Lịch sử cho thấy việc Elon Musk ‘tuyên chiến’ với Apple chưa chắc sẽ tạo ra thay đổi
Elon Musk được coi là “tân binh” trong cuộc chiến đặc biệt đã diễn ra trong ngành công nghệ nhiều năm nay.
Mới đây, tỷ phú Elon Musk đã gây bất ngờ khi tuyên bố gã khổng lồ Apple ngừng quảng cáo trên Twitter và dọa xóa Twitter khỏi App Store. Để đáp trả, Musk cho biết nếu điều đó xảy ra, ông sẽ cân nhắc làm smartphone riêng.
Bên cạnh đó, tỷ phú 51 tuổi còn liên tục chỉ trích khoản phí hoa hồng 30% mà Apple thu của nhiều nhà phát triển ứng dụng trên App Store. Thậm chí, ông còn đăng ảnh chế về hai làn đường với lựa chọn “Trả 30%” hoặc “Tham chiến”.
Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng một cuộc chiến giữa hai ông lớn công nghệ có thể sắp nổ ra.
Theo Business Insider, Musk là “tân binh” trong cuộc chiến đặc biệt đã diễn ra trong ngành công nghệ nhiều năm nay. Từ các nhà phát triển ứng dụng độc lập đến các CEO công nghệ đều chỉ trích sự “độc quyền” của Apple đối với kho ứng dụng App Store khi yêu cầu sử dụng dịch vụ xử lý thanh toán nội bộ.
Tuy nhiên, Musk được cho là nhân vật nổi tiếng nhất thách thức Apple và lập trường rất công khai của ông đã làm rõ thêm vấn đề mà nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào ứng dụng đã và đang trải qua.
Đối với Musk - người đã tuyên bố ý định biến Twitter thành một "ứng dụng cung cấp mọi thứ", từ kết nối mạng xã hội cùng, mua sắm và các hình thức thanh toán trực tuyến khác, việc phải chia 30% phí hoa hồng cho Apple có thể gây ra một lực cản đáng kể đối với việc kinh doanh của công ty.
Rick VanMeter - người đứng đầu Liên minh vì sự công bằng của ứng dụng, chia sẻ: “Thật là độc đáo khi người giàu nhất thế giới cũng gặp phải những vấn đề tương tự một nhà phát triển ứng dụng nhỏ”.
Thế nhưng, theo đánh giá của Business Insider, sự giàu có và tầm ảnh hưởng của Musk có thể không đủ để xoay chuyển tình thế. Trong những năm qua, Apple đã thành công trong việc chống lại các vụ kiện, các cơ quan quản lý từ khắp nơi trên thế giới và nhiều ông lớn trong ngành công nghệ.
Những gì đã xảy ra trước đây có thể không đứng về phía Musk. Đến nay, chưa ai thành công trong việc khiến Apple thay đổi quy định về thanh toán trong App Store.
Sự việc xảy ra năm 2020, khi Epic Games đâm đơn kiện vì game cực kỳ nổi tiếng "Fortnite" của họ bị rút khỏi App Store vì giảm giá cho người dùng nếu sử dụng các phương thức thanh toán không phải của Apple để thực hiện giao dịch trong game.
Cuối năm 2021, phán quyết được thẩm phán đưa ra được đánh giá là phần lớn có lợi cho Apple. Theo đó, tòa không thấy có vấn đề gì với việc Apple yêu cầu Epic và nhiều nhà phát triển khác trả 30% doanh thu có được từ App Store. Đồng thời, tòa cho rằng Apple cũng không làm sai luật khi yêu cầu nhà phát triển phải dùng Apple Pay để giao dịch trong game.
Với chính sách “cấm điều hướng thanh toán” của Apple (điều ngăn các nhà phát triển chuyển hướng thanh toán sang một cổng thuộc bên thứ ba), tòa án đưa ra kết luận rằng những điều luật do Apple đưa ra chỉ trái với quy định của bang California và vẫn đúng khi xét tới bộ luật liên bang.
Như vậy, có thể nói, các nỗ lực nhằm xoáy sâu vào những vấn đề trên của Epic đều đã thất bại. Cả hai bên hiện đang kháng cáo, khiến kết quả cuối cùng và tác động của cuộc xung đột pháp lý vẫn chưa ngã ngũ.
Dù vậy, Epic đã thành công trong việc gây áp lực buộc Apple phải thay đổi cách thức của mình. Ngay sau khi đơn kiện được đệ trình, một nhóm các công ty bao gồm Spotify, công ty mẹ của Tinder, Tile và Blockchain.com đã thành lập Liên minh vì sự công bằng của ứng dụng, hoạt động với mục tiêu ủng hộ sự công bằng hơn của các ứng dụng trong thị trường.
Liên minh đã đưa ra 10 nguyên tắc mà họ muốn tất cả các kho ứng dụng tuân theo, bao gồm yêu cầu loại bỏ "các khoản phí hoặc chia sẻ doanh thu không công bằng, không hợp lý hoặc phân biệt đối xử" cùng lời kêu gọi để cho phép các nhà phát triển ứng dụng giao tiếp trực tiếp hơn với người dùng.
VanMeter – một thành viên của Liên minh vì sự công bằng của ứng dụng, cho biết sự chú ý mới đến mức phí 30% của App Store nhấn mạnh lại vấn đề và sự cần thiết của các giải pháp lập pháp.
Các cơ quan quản lý tại Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và các quốc gia khác có lượng người dùng iPhone đáng kể cũng đã để ý đến phương thức thanh toán trên App Store của Apple.
Tuy nhiên, ngay cả ở những nơi mà Apple phải đối mặt với các luật mới hạn chế một số quyền lực của mình, gã khổng lồ công nghệ không phải lúc nào cũng thể hiện sự tuân thủ đầy đủ.
Tất cả những điều đó đặt ra câu hỏi rằng liệu Musk có thể thành công trong việc gây áp lực khiến Apple phải thay đổi hay không. Tuy nhiên, một nhà phân tích nhận định rằng tầm ảnh hưởng của vị tỷ phú ít nhất cũng làm thay đổi mọi thứ ở một mức độ nào đó.
Mahaney chia sẻ: “Tôi không biết liệu mọi thứ có thay đổi không và cách Elon Musk đối đầu với Apple như thế nào nhưng tiếng nói của ông ấy rất quan trọng”.
Nguồn: BI