Cư dân mạng thích bàn tán gì trong dịp Tết Nguyên Đán?

25/11/2015 20:05 PM | Sống

Đón giao thừa, thực phẩm ngày Tết, hoạt động và các địa điểm ăn chơi là những điều được nhắc đến nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi vừa qua.

Tết Nguyên Đán là một dịp lễ vô cùng quan trọng đối với người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, và cũng được coi là cơ hội tốt để các thương hiệu cùng các chuyên gia marketing lên kế hoạch cho những chiến dịch quảng bá tiếp thị của mình.

Mới đây, nhằm hỗ trợ các thương hiệu và agency trong việc nắm bắt các thói quen trò chuyện cũng như tâm lý và suy nghĩ của người tiêu dùng đối với dịp Tết trên mạng xã hội, Buzzmetrics social listening đã thực hiện một nghiên cứu thống kê các chủ đề được bàn tán nhiều nhất trên các trang thông tin xã hội vào thời điểm cuối năm ngoái – dịp Tết Ất Mùi 2015 vừa qua.


Các topic được thảo luận nhiều nhất theo thống kê của Buzzmetrics

Các topic được thảo luận nhiều nhất theo thống kê của Buzzmetrics

Các topic được thảo luận nhiều nhất bao gồm:

1. Giao thừa

Đây là chủ đề được nói tới nhiều nhất với 105.300 người tham gia, các hoạt động phổ biến được nhắc tới gồm có đi ngắm hoa Tết, đi chơi tất niên cùng bạn bè, đi xem pháo hoa, đi chùa, xem Táo Quân và xông nhà năm mới.

Cảm xúc đối với dịp giao thừa cũng vô cùng đa dạng từ niềm vui được đoàn tụ với người thân, quay quần bên gia đình, nỗi nhớ nhà của những người xa quê cho đến thương cảm cho hoàn cảnh bất hạnh của người khác. Các bạn trẻ thường háo hức được đi chơi với bạn bè hoặc người yêu, trái ngược với sự cô đơn của nhiều người.

2. Thực phẩm Tết

Đây là một vấn đề được nói đến rất nhiều trong dịp cuối năm, mọi người bắt đầu quá trình lựa chọn những đồ ăn ngon và đảm bảo vệ sinh cho ngày Tết gia đình hoặc dùng để biếu tặng như rượu, mứt, bánh chưng, hoa quả,…

3. Các trò chơi ăn theo dịp Tết

Các hãng Game đều nhân cơ hội này để sản xuất những trò chơi ăn theo, nhằm thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Những thương hiệu lớn cũng sử dụng thời gian này để tăng cường khuyến mại hoặc gửi đến những thông điệp phù hợp với ngày Tết Nguyên Đán.

4. Quá trình chuẩn bị đón Tết

Các hoạt động chuẩn bị đón tết được nhắc nhiều nhất gồm có mua sắm tết (thực phẩm, quần áo mới, hoa cảnh chưng tết), trang trí nhà cửa, thờ cúng tổ tiên, thần linh, dọn dẹp, chuẩn bị quà biếu tết, làm cơm tất niên và đi tảo mộ.

5. Những hoạt động ngày Tết

Các hoạt động vào dịp tết được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2015 là Chụp ảnh tết, Dành thời gian cho gia đình và Đi du lịch. Các hoạt động khác có thể kể đến đi đường hoa, về quê ăn tết, đi chùa, đi chợ hoa, đi xem phim, xem hài tết, thăm hỏi họ hàng, chúc tết và đi thăm thầy cô.

Địa điểm ăn chơi: giới trẻ bắt đầu lên kế hoạch đi chơi hay hẹn hò tại những địa điểm nổi tiếng tại địa phương nơi mình sinh sống, nhưng chủ yếu là các quán ăn, rạp chiếu phim hay công viên, quảng trường lớn.

6. Nhạc Tết

Những ca khúc được nhắc đến nhiều nhất vào dịp tết vẫn tập trung xoay quanh những bài hát truyền thống như “Ngày Tết quê em”, “Happy new year”, “Mùa xuân ơi”, “Xuân đã về”… Bài hit “Con bướm xuân” của ca sỹ Hồ Quang Hiếu vẫn còn khá nóng trên cộng đồng mạng mùa Tết năm nay, cũng như được nhắc đến trong nhiều thảo luận so sánh bản hit này với ca khúc xuân mới cho dịp tết 2015 (không thu hút bằng) của anh là bài hát “Chúc mừng năm mới”.

7. Phim Tết

Các bộ phim của Việt Nam thường được chú ý hơn cả vì được dành riêng để phục vụ cho ngày Tết Nguyên Đán.

8. Hài Tết

TÁO QUÂN 2015 là chương trình hài gây nhiều sự chú ý nhất trên mạng xã hội vào dịp Tết 2015 (11,676 thảo luận) và nhận được khá nhiều nhận xét trái chiều từ các fan hâm mộ. Nhiều đổi mới về cách dựng và nội dung khiến chương trình hay và nhẹ nhàng hơn, hay đang làm nó nhàm chán và thiếu điểm nhấn?

