London hay New York mới là 'thủ đô' của thế giới?

10/11/2014 17:43 PM | Sống

Cuộc tranh luận về London hay New York là trung tâm tài chính của thế giới đã kéo dài nhiều năm bởi nó liên quan đến niềm tự hào của cả hai thành phố. Tuy nhiên, điều thú vị là mới đây tờ Business Insider (Mỹ) lại đánh giá London cao hơn và cho rằng London mới chính là “thủ đô của thế giới”.

Một trăm năm mươi năm trước đây nếu đưa ra câu hỏi này thì câu trả lời là chắc chắn là London. Nhưng năm mươi năm trước đây nếu cũng hỏi câu hỏi này thì câu trả lời không thể tranh cãi lại là New York. Và hiện nay, ranh giới của hai đáp án này thực chất không còn  rõ ràng.

Tuy nhiên, Business Insider cho rằng London chứ không phải New York mới là thành phố xứng đáng nhận “vương miện” này.

Và lý do, có thể được tóm gọn ở 5 điểm chính dưới đây:

London là trung tâm tài chính của thế giới

Trong điều kiện diễn biến của thị trường chứng khoán hiện nay, gọi London là trung tâm tài chính của thế giới nghe có vẻ “lố bịch” bởi Sàn giao dịch chứng khoán London (London Stock Exchange) thậm chí còn không phải là sàn giao dịch lớn thứ hai sau sàn chứng khoán New York. Thực tế, nó chỉ xếp vị trí thứ tư (sau khi New York, Nasdaq và Tokyo).

Nhưng điều này là hoàn toàn không công bằng với London bởi khối lượng cổ phiếu giao dịch được thực hiện trên sàn chứng khoán London chủ yếu là các cổ phiếu của những công ty, đơn vị trong nước. Vì vậy, tất nhiên sàn giao dịch London sẽ nhỏ hơn New York, nền kinh tế của Vương quốc Anh cũng nhỏ hơn nhiều so với Mỹ. Nhưng ở đây, BI đang so sánh giữa hai thành phố chứ không phải giữa hai nước.

Do đó, để công bằng hơn, nên xem xét bằng biện pháp quốc tế hơn là về tài chính, thông qua cán cân là thị trường tiền tệ. Xét về doanh thu thị trường ngoại hối, không nước nào trên thế giới có thể vượt qua Vương quốc Anh dựa theo tính toán của Ngân hàng Thanh toán quốc tế.

Cụ thể, năm 1998, 32,6% giao dịch ngoại hối của thế giới đã được thực hiện ở Anh (gần như tất cả trong số đó diễn ra ở London), trong khi đó con số này ở Mỹ là 18,3%. Đến năm 2013, giao dịch ngoại hối tại Anh đã tăng lên tới 40,9% thị trường toàn cầu, và trung bình mỗi ngày có khoảng 2,73 ngàn tỷ USD tiền vốn được luân chuyển  tại thị trường này.

Mọi người đều muốn làm việc tại London

Kết quả thăm dò ý kiến của Tập đoàn Tư vấn Boston với hơn 200.000 người ở 189 quốc gia cho thấy, London đánh bại tất cả các thành phố trên thế giới để trở thành thành phố được nhiều người mong muốn được chuyển đến làm việc nhất. Trong đó, 16% số người được hỏi nói rằng nếu có cơ hội họ sẽ chuyển đến làm việc tại London, trong khi chỉ 12,2% muốn đến New York.

Kết quả khảo sát của Boston Consulting Group.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu bạn nhìn vào bức tranh nhân khẩu học của London. 3 trong tổng số 8 triệu cư dân London không phải là người được sinh ra ở Vương quốc Anh.

Trong thực tế, bộ phận dân số mới sinh không phải người gốc Anh đã vượt bộ phận dân số mới sinh là người gốc Anh (chiếm 105% trong cuộc tổng điều tra giữa các năm 2001 và  2011). Như vậy số người Anh bản địa đang tăng trưởng âm và có phần bị lu mờ bởi bộ phận dân nhập cư.

Hơn nữa, triển vọng tăng trưởng ảm đạm của khu vực đồng euro và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao trong khu vực cũng khiến Anh trở thành một điểm làm việc lý tưởng  ngoài khu vực EU.

