“Mùa xuân đầu tiên” trong hồi ức một vị tướng

20/02/2015 18:00 PM | Sống

Mùa xuân này, tròn 40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, người được nhiều người biết đến qua sự kiện lịch sử: Là một trong những người đầu tiên chứng kiến và tiếp nhận việc tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện (30/4/1975), mới bật mí về câu chuyện ăn cái Tết Thống nhất đầu tiên của ông (Tết năm Bính Thìn, 1976).

Cắm bản, ăn Tết cùng dân!

Với ông, đó là một trong những cái Tết có nhiều kỷ niệm trong đời binh nghiệp. Sau ngày 30/4/1975 lịch sử, ngày 10/5 năm đó, ông với cương vị là Trung đoàn phó Trung đoàn 66 được lệnh hành quân lên Lâm Đồng để truy quét lực lượng FULRO đang ngày đêm quấy phá. Lúc này lực lượng tàn quân ngụy và đặc biệt là FULRO thường xuyên tổ chức quấy phá, cướp bóc trắng trợn trên tuyết QL20 nối Sài Gòn – Đà Lạt. Người dân, xe khách bị chặn đường, cướp bóc diễn ra triền miên. Điểm nóng được xác định là khu vực đèo Chuối nằm trên QL20.

Sau khi nhận lệnh từ Quân khu VI, ông và Trung đoàn 66, sau đó thêm Trung đoàn 24 lên chốt giữ, đảm nhiệm nhiệm vụ truy quét, vận động, tiêu diệt FULRO, vừa cảm hóa bà con dân tộc K’Ho bản địa. “Để thực hiện chủ trương nêu trên, ban đầu Trung đoàn quyết định đưa cấp Trung đội vào từng bản để chốt giữ, xây dựng chính quyền cơ sở. Tuy nhiên lúc này lực lượng FULRO đang mạnh nên các Trung đội thường xuyên bị tập kích. Sau đó Trung đoàn đã phải điều động cả cấp Đại đội vào cắm bản.

Ban ngày, bộ đội cùng dân lên rẫy sản xuất, thu hoạch mùa màng. Ban đêm tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ bản làng để bà con ngon giấc. Miệng nói, tay làm, tâm tư chia sẻ là chủ trương được quán triệt tới từng người lính. Tới gần cuối năm, công tác vận động, cảm hóa “được mùa to” do nhiều bà con theo FULRO được cảm hóa quay về với bản. Để chuẩn bị cho cái Tết đầu tiên, các Trung đoàn có mặt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã ra nghị quyết vừa chuẩn bị chu đáo cho bà con và chiến sỹ ăn Tết vừa phải sẵn sàng chiến đấu trong mọi điều kiện”, Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ lại.

Để tổ chức cho quân và dân cùng nhau đón Tết, chỉ huy cấp Trung đoàn đã phải xây dựng, thay đổi phương án tác chiến như chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Lúc đầu, chủ trương cho anh em ăn Tết tập trung. Vậy nhưng diễn biến tình hình thực tế lúc đó không cho phép bộ đội chủ lực rời dân. Chỉ cần vắng bóng bộ đội là lực lượng FULRO sẽ quấy phá khiến bà con mất Tết. Vì vậy, chủ trương mới được thống nhất, yêu cầu bộ đội phải “cắm bản”, ăn Tết tại nhà dân, tuyệt đối không được tổ chức tập trung quá đông người để tránh bị tập kích.

“Gần Tết, anh em ai nấy đều nhớ nhà, ai cũng muốn đón cái Tết đoàn tụ bên người thân. Ở quê, gia đình nào cũng muốn con em mình về ăn cái Tết đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước. Vậy nhưng nhiệm vụ chiến đấu vẫn luôn thường trực nên anh em thay nhau viết thư gửi về quê động viên gia đình. Sau các động thái củng cố tinh thần, các chiến sỹ ngày đêm phấn khởi chuẩn bị để đón cái Tết thống nhất đầu tiên. Tết năm đó được chuẩn bị đầy đủ lắm, có hầu hết các “đặc sản” như bánh chưng, thịt lợn, giò, dưa hành. Mỗi gia đình dân tộc K’Ho đều có 3 chiến sỹ đến cùng ăn, ở, sinh hoạt và chuẩn bị Tết cùng dân. Không khí hòa bình, ấm tình quân dân khiến anh em vơi nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Kết quả của “trận chiến Tết” ấm tình quân dân không tiếng súng đã làm cho lực lượng FULRO bị cảm hóa và dần tan rã”, Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ lại.

