Lập ‘siêu ủy ban’: Bộ trưởng nêu rõ mục tiêu duy nhất

22/09/2016 08:56 AM | Kinh tế vĩ mô

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn cho rằng các ý kiến khác nhau về cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp là điều dễ hiểu, nhưng Bộ KHĐT chỉ có một mục tiêu duy nhất khi đưa ra đề xuất này.

Bộ KHĐT hiện đang chủ trì soạn thảo Nghị định về việc thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, mà theo đề xuất của Bộ sẽ có tên gọi Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc phải thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước hiện nay đã quá cấp bách, vì không thể để khối tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp trị giá hơn 5 triệu tỷ đồng tiếp tục lãng phí, thất thoát hoặc sử dụng kém hiệu quả.

Theo Bộ trưởng, chúng ta thấy được điều đó ngay ở những dự án ngàn tỷ hiện không phát huy hiệu quả mà công luận cũng như nhiều cơ quan chức năng đã đề cập trong thời gian qua.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra sự lãng phí này. Một trong những nguyên nhân chính là khâu quản lý hiện đang phân tán, thiếu hiệu quả, thiếu trách nhiệm. Để khắc phục vấn đề này, thì một cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn và tài sản của nhà nước ở các DN là rất cần thiết. Hơn nữa, những vấn đề về pháp lý của cơ quan này cũng đã chín muồi.

Cụ thể, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định rõ “tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các DN. Thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN”.

Theo Luật Tổ chức Chính phủ 2015, các bộ, cơ quan ngang bộ không còn chức năng “thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại DN” như trước đây. Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN cũng không còn quy định về sự tham gia của các bộ quản lý tổng hợp vào thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DN.

Trước những ý kiến phản biện, Bộ trưởng cho biết Bộ KHĐT rất trân trọng các ý kiến đóng góp, phản biện từ các tổ chức, chuyên gia và luôn lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu tất cả các ý kiến. Dù rất khác nhau, nhưng các ý kiến đều có điểm tương đồng với quan điểm của Bộ KHĐT rằng việc thành lập một cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN đã không thể chậm trễ hơn được nữa. Các vấn đề cần thảo luận, bàn bạc là mô hình cơ quan này ra sao, chức năng và phạm vi hoạt động thế nào?

Cũng theo Bộ trưởng, nếu cơ quan này được thành lập thì quyền nắm giữ khối tài sản này của các cơ quan, nhất là các bộ sẽ không còn. Vì vậy, sự nghi ngờ, thậm chí là phản đối là điều dễ hiểu. Hơn nữa, nghị định đang trong quá trình hoàn thiện, mô hình, phương thức và công cụ hoạt động hiệu quả cho cơ quan này đang được xác định, lo ngại gia tăng cũng là điều hiển nhiên.

“Quản lý và sử dụng hiệu quả số vốn tài sản khổng lồ của nhà nước, góp phần vào sự thịnh vượng chung của quốc gia là mục tiêu duy nhất mà Bộ KHĐT theo đuổi khi xây dựng nghị định này”, Bộ trưởng khẳng định. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết ông kỳ vọng cơ quan này sẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả quá trình cổ phần DNNN.

Về vấn đề bộ máy hành chính, khi thành lập cơ quan thống nhất đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DN, đương nhiên những cơ quan đang thực hiện chức năng này ở các bộ, ngành sẽ phải ngừng hoạt động hoặc chuyển sang nhiệm vụ khác.

Trả lời câu hỏi về công tác giám sát cơ quan này, Bộ trưởng cho biết người dân, báo chí và Quốc hội, Chính phủ, cùng các cơ quan liên quan sẽ giám sát cơ quan này theo một cơ chế minh bạch thông tin theo hướng hiện đại nhất, tiện lợi nhất. Mọi sai phạm của bất cứ cá nhân nào của cơ quan này trong quá trình hoạt động cũng sẽ được xử lý nghiêm minh theo pháp luật, trách nhiệm cá nhân sẽ được tăng cường nhờ cơ chế này.

Theo Thanh Hằng

Cùng chuyên mục
XEM