Lật tẩy mánh khóe kiếm hàng trăm nghìn USD của giới buôn giày chợ đen khiến những đôi như Air Jordan hay Yeezy có mức giá 'trên trời', hết bay chỉ sau vài giờ lên kệ

03/03/2021 10:35 AM | Kinh doanh

Trong khi các tín đồ sneaker phải trả mức giá trên trời cho những đôi Air Jordan hay Yeezy, một vài người buôn giày lại nhẹ nhàng bỏ túi hàng chục nghìn USD.

Ngày 30/7 vừa qua, Joe Hebert thức dậy sớm và lái xe đến một nhà kho nhỏ được anh thuê ở Eugene, Ore, Mỹ. Anh đang chờ một đơn hàng quan trọng: 600 đôi giày Yeezy Boost 350 Zyon. Được Adidas ra mắt từ 12 ngày trước, chúng được bán hết chỉ trong vài giờ và hiện chỉ còn hàng trên thị trường chợ đenvới mức giá cao hơn 100 USD so với giá bán lẻ niêm yết của hãng. 

Nhiều tín đồ sneaker (sneakerhead) sẽ cảm thấy cực kỳ may mắn khi có được dù chỉ 1 trong những đôi giày được săn lùng nhất trên thế giới. Adidas chỉ sản xuất 40.000 đôi giày Yeezy với mức giá bán lẻ 220 USD và bán thông qua website Yeezy Supply, ai may mắn thì sẽ có cơ hội mua được.

Khi đơn hàng kể trên tới, Joe Hebert 19 tuổi vốn được các khách hàng biết đến với cái tên West Coast Joe chất hàng trăm hộp giày nguyên đai, nguyên kiện bên ngoài nhà kho. "Để có được số giày này dễ lắm. Bán chúng cũng dễ nữa".

Lật tẩy mánh khóe kiếm hàng trăm nghìn USD của giới buôn giày chợ đen khiến những đôi như Air Jordan hay Yeezy có mức giá trên trời, hết bay chỉ sau vài giờ lên kệ - Ảnh 1.

Cách mua những đôi Yeezy "dễ" mà Joe nhắc tới kể trên là như thế này: Vào ngày mà Yeezy ra mắt, anh thức dậy vào 3 giờ sáng, đăng nhập vào một nền tảng nhắn tin có tên Discord và kích động 15 thành viên trong nhóm của mình – được gọi là Reseller (Người mua những mẫu giày hiếm, được ưa thích và bán lại với giá cao hơn). 

Khi đôi giày này chính thức lên kệ vào 1 giờ sau đó, nhóm của Joe khuấy tung website Yeezy Supple sử dụng những phần mềm máy tính chuyên biệt như Cybersole, Kodai và GaneshBot để giành được cơ hội mua giày. Hiểu đơn giản những phần mềm này đóng vai trò là các bot tự động, chiếm quyền mua gây ra tình trạng khan hàng mà người thật sự muốn mua thì không mua được còn 1 số người sẽ ôm được lượng hàng lớn để sau đó bán lại trên thị trường chợ đen.

Tất cả những người thuộc nhóm của Joe sau khi sử dụng các bot tự động và mua hàng thành công sẽ thanh toán bằng thẻ tín dụng của Joe. Đến khoảng 6 giờ sáng, mọi đôi giày Yeezy đã được bán hết và tổng giá trị các đơn hàng mà nhóm Joe mua được lên tới 132.000 USD. Sau đó, công ty của Joe là West Coast Streetwear bán lại số giày này cũng nhanh như cách anh mua được chúng vậy, nhẹ nhàng bỏ túi lợi nhuận 20.000 USD!

Hoạt động của các Reseller trong giới sneaker đã trở thành mảng kinh doanh lời lãi trong nhiều thập kỷ. Nhu cầu này xuất phát từ một sự cố vào năm 1985 khi Nike ra mắt dòng Air Jordan 1 và chứng kiến sự khan hàng nghiêm trọng, cung không đủ cầu. Tuy nhiên sau đó, một số nhà bán lẻ gom được hàng đã bắt đầu bán những đôi Air Jordan họ có với mức giá cao hơn mức giá bán lẻ 64,95 USD của Nike. 1 năm sau, công ty này chỉ giới hạn việc bán mẫu Air Jordan 3 tại 30 cửa hàng ở 19 thành phố và cộng thêm 40 USD vào giá bán. Đến khi Air Jordan 3 ra đời, mẫu này nổi tiếng đến mức Nike phải phải hành lại không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn không thể đáp ứng kịp nhu cầu của khách. 

Đến giai đoạn những năm 1990, khi eBay ra đời, giao dịch buôn bán sneaker trực tuyến càng thêm phát triển, đẩy doanh thu bán giày hàng năm trên eBay lên tới 388 triệu USD trong năm 2014 và các chuyên gia dự đoán rằng thị trường bán giày ở chợ đen đạt 1 tỷ USD. Tháng 7 năm ngoái, hãng nghiên cứu Cowen còn dự đoán rằng con số này đã tăng lên 2 tỷ USD chỉ riêng ở khu vực Bắc Mỹ.

