Lãnh đạo VPBank và HDBank nói gì về khả năng được nới “room” ngoại lên 49%?

26/04/2023 13:56 PM | Kinh doanh

Hai ngân hàng xác nhận có kế hoạch, ý định nhận chuyển giao bắt buộc đối ngân hàng yếu kém.

Lãnh đạo VPBank và HDBank nói gì về khả năng được nới “room” ngoại lên 49%? - Ảnh 1.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên HDBank diễn ra sáng nay (26/4), cổ đông đã đặt câu hỏi với ban lãnh đạo ngân hàng về việc có khả năng được nới “room” sở hữu nước ngoài lên 49% hay không. Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết: “Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thông qua các quy định, tạo điều kiện để cho các tổ chức tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. Vì vậy các tổ chức tham gia đều có cơ hội nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (“room” ngoại) lên 49%. Hiện đề án của HDBank đang trong giai đoạn trao đổi và bảo mật thông tin nên chưa thể công bố, khi nào được phép chúng tôi sẽ thông tin tới cổ đông”.

Trước đó, vấn đề này cũng được cổ đông VPBank đặt ra tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 18/4. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết chưa thể có câu trả lời chính xác. Ông Dũng nói tại đại hội: “VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc. Chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng. Hiện tại chúng tôi mới chỉ có thể thông tin như vậy. Trong dự thảo đề án, trong 4 ngân hàng tham gia thì có 2 ngân hàng được nới room ngoại lên 49%. Trong đề án có nội dung vậy, nhưng còn phụ thuộc vào quá trình phê duyệt. Hiện tại tôi chưa thể nói điều gì chính xác được”.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có Tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Theo đó: “ Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) vượt giới hạn quy định tại khoản 5 Điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc ”.

NHNN cũng cho biết, theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó, có 2 ngân hàng nhận chuyển giao tại phương án có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.

Thời gian qua, 4 ngân hàng là Vietcombank, MB, VPBank, HDBank đã xác nhận là có kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.

Chiếu theo tờ trình của NHNN, Vietcombank không đủ điều kiện được nới “room” ngoại lên 49% do Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn. Do vậy, cơ hội được nới “room” thuộc về 3 ngân hàng còn lại là MB, HDBank và VPBank.

Theo Minh Vy

Cùng chuyên mục
XEM