương 4 ở Thiên Tân, ông Li Sujie cảnh báo nguy cơ của việc sử dụng hormone tăng trưởng không đúng cách. Các phương pháp điều trị dựa trên trẻ bị thấp lùn do bệnh lý hoặc vô căn. Nó không dành cho trẻ em đang chiều cao bình thường.

Các chuyên gia của Bệnh viện Bắc Kinh Thanh Hoa Trường Canh cũng đưa ra quan điểm tương tự. Họ cảnh báo phụ huynh không nên lạm dụng, chạy đua theo những phương pháp này. Nó có thể gây ra phản ứng ngược, như trẻ phát triển quá nhanh ở tuổi dậy thì, các mảng tăng trưởng không đồng nhất.

Việc sử dụng không đúng liều hormone tăng trưởng cho trẻ khỏe mạnh cũng có thể dẫn đến phù nề, bệnh cơ tim, kháng insulin, đột quỵ, tăng nhãn áp, viêm khớp, tăng áp lực nội sọ vô căn và nữ hóa tuyến vú.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM