Mỹ thuật Nhật Bản truyền cảm hứng cho van Gogh như thế nào?

29/11/2015 10:19 AM | Sống

Nước Nhật đã có vai trò hết sức quan trọng trong sự ra đời của mỹ thuật hiện đại phương Tây – điều thoạt nghe có vẻ khó tin ấy đã được chứng minh trong triển lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston với tên gọi “Hướng về phương Đông: nước Nhật đã truyền cảm hứng ra sao cho Monet, van Gogh và các họa sĩ phương Tây khác” (Looking East: How Japan inspired Monet, van Gogh, and other Western artists).

Vào thập niên 1850, khi nước Nhật dưới thời Minh Trị mở cửa giao thương với nước ngoài, chấm dứt nhiều thế kỷ tự cô lập thì không lâu sau đó tranh in, sản phẩm thủ công truyền thống và tác phẩm mỹ thuật “made in Japan” tràn vào châu Âu, Bắc Mỹ với số lượng lớn chưa từng thấy. Trong cơn mê đắm của sự ngưỡng mộ và sưu tầm nghệ thuật Nhật Bản diễn ra lúc ấy, các nghệ sĩ tạo hình phương Tây đã tìm thấy những giải pháp thật tươi mới đối với các vấn đề mà họ đang đối mặt trên hành trình sáng tạo.

Đã có một “trào lưu Nhật Bản”

Triển lãm “Hướng về phương Đông…” khảo sát nhiều trào lưu nghệ thuật và cho thấy các nghệ sĩ tạo hình phương Tây đã chịu ảnh hưởng ra sao đối với nghệ thuật truyền thống Nhật, trong số đó có cả các tên tuổi lớn như Vincent van Gogh, Mary Cassatt, Edgar Degas, Paul Gauguin, Claude Monet… Bằng cách đặt kề bên nhau tác phẩm của các bậc thầy hội họa hiện đại nêu trên và những bức tranh của các tác giả Nhật xuất sắc, triển lãm đã cho thấy ảnh hưởng đến từ nước Nhật đối với các khuynh hướng mỹ thuật mới mẻ thời bấy giờ cũng như với nhiều đề tài mà các họa sĩ phương Tây hiện đại đã lấy cảm hứng từ nghệ thuật Nhật.

Poster triển lãm tại lối vào phòng trưng bày Bảo tàng Mỹ thuật Boston thể hiện hình ảnh cây cầu trong tranh Claude Monet và cây cầu trong tranh in của Hiroshige Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã có một sự bùng nổ sở thích của người Pháp đối với mọi thứ đến từ Nhật, từ đó dẫn tới những đổi thay căn bản trong nghệ thuật hiện đại phương Tây. Ngay từ năm 1872, Philippe Burty – nhà phê bình mỹ thuật ở Paris – đã ghi nhận sự đổi thay này và gọi đó là “trào lưu Nhật Bản” (Japonisme). Chính Japonisme đã đóng một vai trò thiết yếu trong tiến trình của các họa phái Ấn tượng, Hậu Ấn tượng và Nghệ thuật Mới (Art Nouveau). Japonisme còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, từ kiến trúc tới thiết kế đồ nội thất; từ nhiếp ảnh đến minh họa sách báo…

Tác phẩm Hồ hoa súng của Monet (vẽ năm 1899) hiện thuộc về Bảo tàng Pushkin ở Moskva, Nga Thật ra, những ảnh hưởng của văn hóa – nghệ thuật Nhật đối với các nghệ sĩ phương Tây đã được giới thiệu lần đầu tiên trong triển lãm với tên gọi khác một chút: “Hướng về phương Đông: nghệ sĩ phương Tây và sức quyến rũ từ Nhật Bản” (Looking East: Western artists and the allure of Japan) được tổ chức cách đây hai năm tại Trung tâm nghệ thuật tạo hình Frist ở Nashville, bang Tennessee và sau đó được đưa tới Nhật, Canada, San Francisco trước khi đến với Boston hôm nay.

“Sức quyến rũ Nhật Bản” và tranh khắc gỗ ukiyo-e

“Sức quyến rũ Nhật Bản” được minh chứng bằng các tranh in và sản phẩm, đồ trang trí Nhật… song hành cùng tác phẩm hội họa và tranh in của Mary Cassatt, Edgar Degas, Vincent van Gogh, Claude Monet, Edvard Munch, đồ nội thất của kiến trúc sư Frank Lloyd Wright. Dễ nhận thấy hình ảnh bộ kimono, những chiếc quạt giấy, đèn lồng, dù, bình gốm và nhiều sản phẩm Nhật khác phổ biến trong tranh các họa sĩ Pháp thời đó. Quan trọng nhất là tác động của loại tranh khắc gỗ ukiyo-e(*) đối với hội họa phương Tây lúc bấy giờ.

