Lẩu Haidilao, gà rán KFC biến ông chủ thành tỷ phú từ quán ven đường, tại sao Việt Nam chưa có tỷ phú súp lươn Nghệ An, hủ tiếu Mỹ Tho...?

10/10/2020 21:11 PM | Kinh doanh

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tư tưởng coi thường nghề phục vụ, nghề bán hàng đường phố vẫn còn ở Việt Nam.

Trên thế giới, rất nhiều người đã thành tỷ phú nhờ các món ăn đường phố . Ở Việt Nam, ẩm thực Việt được du khách quốc tế ưa chuộng. Tuy nhiên, các chuỗi còn nhỏ và cần tư duy của người trẻ để đưa phở, bánh mì, cà phê ra thế giới.

Những người bán món ăn đường phố trở thành tỉ phú thế giới

Trên thế giới, rất nhiều người lập nghiệp từ các món như lẩu, gà rán… và trở thành những tỉ phú lừng danh như ông chủ của KFC , McDonalds….

Ông Zhang Yong (người Trung Quốc) – ông chủ chuỗi lẩu Haidilao, cũng nằm trong danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới của Forbes. Chuỗi lẩu Haidilao cũng đã có mặt tại TPHCM và Hà Nội.

 Lẩu Haidilao, gà rán KFC biến ông chủ thành tỷ phú từ quán ven đường, tại sao Việt Nam chưa có tỷ phú súp lươn Nghệ An, hủ tiếu Mỹ Tho...?  - Ảnh 1.

Ông Trang Yong, nhà sáng lập Haidilao.

Haidilao ban đầu chỉ là quán lẩu nhỏ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, được Zhang Yong thành lập vào năm 1994. Nhờ chất lượng phục vụ đặc biệt, Haidilao nhanh chóng vượt qua các đổi thủ địa phương và vươn ra thế giới.

Vào Việt Nam năm 2019, Haidilao vẫn giữ nguyên một số dịch vụ như phục vụ đồ ăn nhẹ, nước uống miễn phí cho khách ngồi chờ, khách hàng nữ sẽ được làm móng miễn phí. Trước khi ăn, khách sẽ được phát chun buộc tóc, khăn lau mắt kính… và màn múa mì cho thực khách.

Người sáng lập ra chuỗi này, ông Zhang Yong, từng có tên trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Và bây giờ, doanh nhân 50 tuổi đã trở thành người giàu nhất Singapore sau khi nhập quốc tịch nước này vào năm ngoái. Theo danh sách 50 người giàu nhất Singapore do Forbes mới công bố, ông Zhang có tài sản ròng ước tính trị giá 13,8 tỷ USD khi xây dựng chuỗi lẩu với gần 500 nhà hàng trên toàn thế giới.

Ông chủ Haidilao quê ở Tứ Xuyên, Trung Quốc và trải qua tuổi trẻ gian khó. Ông mở một quán lẩu nhỏ với 4 ghế từ những đồng tiền dành dụm được và vay mượn của người thân bạn bè. Và đến nay, nhờ khác biệt, chăm sóc khách hàng tận tâm, chuỗi Haidilao là cái tên được giới ẩm thực nhắc đến nhiều.

"Ở Việt Nam, người giàu từ món ăn đường phố có nhưng chưa nhiều"

Trong sự kiện liên quan đến đưa món ăn dân dã vào khách sạn 5 sao, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đã có những chia sẻ với Trí Thức Trẻ bên lề sự kiện, xung quanh câu chuyện ẩm thực Việt Nam.

 Lẩu Haidilao, gà rán KFC biến ông chủ thành tỷ phú từ quán ven đường, tại sao Việt Nam chưa có tỷ phú súp lươn Nghệ An, hủ tiếu Mỹ Tho...?  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Ảnh: Đỗ Lan

Ông Nguyễn Phú Thọ cho rằng Việt Nam có nhiều người làm giàu từ món ăn đường phố nhưng chưa nhiều. Chẳng hạn, rất nhiều thương hiệu về phở gà, bánh mì, phở bò… đã nổi tiếng. Tuy nhiên, quy mô chưa lớn.

Theo ông Phú Thọ, tư tưởng coi thường nghề phục vụ, nghề bán hàng đường phố vẫn còn ở Việt Nam. Nhưng thực tế trên thế giới, rất nhiều người đã làm giàu từ bán thức ăn đường phố. Đó là những nhà sáng lập của KFC, McDonalds…

“Món ăn của Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Nhiều người nước ngoài rất thích. 40 món ngon của Việt Nam đã lên CNN”, ông Phú Thọ nói.

Một trong những lý do mà ông Phú Thọ đưa ra, đó là suy nghĩ, có thì giữ và làm nhỏ, đủ ăn, đủ tiêu, đủ cho con cái học hành là ổn. Do đó, khó phát triển thành chuỗi lớn.

Ông Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ với Tri Thức Trẻ, mong ước của người làm du lịch là làm sao để đưa được món ăn Việt ra thế giới, đó cũng là một trong những cách để thu hút khách du lịch.

Trong Covid, Việt Nam kiểm soát tốt được đại dịch, trong khi đó thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp, do đó du lịch nội địa vẫn là điểm nhấn. Ẩm thực có thể nói là yếu tố thu hút du lịch bên cạnh du lịch biển, nghỉ dưỡng, sinh thái…

Một cách để đưa ẩm thực dân dã, đường phố đến với nhiều du khách hơn đó là đưa ẩm thực vùng miền vào khách sạn, để giới thiệu đến nhiều khách hơn, tiếp cận được nhiều người yêu ẩm thực Việt Nam hơn.

Hiện khách sạn Grand đã có khoảng 30 món ẩm thực địa phương như hủ tiếu Mỹ Tho, súp lươn Nghệ An, bánh hỏi thịt nướng Gò Công…

 Lẩu Haidilao, gà rán KFC biến ông chủ thành tỷ phú từ quán ven đường, tại sao Việt Nam chưa có tỷ phú súp lươn Nghệ An, hủ tiếu Mỹ Tho...?  - Ảnh 3.

Bún sườn hoa thanh long, một đặc sản vùng miền được đưa vào khách sạn Grand Sài Gòn.

Lớp trẻ sẽ là những người có khả năng quản lý bài bản, đưa ẩm thực Việt ra thế giới

Nói về chuyện đồ ăn Việt “được lòng” du khách nước ngoài nhưng các chuỗi thì chưa thể mở rộng, ông Nguyễn Hữu Thọ cho hay, dù đông khách nhưng nhiều chuỗi vẫn nhỏ vì có vài cơ sở là ngươi chủ hài lòng rồi.

 Lẩu Haidilao, gà rán KFC biến ông chủ thành tỷ phú từ quán ven đường, tại sao Việt Nam chưa có tỷ phú súp lươn Nghệ An, hủ tiếu Mỹ Tho...?  - Ảnh 4.

Bún cá dầm Bình Thuận.

Vấn đề là phải đưa văn hóa ẩm thực vào tư duy lớp trẻ. Chính lớp trẻ sẽ quản lý bài bản và họ mới dám mở chuỗi. Nếu vẫn giữ theo mô hình truyền thống, việc mở rộng sẽ rất khó khăn.

“Vấn đề là giải quyết tư duy trước. Và giải quyết tư duy thì phải giải quyết cho lớp trẻ trước”, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nhận định.

Đỗ Lan

Cùng chuyên mục
XEM