Liệu sẽ có đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4?

07/06/2023 14:45 PM | Kinh tế vĩ mô

Các chuyên gia cho rằng vẫn còn dư địa để Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong năm nay. Đồng thời, cuộc họp giữa tháng 6 này của FED sẽ là một trong các nhân tố chính tác động đến quyết sách lãi suất thời gian tới.

Liệu sẽ có đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4? - Ảnh 1.

Ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm 0,5 điểm % một loạt lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5%/năm. Đây là lần thứ 3 liên tiếp NHNN điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành trong hơn 2 tháng qua.

Mặc dù lãi suất điều hành đã giảm, song các số liệu lại đang cho thấy chi phí tiếp cận vốn vay của nền kinh tế vẫn ở mức cao. Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2023 lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,6-11,2%/năm, vẫn chưa thay đổi nhiều so với đầu năm (9,4-11,2%/năm). Ngoài ra, tại phiên họp Chính phủ Tháng 5/2023 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thông tin thêm, lãi suất cho vay của các khoản vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07%, đã giảm nhẹ song vẫn còn ở mức cao.

Không ít doanh nghiệp và người tiêu dùng cho rằng, mặc dù đã giảm lãi suất điều hành song mức giảm chưa đủ mạnh. Ngân hàng Nhà nước cần hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa và quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng việc hạ lãi suất điều hành 3 lần vừa qua của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp và kịp thời. Đồng thời, cần thời gian để chính sách có thể thẩm thấu vào nền kinh tế và tác động đến lãi suất huy động và cho vay. Ngoài ra, phần lớn cũng đồng tình với việc lãi suất chính sách có thể hạ thêm một lần nữa trong năm nay.

Tại chương trình “Cafe Sáng cùng LM2: Thanh khoản gia tăng, chọn mặt gửi vàng”, do Công ty chứng khoán Mirae Asset (MAS) tổ chức mới đây, ông Bùi Tiến Đức, trưởng phòng tư vấn đầu tư MAS cho biết, sau những đợt giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay đã bắt đầu giảm. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để nhìn thấy những tác động rõ nét hơn của chính sách. Đồng thời, đang có nhiều chỉ báo cho thấy, ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để hạ lãi suất điều hành.

Cụ thể, các số liệu vừa được Tổng cục Thống kê cho thấy, đến tháng 5 lạm phát chỉ quanh mức 2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khống chế dưới 4% mà Quốc Hội đề ra. Bên cạnh đó, giá dầu hiện đang ổn định quanh mức 70 USD/thùng. Cùng lúc nhiều dự báo cho thấy kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khu vực Âu Mỹ đang không khả quan và nhu cầu dầu sẽ khó bùng nổ ngay trong năm nay. Việc giá dầu được neo ở mức thấp sẽ là một điều kiện hỗ trợ khá tốt cho việc kiểm soát lạm phát.

“Khi lạm phát thấp, NHNN sẽ có nhiều dư địa hơn trong việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành”, ông Bùi Tiến Đức đánh giá.

Ông Đức nói thêm, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng từ 3,4% lên 3,7%. Ngoài ra, lạm phát đang giảm dần. Phần lớn giới phân tích đang nhìn nhận chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang đi đúng hướng. Khả năng cao cơ quan này sẽ giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp sắp tới. Theo đó, áp lực lên mặt bằng lãi suất của Việt Nam là không quá cao như trước đây.

Tại chương trình Khớp Lệnh được phát trên nền tảng VTV Digital ngày 30/05, ông Nguyễn Minh Hoàng - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt lại cho rằng hành động của FED vẫn khó đoán định. Hiện tại vẫn còn quá sớm để nghĩ đến lần hạ lãi suất điều hành thứ 4.

Theo ông Hoàng, nếu lãi suất điều hành tiếp tục giảm, chi phí huy động tại các ngân hàng sẽ tiếp tục đi xuống. Tuy nhiên, có một lượng lớn sổ tiết kiệm gửi hồi cuối năm 2022, đầu năm 2023 (giai đoạn lãi suất cao) sắp đáo hạn. Nếu lãi suất huy động tiếp tục hạ, dòng tiền này có thể sẽ cảm thấy việc gửi tiết kiệm kém hấp dẫn và đi ra khỏi kênh tiền gửi. Đồng thời, điều này sẽ gây áp lực lên việc huy động của các ngân hàng.

“Hiện tại vẫn còn hơi sớm để Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành. FED vẫn còn một kỳ họp FOMC vào giữa tháng 6. Gần đây, giới đầu tư lại cho rằng cơ quan này có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Nếu điều này thành hiện thực vấn đề thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và tỷ giá có thể sẽ chịu thêm áp lực”, ông Minh Hoàng chia sẻ.

Ở góc nhìn của ông Trần Ngọc Báu - Tổng giám đốc công ty dữ liệu Wi Group, thanh khoản hệ thống ngân hàng nhìn chung dư thừa nhẹ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tổng tín dụng trong nền kinh tế vẫn đang cao hơn so với huy động. Ngoài ra, vừa qua nợ xấu nội bảng của các nhà băng có nhích lên. Cùng lúc, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại giảm nhanh. Dù đã có các chính sách giãn hoãn, tái cơ cấu nợ, song những vấn đề này vẫn đang gây ra áp lực không nhỏ lên thanh khoản các ngân hàng.

“Dù Ngân hàng Nhà nước có bơm thêm thanh khoản, các ngân hàng vẫn sẽ có xu hướng bảo vệ mình trước bằng việc tích trữ tiền thay vì đẩy mạnh cho vay, bởi nợ xấu đang tăng và tỉ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh. Lãi suất chính sách có thể giảm tiếp nhưng lãi suất cho vay hoặc lãi suất huy động sẽ giảm chậm hơn” - ông Trần Ngọc Báu nhận định.

Theo Văn Tuệ

Cùng chuyên mục
XEM