Từ bức tranh in Nhật Bản vẽ hai mẹ con, nữ họa sĩ Mỹ Mary Cassatt đã vẽ một loạt tranh Mẫu tử rất nổi tiếng Đề tài của tranh ukiyo-e tập trung vào cuộc sống phù du của con người với những nàng geisha uyển chuyển trong bộ kimono, những diễn viên kịch Kabuki, những bông hoa đua nở… và không thể thiếu đỉnh Phú Sĩ huyền thoại song nét khác biệt ở loại tranh in này là nó chứa đựng những góc nhìn bất thường của người vẽ, bố cục tranh lại không đối xứng, nặng tính trang trí và màu sắc được xử lý tinh tế. Tất cả những yếu tố đó của tranh ukiyo-e đã trở thành phát hiện mới lạ đối với giới họa sĩ phương Tây vốn được đào tạo để tuân thủ trật tự thế giới quanh họ theo luật viễn cận, giúp họ tìm thấy một cách nhìn mới trong hội họa.

Do giá tranh in ukiyo-e lúc bấy giờ quá rẻ nên loại hình này tràn ngập ở phương Tây, đến độ từ thập niên 1860 trở về sau tranh in của các bậc thầy như Utagawa Hiroshige và Katsushika Hokusai được bán ồạt tại Mỹ và châu Âu. Ngày nay ngoài nước Nhật thì các sưu tập tranh Hokusai và Hiroshige ở Mỹ và châu Âu được coi là lớn nhất và đẹp nhất.

Nhà khai sáng trào lưu Ấn tượng là Claude Monet cũng sở hữu một bộ sưu tập hơn 200 bức tranh in Nhật Bản, nhiều và đẹp hơn bất kỳ bộ sưu tập tranh ukiyo-e nào khác của các họa sĩ Pháp cùng thời. Chính từ sưu tập tranh ấy mà Monet đã tìm thấy một nguồn cảm hứng cho sự nghiệp sáng tác lâu dài của ông.

Từ bức tranh in Nhật Bản vẽ hai mẹ con, nữ họa sĩ Mỹ Mary Cassatt đã vẽ một loạt tranh Mẫu tử rất nổi tiếng Ngay cả các tác phẩm được Monet vẽ trong khu vườn nhà ông tại Giverny cũng được xây dựng với cảm hứng đến từ tranh in Nhật Bản vẽ phong cảnh. Những bức ông vẽ chiếc cầu bắc qua hồ hoa súng trong vườn nhà mình, với cái bóng lung linh trên mặt nước thật gần gũi với chiếc cầu Kyobashi trong tranh Hiroshige. Ngày nay, khu vườn ở Giverny của Monet là điểm tham quan được ưa thích tại Pháp, đến đó khách tham quan có dịp nhớ lại một thời khi mà “sức quyến rũ Nhật Bản” mạnh như thế nào đối với Monet cũng như với nhiều họa sĩ cùng thời với ông.

ranh in Vườn tre và cầu Kyobashi của Hiroshige Hơn 170 hiện vật, bao gồm tranh in, phác thảo, sản phẩm trang trí và cả hàng dệt thuộc các bộ sưu tập nổi tiếng thế giới về mỹ thuật Nhật, Mỹ và châu Âu của Bảo tàng Mỹ thuật Boston cùng nhiều tác phẩm hội họa mượn từ nhiều nguồn khác nhau đã được trưng bày dịp này. Triển lãm sẽ kéo dài đến thượng tuần tháng 2-2016.

(*) Nghệ thuật tranh khắc gỗ ukiyo-e ra đời từ thời Edo, khi nước Nhật gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Khi mới ra đời, loại tranh “phù thế” này là một hình thức nghệ thuật gắn liền với sự hưởng thụ và hết sức phổ biến trong suốt nửa sau thế kỷ XVII.

Ban đầu là những tranh đơn sắc, đến thế kỷ XVIII mới có tranh khắc gỗ màu ukiyo-e. Cuộc sống đầy lạc thú và những khu nhà hát ở Edo cung cấp cho các họa sĩ ukiyo-e một mảnh đất màu mỡ với đề tài là các nàng geisha và các diễn viên kịch Kabuki.

Sau này, các bậc thầy Hokusai (1760-1849) và Hiroshige (1797-1858) đã đưa vào tranh ukiyo-e hình ảnh thiên nhiên nước Nhật, đặc biệt là đỉnh núi Phú Sĩ và những ngọn sóng thần nổi tiếng trong tranh Hokusai. Ngày nay, truyện tranh manga được coi là một hình thức của ukiyo-e trong thế giới hiện đại.

Theo LÊ BẢN

Cùng chuyên mục
XEM