Nhiều người bày tỏ sự biết ơn đối với cố gắng đổi mới của các nghệ sỹ và mong muốn chương trình được tiếp tục duy trì mỗi năm, lại có nhiều ý kiến thể hiện sự thất vọng lại cho rằng nếu nội dung cứ nhạt như vậy thì thà không làm còn hơn.

Tóm lại, dù có thất vọng, chỉ trích hay thích thú, ủng hộ thì đều xuất phát từ sự yêu mến và kỳ vọng đối với chương trình - một món ăn tinh thần, một hoạt động không thể thiếu vào dịp tết với rất nhiều người, góp phần mang lại cái cảm xúc, không khí đặc trưng của một dịp Tết nguyên đán ở Việt Nam.

9. Tiền lì xì

Đây là chủ đề chưa bao giờ hết “hot” trong mỗi dịp Tết, đặc biệt đối với những học sinh, sinh viên chưa đi làm. Sau mỗi đợt Tết, các bạn trẻ thường có xu hướng tổng kết xem mình được bao nhiêu tiền lì xì, thậm chí với thời đại ngày nay, Facebook còn trở thành nơi khoe tiền của các học sinh “nhà giàu”.

10. Giá vé tàu xe ngày Tết

Cũng như mọi năm, mua vé xe về nhà ăn tết là cơn ác mộng của nhiều người, nhất là đối tượng có thu nhập thấp như sinh viên, người lao động phổ thông. Ngoài phải tranh nhau mua vé vào dịp cao điểm, giá vé tăng cao, những ngừơi quyết định về quê ăn tết còn phải chịu cảnh xe đò hay có tình trạng nhét thêm người giữa chặng, trên xe chen lấn rất vất vả.

11. F.A làm gì trong dịp Tết?

F.A – những người chưa có người yêu làm gì trong dịp lễ này luôn là chủ đề được bàn tán nhiều. Tuy nhiên, hảo luận với thái độ tích cực về chủ đề F.A. trên mạng xã hội dịp tết vừa qua khá áp đảo so với các thảo luận tiêu cực.

Cư dân mạng đón nhận F.A. như một trào lưu mới, nhìn nhận F.A như một chủ đề vui nhộn và không quá nghiêm túc, nhắc đến nó trong nhiều bình luận hài hước, dí dỏm, hình ảnh chế hay rủ nhau lập hội đi chơi Tết.

12. Thưởng Tết

Thưởng Tết là một khoản tiền quan trọng để trang trải cho các khoản chi tiêu hay phát sinh dịp Tết. Vì vậy, đây là chủ đề khá nhạy cảm được nhiều người quan tâm: có thưởng thì mới được an tâm hưởng một mùa tết trọn vẹn hơn.

13. Tết xưa và Tết nay

Trong các thảo luận về quan niệm về Tết xưa và nay nay, các thảo luận có thái độ tích cực chiếm đa số (65%) xoay quanh việc thể hiện sự trân trọng và giữ gìn các truyền thống đẹp ngày Tết trong cuộc sống hiện đại, sự háo hức của người dân được đón một cái tết hoành tráng, nhiều hoạt động giải trí hơn khi kinh tế phát triển.

Các thảo luận tiêu cực đề cập đến áp lực lo toan việc nhà của người phụ nữ trong những ngày tết, dẫn đến cảm xúc sợ tết, chán tết, và những xung đột trong gia đình vì người phụ nữ hiện đại không giỏi chuyện bếp núc trong dịp Tết.

Chủ đề tiêu cực cũng bày tỏ nỗi lo trước nhiều khoản chi tốn kém cho dịp tết như quà cáp, lì xì, sắm sửa; phê phán những hoạt động tiêu cực như thiếu ý thức công cộng của người dân đi chơi tết, bạo lực hay làm giả thực phẩm Tết; vấn đề người ta thấy hờ hững hơn với cái tết hiện đại khi mọi thứ đã quá đầy đủ tiện nghi; và việc người trẻ đang dần quay lưng với truyền thống gia đình trong dịp Tết.

14. Quảng cáo ngày Tết

Quảng cáo tết của các thương hiệu được nói là một trong dấu hiệu cho thấy tết sắp về. Trong số các quảng cáo mùa tết thì có các thương hiệu có quảng cáo ấn tượng nhất 2014 tiếp tục được nhắc đến nhiều nhất vào năm 2015 như Neptune, Pepsi, Omo, Vinacafe, Coca-cola…

15. Xem bói đầu năm

Hoạt động xem bói ngày Tết cũng diễn ra sôi nổi. Hai hình thức bói được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội dịp Tết vừa rồi là bói vận mạng 12 cung hoàng đạo của phương Tây (được giới trẻ quan tâm nhiều nhất, đăng tải chủ yếu trên các kênh dành cho giới trẻ như yeah1 và Yan) và bói tử vi theo 12 con giáp của phương Đông.

Thư Anh

Cùng chuyên mục
XEM