Lao động thời 4.0: Công nghệ giúp tiết kiệm sức lao động

02/05/2022 16:17 PM | Xã hội

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ giúp chúng ta tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất công việc.

Với công việc nhà, robot hút bụi, máy rửa bát làm thay chúng ta. Với nghề tài xế,nay cũng có nhiều cuốc xe hơn với công nghệ, không phải chờ lâu một chỗ giữa trời nắng trưa hè, thanh toán cũng dễ dàng hơn. Còn trong nghiên cứu, khoa học, sản xuất, nhiều lĩnh vực khác,... thì nhiều vô kể. Mỗi năm chúng ta lại thấy thế giới có thêm những sáng tạo công nghệ mới. Còn với lĩnh vực đề cao yếu tố con người như giáo dục, công nghệ cũng đang dần giúp thầy cô đạt hiệu quả cao trong dạy học.

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO TIẾT KIỆM SỨC LAO ĐỘNG TRONG GIÁO DỤC

Là giảng viên luyện thi IELTS, mỗi ngày, thầy giáo Đinh Quang Đức phải chia thời gian để vừa soạn bài mới, giảng bài, vừa có thời gian giải kỹ các vấn đề để học viên tiến bộ. Công việc chữa kỹ năng Nói, Viết thường mất nhiều thời gian và công sức, dù được thực hiện từ xa.

Anh Đinh Quang Đức - giáo viên cho hay, để chữa 1 lỗi Writing sẽ cần 6 bước theo mô hình truyền thống. Về cơ bản tương đối mất thời gian.

Ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành trợ thủ đắc lực cho thầy cô giáo. Tự động hóa nhiều bước như: gắn thẻ dạng lỗi, giải thích, đưa ra hướng sửa lỗi, và đề xuất tài liệu bổ trợ cho học sinh. Thầy cô có thể tiết kiệm hàng giờ trong việc chữa bài. Còn học viên thì sớm có thể nhận bài chữa sớm, đẩy nhanh tiến độ cải thiện kỹ năng.

"Từ khi áp dụng công nghệ vào chấm, chữa: Có thể cắt giảm 4/6 bước, giảm thời gian làm việc. Thời gian chấm 1 bài: nếu theo truyền thống, với quy chuẩn vừa rồi thì hết 45 phút. Còn bây giờ chỉ còn 15 - 20 phút với AI. Khi có quy trình như vậy, giáo viên sẽ tập trung vào nhiệm vụ quan trọng hơn, có con người kiểm soát: là bước cuối, viết lại cho học sinh, giải thích sâu phần đó", giáo viên Đinh Quang Đức nói.

Dù có nhiều ưu việt, nhưng trí tuệ nhân tạo không thể thay thế giáo viên trong các công việc như giải đáp thắc mắc, lắng nghe học viên trong quá trình giảng dạy.

Anh Trần Hoài Nam - Giám đốc Công nghệ của một nền tảng học luyện thi trực tuyến chia sẻ, với cá nhân anh, nhất là với giáo dục, thì AI không thể thay thế được con người. Nhưng AI là công cụ rất đắc lực để hỗ trợ con người, trong việc nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian để tập trung vào những khía cạnh mà học viên cần nhất từ giảng viên của mình, giúp giáo viên đem lại nhiều giá trị cho học viên hơn.

Thông qua Internet, học sinh ở bất cứ đâu có thể tiếp cận học liệu, học thầy cô chất lượng mà không cần di chuyển xa. Song song là giảm thời gian làm việc, tăng năng suất cho giáo viên. Công nghệ là chìa khóa để hỗ trợ con người trong phát triển giáo dục nói riêng, và nhiều lĩnh vực khác nói chung.

Nói về việc đi làm, thì đó đã từng là đến cơ quan, đến nơi làm việc,… nhưng bây giờ, thời đại công nghệ 4.0, nhiều ngành nghề mới đã phát triển. Đặc biệt với sự tác động của COVID-19, theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng của Thương mại điện tử trong các năm gần đây khoảng 30 - 35%/năm. Và hứa hẹn bức tranh sẽ hoàn toàn thay đổi sau đại dịch. Ngày càng có nhiều người có thói quen mua sắm online.

Theo một báo cáo "Digital 2021" của WeAreSocial và Hootsuite thực hiện, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh của người Việt lên tới 96,9%, cao hơn mức trung bình chung của thế giới.

