[Live] ĐHĐCĐ MWG: Đã hoàn tất thử nghiệm mô hình Bách Hóa Xanh, đầu tư thêm 500 tỷ mở rộng hệ thống

31/03/2017 16:18 PM | Kinh doanh

Theo ông Trần Kinh Doanh, Giám đốc kinh doanh MWG cho biết, kế hoạch ban đầu mỗi cửa hàng chỉ cần thu 600 triệu đồng nhưng hiện nay thu gần 1 tỷ mỗi tháng.

Chiều ngày 31/03, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017.

Q&A

Đại hội đến phần thảo luận, cổ đông đến từ một CTCK hỏi: Động lực tăng trưởng chính năm 2017-2019? Chiến lược của Bách Hóa Xanh những năm tiếp theo?

Ông Tài cho biết, lợi nhuận năm 2017 - 2018 chủ yếu từ Điện Máy Xanh và một phần Thế giới Di động. Sau 2018, động lực tăng trưởng của MWG sẽ đến từ Bách Hóa Xanh.

Về sự khác biệt của Bách Hóa Xanh, ông Doanh cho biết MWG sẽ mở rộng số lượng cửa hàng lên 300. Xây dựng trung tâm phân phối để tiêu thụ 100% sản phẩm của BHX, khoảng đến tháng 5 - 6 thì trung tâm này sẽ hoàn tất. Bên cạnh đó, kiểm soát chi phí bán hàng tốt nhất, mua hàng (đầu vào) giá tốt nhất. Hiện lãi gộp của BHX hiện khoảng 12%, đến cuối năm, tỷ lệ này có thể tăng lên 16-18%. Về danh mục sản phẩm, Công ty đang tiến hành cô đặc lại những sản phẩm thiết yếu nhất.

Một cổ đông cũng đặt vấn đề với ban lãnh đạo MWG rằng chính họ cũng chưa biết lý nào thuyết phục để mua những sản phẩm như sữa, trái cây ở cửa hàng Bách Hóa Xanh?

Ông Trần Kinh Doanh cho biết, riêng mặt hàng sữa hiện tại BHX chưa có được đầu vào tốt nhưng có thể kỳ vọng khi quy mô của BHX tăng lên. Còn đối với hàng trái cây thì cũng còn mới nên BHX chưa thể tiếp xúc được đối với nguồn hàng tận gốc nên chất lượng chưa đồng đều. Ông Doanh cũng cho rằng, nếu nhìn vào hàng tươi sống của BHX hiện nay so với trước đó khoảng 3 tháng đã có sự khác biệt rất lớn.

Một cổ đông khác đặt vấn đề bài toán tiếp theo của MWG trong kế hoạch phát triển ra thị trường thế giới khi mà thị trường trong nước có rủi ro bão hòa.

Ông Tài cho biết, hiện chúng tôi đang thử nghiệm tại thị trường Campuchia. Thị trường Myanmar hay Indonesia cũng rất tiềm năng. Tuy nhiên, ông Tài cho biết hiện MWG chưa có kế hoạch này.

Cổ đông quan tâm về các khoản phải thu liên quan đến “Công ty Di Động Thông Minh”? Đại điện MWG cho biết đây là khoản thu từ công ty cung cấp sản phẩm Oppo cho MWG. Đây là khoản thu liên quan đến chiết khấu và cũng đã được thu về.

Các điều khoản mua bán đối với các nhà cung cấp? Ông Tài cho biết: MWG thực hiện mua mua đứt bán đoạn và mua hàng phải có bảo vệ giá chứ mua xong thì nhà cung cấp giảm giá bán ngay. Do đó, nhiệm vụ của MWG là phải mua hàng vừa đủ để bán chứ không phải mua để kho vài tháng bán không được.

Tham vọng đẩy thị phần Điện máy xanh lên 25%

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG cho biết, trong năm 2016 MWG đã mở rộng hệ thống với 570 siêu thị được khai trương, nâng tổng số siêu thị lên 1.207. Công ty đã hoàn tất thử nghiệm mô hình Bách hóa Xanh với hơn 40 cửa hàng hoạt động tại quận Tân Phú, Tp. HCM.