Tết “lạ” tại bản làng K’Ho

Theo Trung tướng Phạm Xuân Thệ, lúc đó, toàn bộ chiến sỹ là người miền Bắc, nhiều năm ăn Tết trên chiến hào và chưa một lần được ăn Tết với đồng bào dân tộc người K’Ho trong hòa bình. Vì vậy, cái Tết năm 1976 càng đáng nhớ hơn khi dân và quân cùng khá phá, chia sẻ phong tục ăn Tết “lạ” của nhau. Bà con dân tộc K’Ho khá tò mò vì lần đầu tiên họ thấy bánh chưng vuông. Loại bánh truyền thống trong dịp Tết trước đây của họ là bánh tét nên thấy bộ đội gói bánh chưng thì dân bản thấy làm lạ. Đặc biệt, nhờ nguồn lá dong và cây giang nhiều nên năm đó bánh chưng được bộ đội gói nhiều “đột biến”, vừa để cung cấp cho chiến sỹ, vừa gói cho bà con cùng thưởng thức… Vào dịp Tết dân càng “nể” bộ đội Cụ Hồ hơn vì họ không ngờ bộ đội vừa chiến đấu giỏi lại còn nấu ăn ngon, biết mổ lợn, làm giò, chế biến món ăn độc đáo, khác hẳn với sự mường tượng của họ theo lời tâm lý chiến của ngụy quân trước đó.

Ngày Tết, đặc sản của bà con dân tộc K’Ho là thịt lợn, bò các loại treo gác bếp hoặc được muối trong ống tre, nứa, vò sành và có thêm món cá suối nướng, các món măng, rau rừng. Tướng Thệ nhớ lại: “Nhiều món của bà con, bộ đội ăn không quen, duy chỉ có món thịt gác bếp là “đắt hàng”. Mãi sau này, khi tôi đi Nga lại được ăn món thịt hun khói bên đó,nhớ về món thịt gác bếp của dân tộc K’Ho lại thấy cách chế biến, bảo quản của bà con dân tộc mình có nét tương đồng với… Tây. Bữa ăn tất niên chiều 30 Tết, bà con và bộ đội ở các điểm cùng ăn Tết với nhau. Cái không khí Tết hòa bình thống nhất năm đó chắc sẽ mãi mãi khắc sâu trong tim các cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 66. Bộ đội hát các bài hát, múa những điệu múa truyền thống của dân tộc K’Ho dưới sự hướng dẫn của già làng, trưởng bản. Cùng nhau hái hoa dân chủ, thi các trò chơi lý thú. Miền Nam tuy không có đào nhưng bù lại có đến cả… rừng hoa anh đào và hoa mận. Khung cảnh Tết đẹp chẳng khác nào tranh cổ tích”.

Phong tục tập quán của bà con dân tộc K’Ho cũng có nhiều cái “lạ” khiến bộ đội miền Bắc có thêm nhiều trải nghiệm. Bà con thường chuẩn bị mâm cúng với đầy đủ các món ăn ngày Tết mang tới khu nhà mồ. Họ quan niệm “trần sao, âm vậy” nên tất cả các món ăn đều được mang cúng cho người chết. Số đồ lễ cúng sẽ được chia phần và để lại cho người thân ở khu nhà mồ chứ không mang về nhà như phong tục của người miền Bắc. Ngày mùng một, mùng hai, bà con dân tộc K’Ho tiếp tục cúng ở nhà mồ. Mâm lễ gồm các món như thịt, cá, măng tươi, măng xào, bánh tét, cá nướng… Cúng xong lại tiếp tục chia phần cho người mất như thường lệ. Trong những ngày Tết, cán bộ cấp Trung đoàn thay phiên nhau tới từng đơn vị, nhà dân để chúc Tết. “Đó là cái Tết mang đậm dấu ấn tình quân dân sau ngày giải phóng. Dịp Tết cũng là thời gian “vàng” để dân vận”, tướng Thệ khẳng định.

Một năm ăn hai cái… Tết!

