Lingo.vn đột ngột giải thể, nhân viên bơ vơ: "Cho dù không đúng luật thì Quỹ cũng đã hết tiền"

03/09/2016 19:17 PM | Kinh doanh

Nhà đầu tư ngoại đột ngột đóng cửa trang mua bán Lingo.vn khiến cho hơn 265 người “bị hất ra đường”, nhiều quyền lợi không được đảm bảo, và ẩn sau đấy là những chuyện cười không ra nước mắt.

Tổng giám đốc cũng chỉ biết trước nhân viên 5 ngày...

Đầu tháng 8, trang thương mại điện tử Lingo .vn thông báo ngừng hoạt động. Lingo không phải là trang thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam bị khai tử, tuy nhiên, “đám ma” Lingo lại chẳng hề êm đẹp. Gần 1 tháng sau “cái chết” của trang, trên mạng xã hội đã xuất hiện lá tâm thư của nhân viên Lingo với nội dung “tố” nhà đầu tư coi người lao động như rơm như rác.

Một số người lao động Lingo trong buổi chiều ngày 1/9 ngồi tâm sự với phóng viên trong văn phòng ngổn ngang, xơ xác mà đến cái máy uống nước cũng không còn vì “ngay sau thông tin đóng cửa đột ngột, doanh nghiệp cung cấp nước đã nhanh chóng đến mang cả nước cả cây đi”.

Hầu hết nhân viên của Lingo đều bàng hoàng trước thông tin này. Theo lời kể, ngày 2/8 đại diện nhà đầu tư MAJ thông báo giải thể công ty trong một cuộc họp đột xuất được thông báo trước chỉ vài tiếng đồng hồ, toàn bộ nhân viên được cho nghỉ ngay chiều hôm đó.

“Chính xác là thông báo miệng từ anh Vương Hữu Nghĩa (đại diện nhà đầu tư MAJ) sáng ngày 2/8 và đến tận 18h30 chiều họ mới đưa một cái nghị quyết” – một nhân viên Lingo cho biết.

Cụ thể, lúc 11h sáng này 2/8, nhà đầu tư tuyên bố giải thể nhưng không có một văn bản pháp luật nào, tất cả chỉ là một lời nói mang tính chất thông báo. Đến chiều, công ty đã gửi nghị quyết cho nhân viên nhưng qua đường email, không dấu đỏ, không chữ ký, không cả ngày giờ bắt đầu.

Sau thông báo, mọi người trong công ty còn không biết có nên nghỉ hay không, liệu có thành đơn phương nghỉ việc bởi trong tay họ không có một căn cứ pháp lý nào, người nhân viên này tâm sự.

Phải 2 ngày sau, văn bản chính thức có dấu mới đến tay nhân viên công ty.

Toàn bộ nhân viên rơi vào trạng thái hoảng loạn, bức xúc vì thông tin quá đột ngột thay vì phải được biết trước từ 30 – 45 ngày như thường lệ. Họ cũng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên với lý do đóng cửa do thua lỗ, nhà đầu tư không kêu gọi được thêm vốn vì “trên thực tế, Lingo thua lỗ chứ không có lãi nhiều năm nay chứ không phải bây giờ, và theo kế hoạch đề ra trước đó, đến năm 2018 công ty mới có lãi”.

Nhân viên Lingo cũng bất bình khi nhớ lại cách đây ít lâu, tầm tháng 6, TGĐ đã ra Hà Nội chia sẻ với anh em về chiến lược phát triển mới của công ty.

Theo đó, từ đầu năm, HĐQT đã tạo sức ép để công ty xây cả một hệ thống website mới mà khi outsource không một đơn vị nào nhận xây trong 3 tháng. “Anh em trong công ty đã tự kêu gọi nhau làm việc, kêu gọi cả những người có kinh nghiệm đang làm ở chỗ tốt về Lingo làm ngày làm đêm ăn ngủ tại công ty, đến nỗi bộ phận hành chính phải thuê một cái khách sạn nhỏ ở gần đấy để nhân viên sang tắm” một nhân viên kể lại.

Cũng theo người này này, với niềm tin vào nhà đầu tư, vào kết quả hiện có, toàn bộ nhân viên Lingo đang trong khí thế sục sôi hoàn thành giai đoạn 1 chuẩn bị sang giai đoạn 2 với tương lai công ty sẽ phát triển hơn nữa thì lý do đóng của và thông báo đột ngột giống như việc hất một gáo nước lạnh vào mặt họ.

Trong lần tâm sự thẳng thắn với nhân viên, ông Kyle Phạm An Tuấn, Tổng giám đốc Lingo cho biết bản thân ông cũng chỉ biết trước sự việc đúng 5 ngày.

Dù đúng dù sai thì Quỹ cũng đã hết tiền

Đột ngột bị hất ra khỏi công ty, câu hỏi lớn nhất của người lao động chính là quyền lợi của mình được giải quyết như thế nào. Nhưng ngoài khoản tiền lương được trả đến ngày 3/8, nhà đầu tư tuyên bố là đã hết trách nhiệm với người lao động.

Dù vậy, trên thực tế sau 3/8 vẫn có nhiều cán bộ nhân viên vẫn tiếp tục làm việc để chốt công nợ với các nhà cung cấp hàng. Những nhân viên này không nhận được ký một cái hợp đồng nào, dù là thời vụ. Họ đi làm vì trách nhiệm chứ bản thân không biết có lương hay không, lương chỉ được tính theo tuần, 2 tuần trả 1 lần và cũng không biết nhà đầu tư sẽ “nghỉ chơi” lúc nào.

Còn theo nhân viên kho, cách họ bị đối xử còn không khác “lao động được thuê ở chợ” vì họ được gọi đi làm lại từ 13/8 để trả hàng cho nhà cung cấp và được trả lương từ 13/8 trở đi, ngày nào làm ngày đấy tính lương, khoảng thời gian từ 3 – 13/8 thì không trong khi hợp đồng với người lao động chưa chấm dứt.

Về BHXH, hiện do công ty đang nợ 3 tháng chưa đóng nên người lao động không thể làm đơn xin chốt sổ được. Nhiều nữ nhân viên thai sản, có người đã sinh con xong nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ gì, mà câu trả lời đến giờ là về mặt pháp luật chúng tôi chỉ đến thế thôi!

Theo quan điểm của công ty "sẽ không có bất kỳ một khoản trợ cấp nào cho nhân viên bao gồm cả thai phụ khi công ty giải thể vì họ đã làm đúng theo pháp luật nhà nước Việt Nam và cho dù không làm đúng luật đi nữa thì quỹ đã hết tiền".

Tuy nhiên, hết tiền không phải là một cái cớ. Vì nếu biết mình không có khả năng chi trả thì công ty phải tính toán việc này sớm hơn hoặc cắt giảm đầu tư đi, nhưng trong tháng 6, công ty vẫn đang mở rộng đầu tư với việc nới thêm bộ phận chăm sóc khách hàng ở thành phố HCM, thêm 45 nhân sự nữa.

Đó là chưa kể việc đột ngột đóng cửa khiến các nhà cung cấp hàng cho Lingo nhảy dựng. Hiện theo quyết định giải thể doanh nghiệp, Lingo còn nợ các đối tác và nhà cung cấp khoảng 12,7 tỷ đồng. Yêu cầu của HĐQT là các chủ nợ phải giảm 50% nợ thì mới được thanh toán ngay, còn không thì phải đợi. Ngoài ra, các khoản tiền khách mua hàng trên Lingo.vn chuyển khoản trước nhưng vẫn chưa nhận được hàng.

Theo Đình Phương

Cùng chuyên mục
XEM