Theo báo cáo của HĐQT, năm 2016, kết quả kinh doanh cùng mạng lưới phân phối của MWG đều tăng trưởng. Doanh thu năm 2016 đạt 44.613 tỷ đồng, tăng 77% và vượt 31% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.578, tăng 47% so với năm trước và vượt 14% kế hoạch đề ra.

Năm 2017 doanh thu dự kiến của Thế giới di động là 63.280 tỷ đồng, tăng 35% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 2.200 tỷ đồng, tăng 29%. Tổng số siêu thị của MWG tăng lên 1.207, trong đó chuỗi thegioididong.com có 951 siêu thị, chuỗi Điện máy XANH có 256 siêu thị và hơn 40 cửa hàng chính thức hoạt động ở quận Tân Phú, TP. HCM.

Công ty đặt mục tiêu nâng thị phần chuỗi Điện máy Xanh lên trên 25% thông qua việc tăng trưởng doanh thu của các siêu thị cũ và mở thêm 200 siêu thị mới; tìm ra “công thức chiến thắng” trong giai đoạn 2 của chuỗi siêu thị mini Bách Hóa Xanh trước cuối năm 2017 để bước vào giai đoạn mở rộng trong năm 2018.

Đối với mảng online, MWG đặt mục tiêu đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, đưa doanh thu online tăng gấp đôi lên 6.650 tỷ đồng; hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ trang thương mại điện tử Vuivui.com.

Đầu tư nghìn tỷ cho Bách Hóa Xanh và M&A

Một trong các mục tiêu khác của MWG trong năm 2017 là việc tìm kiếm cơ hội thực hiện các thương vụ M&A với các đơn vị bán lẻ khác trong hoặc ngoài ngành. Định mức đầu tư dự kiến sẽ không quá 500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch đầu tư được MWG dự kiến thực hiện năm tới. Cụ thể, MWG tính chi 135 tỷ đồng (6 triệu USD) để thành lập Công ty CNTT trong Khu công nghệ cao với mục đích cung câp các dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin (hệ thống ERP, Website, bảo mật hệ thông.,.) cho tât cả các chuôi bán lẻ trong và ngoài nước của MWG và các Công ty con.

Đối với mảng Bách hóa Xanh, MWG sẽ sử dụng 500 tỷ từ vốn tự có, lợi nhuận giữ lại chưa phân phối để phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh doanh Bách hóa Xanh trong năm 2017. Việc đầu tư dự kiến thực hiện trong quý II/2017.

Thưởng cổ phiếu 1:1

Theo tờ trình phương án phân phối lợi nhuận, MWG dự kiến sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, tương tự như năm 2015. Với gần 154 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến, MWG cần chi ra 231 tỷ đồng.

Ngoài ra, MWG còn dự định phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Vốn điều lệ của MWG qua đó sẽ tăng gấp đôi từ 1.538,95 tỷ đồng lên gần 3.078 tỷ đồng. Việc phát hành dự kiến vào quý II/2017 sau khi hoàn tất việc chi trả cổ tức 2017 bằng tiền mặt.

MWG cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch thưởng ESOP cho quản lý chủ chốt có đóng góp cho sự thành công vượt bậc của kinh doanh của Công ty và các công ty con trong năm 2016. Nhờ lợi nhuận tăng trưởng hơn 10% và giá cổ phiếu MWG trung bình năm 2016 tăng 32% nên tỷ lệ phát hành ESOP đạt mức tối đa 3% trên tổng số cổ phiếu lưu hành (dự kiến 307,8 triệu cổ phiếu). Số lượng cổ phiếu thưởng ESOP là 9.235.388 cổ phiếu dự kiến sẽ phát hành vào tháng 12/2017 (nếu theo thị giá hiện tại thì số tiền sẽ hơn 1.500 tỷ đồng). Cổ phiếu ESOP sẽ hạn chế chuyển nhượng trong vòng 4 năm.

Theo Hoàng Trung

Từ khóa:  bách hóa xanh , mwg
Cùng chuyên mục
XEM