Sau khi cùng cán bộ, chiến sỹ đón Tết ở Lâm Đồng với bà con dân tộc K’Ho, khoảng ngày 11-12/1 âm lịch, tướng Thệ (lúc bấy giờ là Đại úy) được nghỉ phép về quê thăm gia đình. Đây cũng là lần ăn Tết thứ hai của ông trong năm đầu sau ngày giải phóng. Hành trang về thăm quê sau nhiều năm chiến đấu của ông chỉ có tư trang cá nhân với một chiếc khung xe đạp cũ được ông mua lại từ… chuồng lợn của một người dân. “Chiếc khung xe ấy tốt lắm, thấy người ta vứt bên chuồng lợn nên tôi mua về, giờ ở quê (Khả Phong, Kim Bảng, Hà Nam) gia đình tôi vẫn giữ”, Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ lại.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Tết Thống nhất

Tướng Thệ bên gia đình.

Lần hồi hương đó cũng là lần đầu tiên ông được đi máy bay vận tải quân sự. Cái rét cắt da cắt thịt mấy ngày đầu tháng một Dương lịch năm 2015 này càng khiến ông nhớ rõ cái lần hồi hương năm đó. Sau bao năm sống, chiến đấu trong khí hậu của miền Nam, khi xuống sân bay Gia Lâm, cái rét xuân miền Bắc đã khiến ông phải rùng mình. Ngủ lại một đêm tại Trạm 66 (51 phố Phan Đình Phùng, Ba Đình ngày nay), ngày hôm sau ông ra Bến Nứa xếp hàng để lên xe về quê.

Về tới làng, mẹ ông, vợ ông mừng phát khóc cho dù mọi người ở nhà vẫn biết ông còn sống sau ngày miền Nam giải phóng. “Trước đó tại cảng Ba Son, tôi gặp ông anh con nhà bác. Sau đó ông ấy viết thư về quê cho biết tôi còn sống nên cả nhà yên tâm chờ con về ăn Tết. Tuy nhiên, đúng dịp Tết nhiệm vụ chiến đấu vẫn còn nên tôi và chiến sỹ Trung đoàn không thể vì niềm vui riêng mà quên trách nhiệm. Ngày tôi về, mẹ tôi vui lắm, bà đi khoe khắp làng. Nhà có ông anh cả thì đã hy sinh ở chiến trường. Ngày tôi nhập ngũ, chiến đấu, bị thương rồi tiếp tục trốn nhà vào chiến trường, bà lo lắm. Ngày về không chỉ mẹ già mà người vợ vốn xa chồng nhiều năm cách biệt sau ngày cưới cũng vỡ òa trong niềm vui. Về quê sau Tết, đi thăm nom họ hàng, làng xóm, cái không khí đó cũng vui chẳng khác nào Tết”, ông nhớ lại tình cảm của người mẹ, người vợ khi mình về thăm quê.

Ông về quê đúng vào Rằm tháng Giêng, lúc này vẫn đang trong thời kỳ tem phiếu. Biết nhà có bộ đội về thăm nên hợp tác xã ưu tiên bán thêm thịt lợn. Nhắc đến tem phiếu, ông bật cười rồi nói: “Gọi là có thịt nhưng không được nhiều như bây giờ. Chỉ có cá thì nhiều, ăn không xuể bởi dân trong làng đều làm nghề chài lưới ven sông Đáy”.

Ngày tôi hẹn gặp ông để tìm hiểu về cái Tết thống nhất đầu tiên, buổi sáng ông cùng đồng đội và gia đình hai liệt sỹ ở Hà Nội long trọng tổ chức đón nhận hài cốt từ miền Nam về quê an táng. Với ông,những ngày tháng rời quân ngũ cũng không kém phần bận rộn. Tìm và tập kết hài cốt của chiến sỹ, đồng đội về với thân nhân luôn là ưu tiên hàng đầu trong quỹ thời gian còn lại của ông. Ngoài thời gian dành cho cố đồng đội, cứ thứ Bảy cuối tuần, cả đại gia đình ông bà, con cháu lại tụ tập về nhà ông, lúc này gia đình ông lại vui như Tết.

>> Mùa xuân mới, thể chế mới, diện mạo mới

Theo Công Tâm

Cùng chuyên mục
XEM