Cũng theo báo cáo năm 2021, tỉ lệ người dùng mạng xã hội tại Việt Nam là hơn 73% dân số.

Chính vì xu hướng sử dụng Internet, mua sắm online, nhiều người làm việc từ xa, sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng, nhiều ngành nghề mới đã ra mắt và chiếm ưu thế trên không gian mạng. Không giờ làm cố định, có thể không có nơi làm việc cụ thể. Thậm chí, nhân sự còn chỉ tồn tại trên Internet.

NGHỀ MỚI THỜI 4.0

Công nghệ phát triển, đặc biệt là sự bùng nổ của mạng xã hội nên rất nhiều nghề mới đã xuất hiện, đi cùng với những sự sáng tạo vô hạn của người trẻ.

Ví dụ như:

Influencer - Người có tầm ảnh hưởng qua MXH

Conten creater - Người sáng tạo nội dung

Reviewer - Người trải nghiệm sản phẩm

Không cần máy móc và không gian cầu kì, căn phòng 20m2 là đủ để một thanh niên tạo ra những video trên tiktok và xây dựng cộng đồng hơn 600.000 người theo dõi.

Và nếu Influencer cảm thấy công việc của mình vất vả quá, thì một phiên bản đặc biệt hoàn toàn có thể thay thế những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội xuất hiện, đó là người ảnh hưởng ảo..

Lao động thời 4.0: Công nghệ giúp tiết kiệm sức lao động - Ảnh 1.

Công nghệ phát triển, đặc biệt là sự bùng nổ của mạng xã hội nên rất nhiều nghề mới đã xuất hiện. Ảnh minh họa.

Công nghệ cùng mạng xã hội phát triển cũng đã giúp cho nhiều nghề trở nên phổ thông hơn. Để giờ đây những game thủ đã được công nhận như một nghề. Esport trở thành môn thể thao chính thức của SEA Games và Việt Nam cũng có đại diện tham dự sân chơi Đông Nam Á này.

Những nghề mới xuất phát từ nhu cầu xã hội, nhưng đã đóng góp nhiều vào sự phát triển của nhiều mặt trong cuộc sống. Vậy nên mỗi người trẻ cũng cần có bộ lọc của riêng mình để mang đến những sản phẩm sáng tạo nên tác động tích cực cho cộng đồng.

Những công việc đã từng thịnh hành, nay lại dần mai một trong dòng chảy hiện đại. Bên cạnh sự phát triển chóng mặt của công nghệ, vẫn có những người "bám trụ" với nghề. Người làm nghề còn ít, nhưng tâm huyết thì vẫn còn nguyên!

NGHỀ MUÔN NĂM CŨ

Công nghệ phát triển khiến cho nhiều thói quen của con người thay đổi. Ngay cả với việc đọc báo. Thế nhưng 5h hàng ngày, vẫn có những người thầm lặng dán báo để giữ một thói quen xưa: "đọc báo đứng".

Còn ở những làng quê, không khí hăng say lao động vẫn luôn là ‘đặc sản’. Những người phụ nữ vót nan tre kết hợp tay và miệng điêu luyện như những nghệ sĩ xiếc

Mỗi người lại có một lý do để bám trụ với nghề, có thể bởi mưu sinh, có thể là yêu nghề, yêu những sản phẩm của mình làm ra. Nhưng ở họ có một điểm chung là niềm hăng say với lao động, để những nghề muôn năm cũ còn mãi với thời gian.

Có thể 10 năm, 20 năm, 30 năm nữa,... sẽ không còn nhìn thấy hình ảnh của những người làm những công việc này nữa. Với những sự thay đổi của thời đại, phát triển của robot và tự động hóa,, nguồn nhân lực Việt Nam sẽ cần nhanh chóng thay đổi, tạo lợi thế cạnh tranh với công nghệ và nguồn lao động quốc tế.

Cũng sẽ khó có thể hình dung, tương lai có như hình ảnh trong bộ phim "Wall-E", với bối cảnh thế kỷ 29, nơi con người được phục vụ bởi những cỗ máy, di chuyển trên xe scooter và trở nên béo phì vì lười vận động?

Thế nhưng chúng tôi tin rằng, dù ở thời đại nào, sức lao động, trí óc, chất xám của con người vẫn sẽ không thể bị thay thế để chính con người làm chủ công nghệ, tối ưu hóa lao động.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM