Liên tục gọi đối tác vào nửa đêm, Huawei đua với thời gian khi trừng phạt của Mỹ "sát nút"

28/08/2020 14:25 PM | Công nghệ

Huawei cùng mạng lưới các nhà cung cấp đang chạy đua với thời gian để kịp thời mua vào lượng lớn chip điện thoại di động từ Mỹ trước khi lệnh cấm của Washington có hiệu lực.

Huawei chạy nước rút

Theo đó, nguồn tin từ Nikkei Asian Review cho biết tập đoàn sản xuất di động lớn nhất của Trung Quốc được cho đang tích trữ các vi xử lý 5G, wifi, và một loạt các bộ phận thiết yếu khác từ những công ty sản xuất chip như MediaTek, Realtek, Novatek, và RichWave.

Đây đều là những chip xử lý đóng vai trò trọng yếu đối với mảng kinh doanh điện thoại của Huawei.

Trước đó, ngày 17/8, Mỹ đã đã tuyên bố lệnh cấm các nhà sản xuất chip nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ để cung cấp sản phẩm cho Huawei, trừ khi trong trường hợp có giấy phép đặc biệt.

Tuy nhiên, các công ty này vẫn được phép hoàn thành những đơn hàng đặt từ thời điểm lệnh cấm được công bố, nhưng sẽ không muộn hơn ngày 14/9.

Theo nhiều chuyên gia, nếu sử dụng hết số chip dự trữ mà không tìm được nguồn thay thế, quy mô sản xuất điện thoại di động của Huawei có thể giảm tới 75% vào năm tới.

Chấp nhận sản phẩm chưa hoàn thiện

Để kịp hoàn thiện đơn hàng trước thời hạn chính phủ Mỹ đặt ra, nhiều nhà cung cấp vi xử lý thậm chí đồng ý xuất xưởng sản phẩm mới hoàn thiện một nửa hoặc còn chưa được kiểm tra chất lượng.

"Gần đây, Huawei thường xuyên gọi cho đối tác vào lúc 4h sáng hoặc có các cuộc điện thoại vào giữa đêm", một nguồn tin cho biết. "Có thể nói, Huawei hiện đang kích hoạt chế độ sống còn và thường xuyên phải thay đổi các kế hoạch".

Một công ty cung cấp vi xử lý nói với Nikkei rằng, mặc dù hoàn toàn chấp thuận quyết định của chính phủ Mỹ, công ty này vẫn cố gắng đáp ứng nhu cầu của khách hàng với việc xuất xưởng sản phẩm chưa hoàn thiện hoặc chưa kiểm tra kĩ thuật.

Các công ty sản xuất chip bộ nhớ như Samsung Electronics, SK Hynix, hay sản xuất ống kính máy ảnh Largan Precision và Sunny Optical Technology, cũng đang cố gắng sản xuất kịp thời điểm hạn cuối 14/9 để chuyển sản phẩm cho Huawei, do hầu hết quá trình sản xuất của các công ty này đều sử dụng công nghệ và phần mềm phát triển tại Mỹ.

Quy mô và tính bất ngờ của lệnh cấm được cho là nặng nhất từ Washington đối với Huawei, đã gây bất ngờ lớn cho thị trường công nghệ toàn cầu.

"Toàn bộ chuỗi cung ứng đang phải tính toán về thiệt hại có thể đến sau ngày 15/9, và chúng tôi vẫn chưa thể tính toán cụ thể tác động của lệnh cấm này đối với tình hình doanh thu", giám đốc một công ty cung cấp chip cho Huawei nói.

Lệnh cấm là mối đe doạ nghiêm trọng đối với Huawei, bởi các công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ, từ phần mềm cho tới thiết bị và vật liệu, là một phần trọng yếu trong chuỗi cung ứng chip xử lý toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu Mỹ không dỡ bỏ lệnh cấm, kể cả khi đã đã tích trữ được lượng chip xử lý dự trữ, mảng sản xuất điện thoại của Huawei sẽ bị giáng một đòn nặng nề. Sẽ rất khó khăn để thiết kế sản phẩm mới với các mẫu chip cũ

Trước đó, Nikkei đưa tin Huawei đã tích trữ lượng chip xử lý cho mảng điện thoại và viễn thông đủ cho 2 năm sản xuất.

Vào cuối tháng 5, công ty này đã xác nhận thông tin trên khi cho biết đã bỏ ra 23,45 tỷ USD để mua vào chip xử lý, các vật liệu và cấu phần đi kèm từ năm 2019, tăng 73% so với năm trước đó.

Các công ty sản xuất chip như Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) và Semiconductor International Manufacturing của Trung Quốc, vốn được cho sử dụng công nghệ của Mỹ trong sản xuất, đã bị cấm nhận thêm đơn đặt hàng cho Huawei và công ty con HiSilicon Technologies nếu không có giấp phép đặc biệt.

TSMC cũng đã xác nhận sẽ không thể cung cấp chip xử lý cho Huawei sau ngày 14/9.

Các lệnh cấm của Mỹ vốn đã khiến năng lực sản xuất chip của Huawei tê liệt. Người đứng đầu bộ phận hàng điện tử tiêu dùng của Huawei Richard Yu, cho biết mẫu chip xử lý Kirin do Huawei sản xuất vốn được sử dụng cho các mẫu điện thoại hiện đại nhất của hãng này, sẽ khó có thể tiếp tục phát triển sau bước đi mới nhất của Washington.

Trước đó, mảng sản xuất di động của Huawei đã chính thức vượt qua Samsung trong quý 2 vừa qua để trở thành công ty sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới.

"Gần như không khả thi để Huawei và các nhà cung cấp chính của họ có thể loại bỏ công nghệ Mỹ trong thời gian ngắn", Jeff PU, một chuyên gia công nghệ cho biết. "Huawei sẽ vẫn có thể sản xuất khoảng 195 triệu điện thoại trong năm nay nhờ nguồn cung dữ trự, nhưng vào năm tới, con số này sẽ giảm xuống còn 50 triệu nếu lệnh cấm của Mỹ vẫn được duy trì".

Minh Khôi

Cùng chuyên mục
XEM