Số lượng người di chuyển đến Vương quốc Anh từ phần còn lại của châu Âu đã tăng lên đáng kể. Từ năm 2007-2008, 15.400 người Ý đăng ký làm việc tại Anh. Và đến năm 2013, lực lượng lao động trẻ tại London đã lên tới 44.110 người.

Lao động các nước Châu Âu đang ngày càng muốn chuyển sang Anh làm việc (nơi người lao động không cần thị thực để sống và làm việc), đặc biệt một lượng lớn người lao động đều mong muốn tìm kiếm được một công việc tại London.

London cũng là thành phố có những trường đại học hàng đầu thế giới. Và tất nhiên sau khi học xong đại học không ít người sẽ có ước nguyện được làm việc tiếp ở thành phố này.

Và tất cả mọi người cũng muốn sống ở đây

London xếp đầu trên báo cáo tài sản toàn cầu Knight Frank của năm 2014. Thành phố này luôn nằm trong top những thành phố đắt đỏ nhất thế giới và xét về số lượng người giàu nhất thế giới mong muốn sở hữu một ngôi nhà trong thành phố, thủ đô của Anh luôn vượt qua New York.

Mặc dù, chi phí mua hoặc cho thuê nhà ở London khiến nhiều người “phát khóc”, nhưng đó là một tác dụng phụ đương nhiên từ sự thành công đáng kinh ngạc của thành phố này.

Trong các năm 2012-2013, 49% người mua bất động sản ở khu vực trung tâm thủ London không phải là người Anh mà chủ yếu đến từ nước ngoài. Và họ không chỉ mua để đầu tư mà có tới 28% trong số đó mua để ở.

London là thủ phủ của truyền thông kỹ thuật số

 

 London luôn dẫn đầu xếp hạng phương tiện truyền thông bằng tiếng Anh của Comscore.

Hai tờ báo mạng tiếng Anh lớn nhất thế giới đều có trụ sở tại London. Tờ Mail Online (thuộc The Daily Mail) và trang web của The Guardian đã lần lượt giữ  vị trí số 1 và số 2, theo số liệu lưu lượng truy cập của Comscore. Thậm chí lượng độc giả của 2 tờ báo này ở New York còn lớn hơn cả lượng độc giả ở London.

Một cuộc khảo sát của Deloitte đặt London không chỉ là “thủ lĩnh” của thế giới về lượng lao động truyền thông (đặc biệt là phương tiện truyền thông kỹ thuật số) có tay nghề cao mà còn ở khả năng cải tiến các phương tiện truyền thông kỹ thuật số.

Bản báo cáo cho thấy rằng mặc dù New York đi đầu trong việc tạo ra các bộ phim điện ảnh và truyền hình nhưng London mới là nơi đi tiên phong trong việc cải tạo và sản xuất mới các phương tiện truyền thông kỹ thuật số.

London là thủ đô văn hóa

Viện Nghiên cứu chiến lược đô thị của Nhật Bản đánh giá London trên New York (và tất cả các thành phố lớn khác trên thế giới) về giá trị văn hóa. Điều này được chứng minh ở sự pha trộn của các nguồn tài nguyên văn hóa, cơ sở vật chất cho du khách và cách thành phố này bắt kịp những xu hướng mới.

Con tàu cổ Tectona, được xây dựng ở Ấn Độ vào năm 1929, hiện đang neo bên ngoài bên ngoài Học viện Hải quân Hoàng gia tại Greenwich (một trong những di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới  của London). Ảnh: REUTERS / Suzanne Plunkett.

Một số điểm tham quan như Westminster Hall (hội trường lớn tòa nhà quốc hội Vương quốc Anh) có tuổi thọ gần như gấp đôi tuổi thọ của châu Mỹ, và lớn hơn bốn lần so với số năm thành lập của nước Mỹ.

London có bốn địa điểm được công nhận là di sản thế giới của Liên Hợp Quốc, trong khi New York chỉ có một.

Trong cuộc khảo sát với hơn 5.000 người đã từng đến thăm một số thành phố lớn nhất thế giới của GfK, London được du khách xếp hạng cao nhất về các giá trị văn hóa và độ dễ dàng để tìm hiểu cũng như thích ứng với văn hóa tại đây.

>> Savills: London là thành phố đắt đỏ nhất thế giới

Theo Đinh Thơm

Cùng chuyên mục
XEM