Sài Gòn đừng mơ hết ngập, hãy tập sống chung với nó!

16/09/2015 13:41 PM | Sống

Thạc sỹ Hồ Long Phi trong một báo cáo nghiên cứu khoa học đã lý giải các nguyên nhân của thực trạng “càng chống càng ngập” tại TPHCM.

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, đầu năm 2015 khu vực trung tâm có 68 điểm ngập, sau khi thực hiện nhiều giải pháp chống ngập thì đến nay  phát sinh thêm... 29 điểm ngập mới. Thạc sỹ Hồ Long  Phi  -  Giám  đốc Trung tâm Quản lý Nước và Biến đổi Khí hậu (WACC) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM trong một báo cáo nghiên cứu khoa học đã lý giải các nguyên nhân của thực trạng “càng chống càng ngập” tại TPHCM.

Nguyên nhân trước tiên là do quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ. Quá trình này diễn biến rất phức tạp liên quan đến rất nhiều yếu tố xã hội, kinh tế, dân số và dường như là không thể kiểm soát được. Cùng với đó, quy hoạch không gian và quy hoạch sử dụng đất đến 2025 của TPHCM đang được xem xét để thực hiện. Nhưng vấn đề là có những quy hoạch sau vài năm lại thay đổi và đây là yếu tố rủi ro lớn cho việc đưa ra các biện pháp chống ngập.

Ngay cả người dân bình thường cũng dễ dàng nhận thấy là khi thực hiện các dự án lớn như khu đô thị lớn như Phú Mỹ Hưng (quận 7), Thủ Thiêm (quận 2), khu đô thị dọc đường Nguyễn Hữu Thọ (Nhà Bè), khu dân cư Bàu Cát (Tân Bình), Bình Phú (quận 6)… và mới đây nhất là một khu đô thị lớn tại khu đất trước đây là cảng biển ở quận 1 thì rất nhiều không gian đất chứa nước ngầm và ao hồ, kênh rạch đã bị biến mất.  

Cùng với đó quy hoạch các khu công nghiệp đến năm 2025 theo hướng đưa các khu công nghiệp ra ngoại thành để giải quyết tình hình ô nhiễm trong nội thành. Nhưng vấn đề cần chú ý là địa hình khu vực ngoại thành thường thấp trũng hơn khu vực nội thành nên chống ngập cho các khu vực này gặp nhiều khó khăn và tốn kém chí phí.

Về quy hoạch giao thông, trong tương lai TPHCM sẽ xuất hiện hàng loạt các tuyến đường vành đai phát triển ngay tại những khu thấp và chính những khu vực này sẽ là những cản trở cho những giải pháp để giải quyết vấn đề ngập. Quy hoạch giao thông sẽ bao bọc thành phố bởi vành đai 3 lớp và khi có mưa bên trong vành đai sẽ làm những lối thoát nước bị bao bọc. Vấn đề giao thông cải thiện tốt hơn nhưng việc thoát nước chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn.

Một nguyên nhân nữa là do biến đổi khí hậu, so với trước đây thì vũ lượng mưa trung bình là 60mm - 70mm, nhưng hiện nay vũ lượng 100mm - 120mm ngày càng nhiều và tần suất ngày càng cao.  Hiện tượng mưa nhiều có vũ lượng lớn như hiện nay gây khó khăn cho việc thiết kế, lựa chọn tần suất… của các dự án đang sử dụng các thiết kế, số liệu cũ. Đến cuối thế kỷ, mực nước biển dự báo sẽ dâng đến khoảng 70-80cm và nếu như không có tác động gì hết thì TPHCM sẽ chỉ còn lại một vài cái đảo nổi giữa biển nước mênh mông.

Thạc sĩ Hồ Phi Long cho rằng các cơ quan quản lý cần lưu ý hai nguyên tắc trong việc ứng phó với ngập lụt tại TPHCM.  

Nguyên tắc đầu tiên là phải có không gian dành cho nước. Vì nước luôn luôn dành chỗ thấp nhất trong lưu vực, bất cứ quy hoạch không gian nào dành chỗ của nước, trước sau gì cũng sẽ phải trả giá.

Một đề án quy hoạch đô thị nhất thiết phải tích hợp một không gian tối  thiểu  dành  cho  nước,  cũng  tương  tự như  không  gian  dành  cho  giao  thông, dân cư, cây xanh… chứ không phải cứ tìm cách đẩy nước đi chỗ khác. Trong điều kiện bất định của biến đổi khí hậu, không gian dành cho nước sẽ phải đủ mềm dẻo để có thể thích nghi theo thời gian.

Những đề án hay công trình khuyến khích trực tiếp hay gián tiếp việc dành  chỗ của nước cần phải được hạn chế. Một ví dụ là ở Châu Âu rất khuyến khích mỗi gia đình tạo nơi chứa nước mưa (hồ, thùng  chứa,…); nước mưa từ mái nhà sẽ dồn lại khi đầy rồi mới thoát ra cống, vừa giảm nhẹ  đầu tư cống rất nhiều không làm cống bị quá tải. Đây là giải pháp mang lại hiệu quả chống ngập cao.

Nguyên tắc thứ hai, cần phải xem nguy cơ ngập luôn hiện hữu, bất chấp các giải pháp công trình. Do đó quan điểm kiểm soát ngập lụt hiện đại là tìm cách để giảm nhẹ thiệt hại khi xảy ra ngập, chứ không chỉ tìm cách để chống ngập. Trong điều kiện có quá nhiều yếu tố bất định do tác động của biến đổi khí  hậu và con người, quan điểm này cần phải được nhất quán tôn trọng.

Vụ ngập lụt ở Bangkok năm 2011 là bài học điển hình vì thành phố này và TPHCM có chung địa hình là có cả vùng cao và vùng thấp, lún, đô  thị hóa. Các dự án chống ngập của Bangkok được thực hiện từ những năm 90 và cũng đã hoàn  thành đưa vào sử dụng nên có rất nhiều trạm bơm, đê bao, hồ điều tiết,...

Các kỹ thuật  chống ngập của Bangkok được thực hiện khá hiện đại phù hợp cho các yêu cầu chống  ngập nhưng thực tế thì Bangkok vẫn bị ngập do vượt quá năng lực thiết kế công trình  (chu kì lặp lại 30 năm nhưng biến cố năm 2011 có thể 100 năm mới gặp một lần) vì  kỹ thuật thì không thể chống lại với các vấn đề thiên tai. Các biện pháp chống ngập của TPHCM hiện đi sau Bangkok gần 20 năm và với tốc độ đầu tư như hiện nay thì không thể xác định khi nào mới hoàn thành công tác chống ngập.

“Có khái niệm mới trên thế giới đang rất phổ biến: Chung sống bền vững. Xưa nay chúng ta vẫn nghĩ vẫn tìm cách làm sao cho khỏi bị ngập nhưng bây giờ thì tìm cách làm cho ít thiệt hại vì ngập, đó là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Khi chúng ta không thể ngăn nó thì phải sống thích nghi với nó. Ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long gần đây đã có những chương trình theo hướng này và đã giảm thiểu  thiệt hại, đồng thời khai thác được những cái lợi do lũ tràn về. Đối với các đô thị  như TPHCM cũng phải có giải pháp thích nghi vì đó là những yếu tố không thể tránh khỏi trong tương lai”, Thạc sĩ Hồ Phi Long khuyến cáo.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM