Lịch sử đối đầu giữa hai ‘đế chế’ Facebook và Apple

26/12/2020 20:04 PM | Kinh doanh

Nếu tò mò về ‘đại chiến’ đang diễn ra giữa Facebook và Apple, đây là tất cả những gì bạn cần biết.

Cuộc chiến giữa Mark Zuckerberg và Tim Cook đang “nóng” lên từng ngày. Tuần này, Facebook mua quảng cáo trên New York Times phản đối cập nhật mới nhất trên iOS 14. Quảng cáo viết: “Chúng tôi đứng lên chống lại Apple thay mặt doanh nghiệp nhỏ khắp nơi”.

Dù đây là lần đầu Facebook chỉ trích trực tiếp Apple, nó lại không phải xung đột đầu tiên giữa hai “ông lớn” công nghệ thế giới. Cook và Zuckerberg đã chạm trán nhau ít nhất từ năm 2014 về mô hình kinh doanh và sản phẩm của nhau.

2014

Tháng 9/2014, CEO Apple thực hiện cuộc phỏng vấn về nhiều chủ đề với nhà báo Charlie Rose trên YouTube. Cuộc phỏng vấn diễn ra vài tuần sau bê bối rò rỉ ảnh khỏa thân của nhiều sao nữ từ tài khoản iCloud. Cook ủng hộ cam kết của Apple với quyền riêng tư, trong khi chỉ trích mô hình kinh doanh của các đối thủ như Google và Facebook.

“Tôi cho rằng mọi người phải đặt câu hỏi các công ty ấy kiếm tiền như thế nào. Nếu họ kiếm tiền chủ yếu bằng thu thập dữ liệu cá nhân, tôi nghĩ bạn có quyền lo lắng. Bạn nên thực sự hiểu điều gì xảy ra với dữ liệu đó”.

Không lâu sau, ông củng cố lập trường của mình trong lá thư công khai đăng trên mục bảo mật của website Apple. “Vài năm trước, người dùng dịch vụ Internet bắt đầu nhận ra khi một dịch vụ trực tuyến miễn phí, họ không phải khách hàng. Họ chính là sản phẩm”.

Những bình luận của Cook khiến Zuckerberg “nổi điên”. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time cùng năm 2014, CEO Facebook gọi đây là điều “nực cười”, không quên phê phán mức giá đắt đỏ của các sản phẩm Apple.

2018

Năm 2018, thế giới rúng động sau tiết lộ hãng tư vấn Cambridge Analytica khai thác dữ liệu trái phép của 50 triệu người dùng Facebook. Trong cuộc phỏng vấn với hai tờ Recode và MSNBC các tháng sau đó, Cook được hỏi ông sẽ làm gì nếu ở vị trí của Zuckerberg.

Cook đáp lại: “Tôi sẽ làm gì à? Tôi sẽ không để điều đó xảy ra”.

Người đứng đầu Apple cho rằng Facebook nên tự quản lý khi nói tới dữ liệu người dùng. Ông cũng lặp lại quan điểm Facebook xem người dùng như sản phẩm của họ. “Sự thực là, chúng tôi có thể kiếm cả núi tiền nếu kiếm tiền từ khách hàng, nếu khách hàng của chúng tôi là sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi lựa chọn không làm như vậy”.

Khi tham gia chương trình The Ezra Klein Show, Zuckerberg bác bỏ ý tưởng Facebook không tập trung phục vụ mọi người và một lần nữa chỉ trích việc Apple bán sản phẩm với giá “trên trời”. “Tôi nghĩ điều quan trọng là không phải tất cả chúng ta đều mắc hội chứng Stockholm và để cho các công ty thu nhiều tiền từ bạn thuyết phục rằng điều đó nghĩa là họ quan tâm tới bạn hơn. Điều này với tôi nghe thật là nực cười”. Hội chứng Stockholm mà ông nhắc đến mô tả trạng thái tâm lý của một con tin lâu ngày, chuyển từ sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm với kẻ bắt cóc.

Đó là những gì diễn ra công khai, còn hậu trường thì sao? Tháng 11/2018, New York Times có bài viết bom tấn nêu chi tiết sự vụ Cambridge Analytica. Tờ báo viết bình luận của Cook đã “chọc giận” Zuckerberg và ông yêu cầu mọi nhân viên trong nhóm quản lý đang dùng iPhone phải chuyển sang Android.

Facebook phủ nhận thông tin này và khẳng định từ lâu, họ khuyến khích nhân viên và lãnh đạo dùng Android vì đây là hệ điều hành phổ biến nhất thế giới.

Lịch sử đối đầu giữa hai ‘đế chế’ Facebook và Apple - Ảnh 1.

Facebook mua quảng cáo báo giấy chỉ trích Apple. Ảnh: Dave Stangis

2020

Trong cuộc họp toàn cơ quan, Zuckerberg công khai chỉ trích Apple, nói rằng công ty như một người gác cổng kiểm soát mọi thứ trên điện thoại. Ông còn nói rằng App Store cản trở đổi mới, cạnh tranh và cho phép “thu phí độc quyền”.

Các nhà phát triển năm nay phản đối mạnh mẽ Apple, đáng chú ý nhất là cuộc chiến giữa nhà sản xuất game Epic với “táo khuyết”, vì mức phí hoa hồng 30% với mỗi giao dịch mua sắm trên App Store. Gần đây, Apple còn chặn một cập nhật trên ứng dụng Facebook vì thông báo cho người dùng về mức phí mà Apple thu.

Tháng 6, Apple giới thiệu iOS 14, phiên bản hệ điều hành mới cho iPhone năm nay. Trong phiên bản này, nhà phát triển ứng dụng phải xin phép người dùng trước khi thu thập và theo dõi dữ liệu của họ. Dù ảnh hưởng đến mọi người viết ứng dụng iOS, nó sẽ tác động trực tiếp đến việc kinh doanh của Facebook: Facebook dùng khả năng theo dõi dữ liệu để phục vụ quảng cáo mục tiêu.

Trên blog hồi tháng 8, Facebook viết họ có thể phải đóng cửa Audience Network cho iOS, công cụ cá nhân hóa quảng cáo trong các ứng dụng bên thứ ba. “Đây không phải thay đổi chúng tôi mong muốn nhưng không may, bản cập nhật iOS 14 của Apple buộc chúng tôi phải ra quyết định này”.

Khiếu nại từ Facebook và các nhà phát triển khác khiến Apple phải hoãn kích hoạt tính năng sang năm 2021 để cho họ thời gian thực hiện thay đổi cần thiết.

Gần đây nhất, Facebook đổ thêm dầu vào lửa cuộc chiến bằng việc mua quảng cáo toàn trang trên nhiều tờ báo như New York Times, Washington Post, Wall Street Journal. Công ty khẳng định thay đổi trong iOS 14 sẽ làm tổn thương những doanh nghiệp nhỏ đang quảng cáo trên nền tảng Facebook.

Đáp lại điều này, người phát ngôn Apple khẳng định: “Người dùng nên biết khi nào dữ liệu của họ được thu thập và chia sẻ trên các ứng dụng, website, và họ nên có lựa chọn cho phép hay không”.

Năm 2021, Epic Games sẽ gặp Apple tại tòa trong phiên xét xử với cáo buộc Apple thực hiện hành vi hành phi phản cạnh tranh. Dù Facebook không tham gia vụ kiện, có thông tin mạng xã hội sẽ trợ giúp Epic Games trong phiên xử.


Du Lam

Từ khóa:  apple , Facebook
Cùng chuyên mục
XEM