Lộ diện ngân hàng "chơi lớn" nhất năm

10/04/2022 17:25 PM | Kinh doanh

Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận gần 30.000 tỷ, kế hoạch tăng vốn lên gần 80.000 tỷ, VPBank còn gây nhạc nhiên cho nhà đầu tư hơn nữa về chiến lược M&A để mở rộng hệ sinh thái của nhà băng này trong năm 2022

Tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên của VPBank vừa được công bố mới đây đã cho thấy chiến lược kinh doanh đầy tham vọng thời gian tới của nhà băng này.

Cụ thể, VPBank đạt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 29.662 tỷ đồng, tăng 107% so với năm 2021. Kế hoạch này cao hơn nhiều so với Techcombank (mục tiêu 27.000 tỷ).

Được biết, quý 1/2022, lợi nhuận của VPBank đạt hơn 11.000 tỷ đồng, bằng 1/3 kế hoạch cả năm. Ngân hàng đã ghi nhận khoản thu đột biến từ việc gia hạn thoả thuận hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền với AIA từ 15 năm lên 19 năm.

Bên cạnh đó, VPBank cũng có kế hoạch tăng vốn khủng lên gần 80.000 tỷ đồng, thông qua việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.

VPBank còn gây ngạc nhiên cho nhà đầu tư hơn nữa về chiến lược mở rộng hệ sinh thái của nhà băng này.

Cụ thể, VPBank sẽ trình cổ đông thông qua phương án mua Công ty cổ phần bảo hiểm OPES. Được biết, công ty này đang có vốn điều lệ 550 tỷ đồng, kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, kinh doanh bảo hiểm sức khoẻ, kinh doanh tái bảo hiểm, quản lý quỹ và đầu tư vốn.

Số vốn góp/cổ phần mua cụ thể tùy thuộc vào việc thỏa thuận với các cổ đông hiện hữu của công ty và các quy định có liên quan về mô hình pháp lý của công ty, đảm bảo tuân thủ pháp luật và đưa Công ty cổ phần bảo hiểm OPES trở thành công ty con của ngân hàng. Giá mua sự kiến không quá 1,5 lần giá trị sổ sách của công ty.

Ngoài ra, VPBank cũng trình cổ đông thông qua việc góp vốn bổ sung vào Công ty con là Công ty chứng khoán ASC với tổng mức đầu tư/góp vốn tối đa là 15.000 tỷ đồng.

Trước đó, hồi giữa tháng 1/2022, VPBank đã công bố việc mua hơn 97% cổ phần CTCP Chứng khoán ASC. Sau đó, tháng 2/2022, đại hội cổ đông công ty đã thông qua việc đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). Đồng thời, Hội đồng quản trị ASC cũng trình và được cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ chào bán hơn 865 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 8.920 tỷ đồng, trở thành một trong những công ty chứng khoán có vốn điều lệ đứng đầu thị trường.

Chứng khoán ASC là công ty chứng khoán nhỏ với vốn điều lệ 56 tỷ đồng và đã rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán để cơ cấu lại hoạt động kinh doanh từ năm 2016. Với việc được VPBank mua lại và rót vốn mạnh, công ty chứng khoán này được kỳ vọng sẽ lột xác trong thời gian tới. Nếu VPBank "chơi lớn" rót hẳn 15.000 tỷ đồng, ASC có thể sẽ trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Ngoài 2 kế hoạch trên, VPBank cũng để ngỏ phương án M&A khác. Ngân hàng sẽ trình cổ đông thống nhất về mặt chủ trương và thông qua các phương án/giao dịch VPBank thực hiện góp vốn/mua cổ phần, thành lập hoặc mua lại công ty con, liên kết, hợp tác, tham gia vào các phương án cơ cấu lại/hỗ trợ tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng yếu kém hoặc các hình thức khác với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác.

VPBank đang có nguồn vốn dồi dào sau khi bán 49% vốn FE Credit cho nhà đầu tư Nhật Bản SMBC trong năm ngoái. Tính đến cuối năm 2021, VPBank là một trong những ngân hàng có số vốn chủ sở hữu trong nhóm đầu hệ thống, đạt hơn 86.000 tỷ đồng.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hồi đầu năm, ông Nguyễn Đức Vinh, CEO VPBank cho biết, nền tảng vốn dày lên rất nhiều giúp nhà băng này có thể mở rộng sang các mảng kinh doanh khác, tạo động lực tăng trưởng cao tới gấp 3, gấp 4 lần trong 5 năm tới. Ngân hàng sẽ tập trung mở rộng hệ sinh thái ngân hàng đầu tư, phục vụ hàng trăm nghìn khách hàng cao cấp, có nhu cầu đầu tư bên cạnh gửi tiết kiệm, vay vốn,….như đầu tư trái phiếu, tư vấn phát hành trái phiếu, chứng chỉ quỹ, môi giới chứng khoán, cho vay margin,….Công ty chứng khoán sẽ phối hợp với ngân hàng để tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn.

Việc mua lại công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm của VPBank rất được thị trường trông đợi, khi ngân hàng này từng rất thành công với việc mua lại một công ty tài chính năm 2014. Cụ thể, nhà băng này đã mua lại Công ty Tài chính Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam – một công ty tài chính truyền thống, và chuyển đổi thành công ty tài chính tiêu dùng với thương hiệu FE Credit. Chỉ sau thời gian ngắn, FE Credit đánh bật những "ông lớn" nước ngoài như Home Credit, Prudential để trở thành công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam.

Theo Thu Thuỷ

Từ khóa:  ngân hàng , VPBank
Cùng chuyên mục
XEM