Lập kỷ lục doanh số và lợi nhuận, Apple tiếp tục coi Việt Nam là một thị trường "quan trọng"

30/01/2020 10:05 AM | Kinh doanh

Có vẻ, người dùng Việt Nam đang có xu hướng "chịu chi" hơn khi bỏ tiền mua iPhone.

Apple đã kết thúc năm 2019 một cách không thể hoàn hảo hơn. Trong quý cuối năm, cũng là mùa mua sắm bận rộn tại nhiều thị trường quan trọng, Apple đã chứng kiến cả doanh thu lẫn lợi nhuận đạt mức kỷ lục: lãi ròng 22,2 tỷ USD trên 92 tỷ USD thu về. Không chỉ tiếp tục gia tăng doanh số trên các mảng wearable (AirPods, Apple Watch) và dịch vụ, Apple cũng đã chấm dứt được mạch suy giảm của iPhone, đưa doanh số smartphone tăng trở lại sau suốt 1 năm trời suy thoái.

Cũng trong quý kỷ lục này, Apple cũng không quên nhắc tới các tín hiệu đáng mừng tại Việt Nam. Trong cuộc họp cổ đông sau khi công bố tài chính, các lãnh đạo của Apple đã chỉ ra rằng "doanh thu iPhone đạt mức kỷ lục tại nhiều thị trường, [bao gồm Việt Nam]". iPad cũng tiếp tục tăng trưởng trên mảnh đất hình chữ S, và tính trên tất cả các mảng kinh doanh, Apple đã "thiết lập kỷ lục doanh số tại nhiều thị trường đã phát triển và đang phát triển có vai trò quan trọng như Mỹ, Anh, Đức, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam".

Lập kỷ lục doanh số và lợi nhuận, Apple tiếp tục coi Việt Nam là một thị trường quan trọng  - Ảnh 1.

Doanh số của Apple tại Việt Nam vừa đạt mức cao kỷ lục.

Thông tin chính thống từ Apple tỏ ra khá trái ngược với suy đoán của các nhà phân tích thị trường. Cách đây vài tuần, công ty GfK đưa ra thông báo cho thấy thị phần của Apple trong 11 tháng đầu năm 2019 đã suy giảm khá mạnh so với cùng kỳ 2018, từ 8,5% xuống còn 7,1%. Như vậy, rất có thể người dùng Apple tại Việt Nam đang thay đổi theo hướng cao cấp hơn – mua ít iPhone hơn nhưng lại "bạo chi" hơn mỗi lần mua sắm, tức là bỏ tiền ra để chọn iPhone hạng sang thay vì iPhone "thường".

Trước đó, nhiều chuỗi bán lẻ đã công bố ngừng kinh doanh iPhone XR, mẫu smartphone mác Táo "giá mềm" bán rất chạy trên thị trường quốc tế. Đây là một tín hiệu cho thấy người Việt thực sự ưa chuộng iPhone đắt tiền chứ không đặt nặng yếu tố giá cả khi mua hàng mác Táo.

Cũng trong năm 2019, Việt Nam cũng đã nhiều lần được nhắc tên với vai trò là đích đến tiềm năng cho các thương hiệu Mỹ đang tìm cách tránh ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Gần đây, tờ Nikkei Nhật Bản cho biết Pegatron, một trong những đối tác lắp ráp iPhone quan trọng bậc nhất của Apple, đang xem xét xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Danh sách cung ứng của Apple cho thấy công ty này đang có khoảng 20 địa điểm sản xuất tại mảnh đất hình chữ S:, trong đó bao gồm nhiều địa điểm của Foxconn, Pegatron, Sharp và cả... Samsung. Nếu tiếp tục gia tăng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, Apple hoàn toàn có thể nghĩ đến những con số rực rỡ hơn nữa trong tương lai, tương tự như những gì Samsung đã đạt được sau 1 thập niên chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo LIAM

Từ khóa:  apple
Cùng chuyên mục
XEM