Đầu tư cho kinh doanh, vay nợ bao nhiêu là đủ?

24/02/2016 15:19 PM | Sống

Hầu hết mọi người khi dấn thân vào kinh doanh đều nghĩ rằng họ sẽ thành công, nhưng 50% doanh nghiệp mới sẽ thất bại trong vòng 5 năm đầu tiên.

Kanye West không hẳn là một hình mẫu cho vấn đề nợ cá nhân. Thực ra, anh ta nổi tiếng về đế chế hip-hop, dòng thời trang Yeezy và cuộc hôn nhân với Kim Kardashian. Thế nên nhiều người khá bất ngờ khi thứ bảy vừa qua ông trùm này tuyên bố nợ cá nhân của mình lên tới 53 triệu USD vì các thua lỗ trong các khoản đầu tư kinh doanh.

Tuyên bố của Kanye West khiến khá nhiều người băn khăn. Đây cũng là câu hỏi lớn mà nhiều doanh nhân phải đối mặt: Khoản nợ cá nhân ở mức nào là nhiều khi đầu tư cho một doanh nghiệp?

“Mỗi người đều có một mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau,” Luke Delorme của Viện Nghiên cứu kinh tế của Mỹ nói.

Các chuyên gia tài chính khuyên rằng mỗi người nên tự ước lượng một mức độ rủi ro hoặc số nợ phù hợp. Thật không may, đa phần các doanh nhân đều cho rằng vay nợ là cách duy nhất để hỗ trợ họ phát triển ý tưởng của bản thân.

Delorme chỉ ra rằng, nhiều doanh nhân vẫn rất thành công, dù cho họ không cần vay mượn cá nhân để phát triển doanh nghiệp.

Với những người không có sẵn nguồn lực tài chính, một khoản vay là cách duy nhất để có thể khởi nghiệp. Một số doanh nhân khác lại phụ thuộc vào thẻ tín dụng cá nhân, điều có thể gây nhiều rủi ro hơn. Dù phương thức của bạn là gì thì việc quan trọng nhất cần làm là luôn kiểm tra được số nợ tổng thể.

Delorme nói tiếp: “Dù là cá nhân hay tổ chức, nếu số nợ cần trả cao hơn cả thu nhập hoặc doanh thu, bạn rất khó có thể vay một khoản tiền mới. Cũng có thể là bạn sẽ phải chịu lãi suất cao hơn. Lãi suất cao đồng nghĩa với tỷ lệ nợ cao hơn. Một khi tỷ lệ nợ vượt quá kiểm soát, bạn sẽ phải giải quyết những hậu quả nghiêm trọng.”

Trong khi Kanye West chưa nộp đơn xin phá sản, ý tưởng về việc giữ lại khoản nợ trong khi vẫn phát triển doanh nghiệp có thể giúp các doanh nhân. Có lẽ nếu làm vậy, anh ta đã không cần “cầu xin” sự giúp đỡ các doanh nhân Silicon Valley như Mark Zuckerberg hay Larry Page.

Holly Johnson, blogger tài chính cá nhân nói: “Thực tế là Kanye West không đảm bảo việc kinh doanh thành công dù anh ta đang có một nhãn hàng thời trang hay ra mắt một album mới.” Johnson khuyến cáo trước khi đi vay nợ thì bạn nên đánh giá kế hoạch kinh doanh một cách toàn diện.

“Hầu hết mọi người khi dấn thân vào kinh doanh đều nghĩ rằng họ sẽ thành công, nhưng 50% doanh nghiệp mới sẽ thất bại trong vòng 5 năm đầu tiên,” Chris Young tại Cassaday & Company, Inc nói. “Nếu bạn đầu tư tài sản cá nhân cho việc kinh doanh và không thành công, bạn sẽ mất đi những khoản tiết kiệm, quỹ hưu trí và các tài sản đem đi đầu tư khác.” Ngoài việc cần tách bạch các khoản nợ cá nhân và kinh doanh, Young gợi ý nên tìm kiếm cách thức khác để đảm bảo kinh phí cho doanh nghiệp, ví như tìm kiếm các khoản trợ cấp.

“Việc vay tiền từ bạn bè hay gia đình có thể có một số lợi thế. Đó là lãi suất thấp hoặc không cần trả lãi và khỏi lo phải đối phó với hợp đồng của ngân hàng,” Young ủng hộ việc vay mượn từ những người thân quen trước khi tiếp cận một người cho vay hay phụ thuộc vào thẻ tín dụng.

Nhiều chuyên gia lại khuyên rằng bạn nên tự thân vận động để có thể giữ vay nợ ở mức thấp.

“Điều này có thể khiến việc phát triển doanh nghiệp mất nhiều thời gian hơn. Nhưng nếu bạn vận dụng tốt, nó sẽ giúp bạn loại bỏ một số rủi ro,” LaTisha Styles, người sáng lập trang web tài chính cá nhân Young Finances nói.

Mặc dù thực tế vẫn cần một khoản đầu tư ban đầu nhưng ý tưởng này giúp phát triển từng bước và liên tục tại đầu tư lợi nhuận vào kinh doanh.

“Nếu bạn điều hành tốt, bạn sẽ kiếm được tiền. Đầu tư lại số tiền đó vào công ty, hãy cắt giảm càng nhiều chi phí càng tốt,” Delorme nói.

Cuối cùng, hãy xem xét việc gây quỹ quần chúng. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp gây quỹ không phát sinh nợ mà còn giúp đánh giá liệu dự án của bạn khả thi hay không.

Nếu người khác tin tưởng vào dự án, họ sẽ quyên góp. Còn nếu không, bạn nên cam chịu đây là thất bại đầu tiên của doanh nghiệp.

Theo Mai Lâm

Cùng chuyên mục
XEM