Lãnh đạo TP.HCM nghĩ sao khi công chức chia sẻ vẫn phải... "mẹ nuôi"?

06/01/2018 09:48 AM | Xã hội

"Định rằng chồng nuôi em nhưng hiện nay chồng em cũng đang làm trong cơ quan nhà nước nên mẹ chồng phải nuôi hai bọn em…" - một nữ công chức TP.HCM chia sẻ.

Hơn 100 cán bộ, công chức trẻ tại các sở ngành, quận, huyện trên địa bàn TP.HCM tham gia cuộc đối thoại với lãnh đạo thành phố.

Sáng 5/1, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND TP  Trần Vĩnh Tuyến và các lãnh đạo sở ngành TP.HCM đã có cuộc đối thoại với các cán bộ, công chức trẻ.

Tại đây các lãnh đạo TP đã nhận được nhiều ý kiến rất thẳng thắn về các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cán bộ, công chức thành phố, đặc biệt liên quan đến thu nhập.

Đề cập đến mức lương đối với cán bộ công chức, anh Bùi Anh Huấn (Ban quản lý Đường sắt đô thị) cho rằng, không nên trả lương theo cách cào bằng như hiện nay.

“Sự cào bằng sẽ không giữ được chất xám trong cơ quan nhà nước. Chúng ta cần trả lương theo vị trí công tác, thâm niên và năng suất công việc” - anh Huấn nói.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, một nữ nhân viên của Ban an toàn thực phẩm thành phố cho biết, khi vừa ra trường chị mong muốn có một công việc ổn định nên xin vào làm việc trong cơ quan nhà nước.

“Định rằng chồng nuôi em nhưng hiện nay chồng em cũng đang làm trong cơ quan nhà nước nên mẹ chồng phải nuôi hai bọn em. Em mong thành phố cải thiện mức lương để cán bộ công chức có thể cống hiến và không để mẹ chồng nuôi như hiện nay” – nữ nhân viên này chia sẻ với lãnh đạo thành phố.

Trả lời câu hỏi của các công chức trẻ sau đó, Phó Chủ tịch thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, muốn tăng thu nhập cần phải cải cách tổng thể vì “bộ máy hiện nay đã quá lớn”.

Tuy vậy ông Tuyến cũng cho rằng: “Hình như chúng ta càng cải cách càng phình ra thêm. Và mỗi người chỉ tăng vài trăm ngàn đồng thì cả nước sẽ thêm vài chục ngàn tỷ”.

Theo ông đây là bài toán lớn của cả nước, chứ nếu một mình thì thành phố không làm nổi.

“Nhiều người không dám trả lời bạn bè, người yêu rằng mình làm cán bộ, công chức phường, xã vì còn kèm theo nhiều định kiến. Còn ở Singapore, người ta rất tự hào khi nói mình làm cán bộ, công chức nhà nước vì vào được phải là những người có trình độ” – ông Tuyến cho hay.

Ông Tuyến chia sẻ rằng, ngoài thu nhập cần phải quan tâm tới môi trường, cơ hội làm việc. Đề cập đến mức lương, từ Nghị quyết 54 (cơ chế đặc thù), ông Tuyến cho rằng trong ba năm tới, thành phố đã có nguồn ngân sách để có thể tăng 1,8 lần so với hiện nay. Các đơn vị cần đẩy mạnh tự chủ và tiết kiệm, vì đó cũng là cách tăng thu nhập cho người lao động.

Sau buổi làm việc, PV Infonet đã có cuộc trao đổi ngắn với nữ nhân viên của Ban an toàn thực phẩm thành phố:

Tại sao chị và chồng không “dũng cảm” nghỉ việc tại cơ quan nhà nước để ra ngoài làm, trong khi mức lương hiện tại không đủ trang trải cho cuộc sống và phải nhờ vào mẹ?

- Tôi có hướng lập gia đình từ sớm và muốn có một công việc ổn định để lo cho con cái sau này, chính vì vậy tôi vào làm nhà nước. Thật ra tôi nói với ý mong muốn thành phố có cơ chế để thay đổi chính sách lương cho cán bộ công chức.

Nếu thời gian tới chính sách về lương của thành phố không thay đổi thì chị có tiếp tục gắn bó với cơ quan hay không?

- Mỗi người có một định hướng khác. Với tôi, tôi muốn ổn định để lo cho gia đình, nhưng với nhiều bạn trẻ năng động thì tôi nghĩ ra ngoài cũng là một hướng tốt.

Xin cảm ơn chị.

Theo Nguyễn Cường

Cùng chuyên mục
XEM