Lật tẩy mánh khóe kiếm hàng trăm nghìn USD của giới buôn giày chợ đen khiến những đôi như Air Jordan hay Yeezy có mức giá trên trời, hết bay chỉ sau vài giờ lên kệ - Ảnh 2.

Thị trường sneaker bùng nổ đã tạo ra cơ hội lớn cho những người trẻ đầu cơ. Joe và những người bạn của mình là một ví dụ. Thị trường sneaker với họ giống như chơi chứng khoán vậy. Cố gắng mua thật nhiều ở mức giá bán lẻ sau đó trao tay bán lại ở mức giá trên trời và hưởng chênh lệch. Có một điểm khác biệt duy nhất giữa Joe với các nhà đầu tư cổ phiếu vốn phụ thuộc vào biến động thị trường đó là cuộc chơi của anh chắc chắn có lãi.

Đại dịch Covid-19 khiến mảng kinh doanh giày với những người như Joe càng thêm bùng nổ. Tháng 5 và 6 năm ngoái là giai đoạn cao điểm doanh thu với Joe. "Tôi nhớ rõ thời gian đó. Chỉ riêng tháng 5 chúng tôi kiếm được 600.000 USD".

Joe bắt đầu bàn giày từ khi còn học cấp 3 sau khi chứng kiến một vài chiếc áo Supreme của mình được bán trực tuyến với mức giá đắt gấp 2, 3 lần giá mua. Việc bán hàng trực tuyến phát triển càng giúp sức cho Joe và nhóm bạn của mình khi họ có thể dễ dàng sử dụng những bot tự động kể trên để kiếm được nguồn hàng số lượng lớn.

Thương vụ để đời của Joe đến vào tháng 1/2020. Thời điểm này anh vừa nghỉ học ở Oregen và quay lại Portland. Ở đây, anh nghe ngóng được tin một người đàn ông tìm thấy 4 đôi Nike Air Mag trong nhà kho cũ và có ý định bán lại.

Lật tẩy mánh khóe kiếm hàng trăm nghìn USD của giới buôn giày chợ đen khiến những đôi như Air Jordan hay Yeezy có mức giá trên trời, hết bay chỉ sau vài giờ lên kệ - Ảnh 3.

Chàng trai nhanh chóng tìm người đó và thương lượng mua 4 đôi giày với giá 22.000 USD. Không lâu sau, anh bán lại chúng, thu về 42.000 USD.

Tuy nhiên trong quá trình tìm hiểu về hoạt động kinh doanh của Joe, phóng viên Bloomberg tình cờ phát hiện ra số điện thoại mà Joe vẫn liên lạc thuộc về Ann Hebert – Phó chủ tịch Nike khu vực Bắc Mỹ, người đã làm việc suốt 25 năm tại Nike. 

Tiếp đến, trong báo cáo doanh thu của West Coast Streetwear được Joe gửi tới cho Bloomberg, phóng viên phát hiện ra rằng thẻ tín dụng American Express được sử dụng cho các giao dịch của công ty đều đứng tên của Ann Hebert.

Khi phóng viên bắt đầu hỏi Joe về mối liên hệ kể trên, anh này thừa nhận rằng Ann là mẹ anh và nói chính bà là nguồn cảm hứng giúp anh đến với nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên Joe khẳng định rằng dù mẹ có chức vụ cao ở Nike nhưng anh chưa từng được nhận bất kỳ thông tin nội bộ nào của công ty cũng như 1 mã giảm giá nào từ bà.

Về việc này, phóng viên Bloomberg đã không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía Ann. Tuy nhiên, đến ngày hôm qua, phía Nike đã có thông báo chính thức nói rằng bà Ann đã từ chức và quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

Trên thực tế, Nike không cho phép các nhân viên tham gia vào việc bán lại giày. Việc chỉ canh sẵn để mua giày giá gốc, sau đó bán lại với giá cao cũng là cấm kỵ. Chưa kể đến việc, trong thời gian làm việc tại Nike, có giai đoạn bà Ann Hebert chịu trách nhiệm quản lý ứng dụng SNKRS - nơi những người sưu tầm giày hiếm của Nike canh mua các phiên bản giới hạn, vì chúng thường hết hàng ngay khi vừa được tung ra.

Dĩ nhiên, Joe không chỉ là dân Reseller với riêng giày Nike. Như anh chia sẻ: "Tôi sẽ tham gia mua bất cứ sản phẩm nào có tiềm năng mang lại lợi nhuận".

Như đợt Sony ra mắt PlayStation 5 vào hồi tháng 11 vừa qua, cảm thấy mặt hàng này sớm hết hàng, anh đã phải rất vất vả sử dụng bot đặt mua trên website của các nhà bán lẻ như Target và Walmart. Kết quả, Joe tiết lộ rằng: "Tôi mua được tổng cộng 24 bộ và lời 300 – 500 USD với mỗi bộ".

Nguồn: Bloomberg BusinessWeek

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM