Lãnh đạo Saigon Co.op, Central Retail, AEON giải oan lời đồn “chuỗi siêu thị lớn luôn làm khó và chưa trân trọng nông đặc sản Việt”?

17/03/2023 17:13 PM | Kinh doanh

Theo đại diện của các DN có các chuỗi siêu thị lớn là Saigon Co.op và Central Retail, việc các nông sản Việt như trái cây lép vế trước hàng ngoại nhập, là bởi các DN quốc nội chưa làm chất lượng – sản lượng – bao bì mẫu mã tốt bằng các đối thủ. Hơn nữa, những đơn vị làm VietGap, GlobalGap không phải tất cả đều làm đúng, mà còn có ‘không đúng và hơi đúng’.

Lãnh đạo Saigon Co.op, Central Retail, AEON giải oan lời đồn “chuỗi siêu thị lớn luôn làm khó và chưa trân trọng nông đặc sản Việt”? - Ảnh 1.

Nguồn cung ít – theo mùa vụ cộng với chất lượng không ổn định là 2 rào cản lớn nhất của nông sản Việt

Trong quá trình nói chuyện và tiếp xúc với các startup - SMEs chuyên sản xuất thực phẩm – nông sản Việt Nam, hẳn chúng ta không ít lần nghe các CEO than phiền về những khó khăn khi muốn đưa hàng lên kệ các chuỗi siêu thị hoặc dù lên kệ nhưng hàng hóa vẫn chìm nghỉm trong một góc khuất siêu thị.

Những tưởng, chỉ những doanh nghiệp nhỏ mới rơi vào tình cảnh như thế, nhưng thật ra không phải.

Vì mới đây, trong Hội thảo “Hàng Việt Nam chất lượng cao và cơ hội vươn lên trong nền kinh tế xanh” , đại diện Vina T&T Group đã đứng lên chất vấn thẳng với đại diện Saigon Co.op và Central Retail: “ Vì sao, dù Vina T&T là nhà xuất khẩu trái cây lớn nhất miền Nam, nhưng khi tiếp cận các chuỗi siêu thị để bán trái cây còn khó hơn xuất khẩu.

Các chuỗi siêu thị luôn bảo ‘tiêu chuẩn của chúng tôi rất cao’ nhưng giá thành bán ra lại thấp – không bằng với giá xuất khẩu. Chưa hết, ở các quầy trái cây, khi nào hàng Việt cũng lép vế so với hàng nhập ở vị trí trưng bày hoặc làm marketing, tại sao lại vậy? Tương lai nào cho ngành nông sản Việt Nam, trong khi ngay sân nhà của mình mà còn làm chưa tốt?!”.

Lãnh đạo Saigon Co.op, Central Retail, AEON giải oan lời đồn “chuỗi siêu thị lớn luôn làm khó và chưa trân trọng nông đặc sản Việt”? - Ảnh 2.

Vina T&T Group đang tham dự một hội chợ ở Thái Lan.

Về vấn đề này, ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) , chia sẻ như sau: tính thiếu ổn định của chất lượng và sản lượng của nông sản Việt ảnh hưởng nhiều đến khả năng thu mua của các chuỗi siêu thị. Vậy nên, cuộc đua đưa hàng vào siêu thị là một cuộc đào thải khốc liệt.

Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tập trung vào các tiêu chuẩn đang có trên thị trường như VietGap và GlobalGap. Cái cần của Saigon Co.op là làm sao tìm được đơn vị sản xuất đúng tiêu chuẩn trên giấy tờ; vì thực tế thì có người làm đúng, có người làm không đúng và cũng có người làm hơi đúng đúng.

Năm 2020, chúng tôi từng làm việc với một đối tác thực hành đúng hết các tiêu chuẩn canh tác hữu cơ, nhưng lại không có giấy chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, chuẩn hữu cơ Việt Nam cũng khác chuẩn hữu cơ quốc tế. Chúng tôi phải tìm được tệp nhà cung cấp sạch đúng với nhu cầu hiện tại và tương lai của khách hàng mình.

Bên cạnh đó, các nông trại và vùng trồng lớn của Việt Nam vẫn đang canh tác theo mùa vụ, tới mùa thu hoạch có khi phải ‘giải cứu’, ngược lại, hết mùa thì không có hàng để bán. Mới đây, chúng tôi vừa có ý định làm chiến dịch quảng bá cho dưa lưới, thì nhà cung cấp dưa lưới thấy xuất khẩu được giá nên tập trung vào xuất khẩu, vậy là chúng tôi bị đứt hàng.

Trong khi, nhập bao nhiêu container thì đều có kế hoạch trước và rất ổn định – rất hiếm trường hợp bị ‘lật kèo’. Sắp tới, để đa dạng hóa mặt hàng, chúng tôi quyết định sẽ bày bán thêm sản phẩm của các HTX quốc tế.

Về phần bao bì: so sánh sản phẩm nhập khẩu bao bì luôn bắt mắt hơn trong nước – ví dụ như bao bì của dâu tây nhập từ Hàn Quốc hay Nhật Bản luôn đẹp hơn của Đà Lạt. Với chúng tôi, cái gì bán tốt thì phải tập trung và luôn tự hỏi khách hàng cần gì ”, ông Lê Trường Sơn bày tỏ.

Lãnh đạo Saigon Co.op, Central Retail, AEON giải oan lời đồn “chuỗi siêu thị lớn luôn làm khó và chưa trân trọng nông đặc sản Việt”? - Ảnh 3.

Dâu nhập khẩu luôn có bao bì đẹp.

Trong những năm gần đây, Saigon Co.op luôn trăn trở vì muốn hỗ trợ DN SMEs và năng lực còn hạn chế tại Việt Nam, bởi họ vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn khi khi muốn đưa hàng vào siêu thị. Muốn vào các chuỗi siêu thị như Co.opmart hoặc Co.opFood thì các nông trại phải cung cấp từ từ 50 tấn đến vài ngàn tấn nông sản, chứ không thể cung cấp vài trăm cân như thông thường.

Trước nay, hầu hết nông trại và nông hộ tại Việt Nam có quy mô canh tác hạn chế. Giải pháp là phải tập hợp tất cả lại, đứng trong liên minh, thì mới dễ nói chuyện với nhà bán lẻ, tuy nhiên, để làm được điều đó không phải ‘một sớm, một chiều’ là có thể.

Hiện Saigon Co.op có khoảng 1.000 cửa hàng/siêu thị phục vụ khách hàng từ bình dân đến cao cấp; có hệ thống cửa hàng tiện lợi Co.opSmile, siêu thị mini Co.opFood, siêu thị cỡ trung Finelife, lớn Co.opmart và đại siêu thị Co.opXtra… Mỗi ngày, Saigon Co.op đón hàng triệu lượt khách tham quan mua sắm và có khoảng 18.000 nhân sự trên khắp cả nước.

Đồng tình với nhận định của đồng nghiệp, ông Lê Thành Trung – Quản lý Thương mại Chuỗi Giá trị nông sản, Central Retail Vietnam cũng cho biết thêm: Việc thu mua trái cây trực tiếp từ nông hộ là rất khó, vì thỉnh thoảng người nông dân ký kết trên giấy tờ là sẽ bán vườn này, nhưng cuối cùng lại cắt ở vườn kia. Vậy nên, siêu thị rất khó bảo đảm sự ổn định chất lượng và sản lượng!

Chúng tôi đã có chương trình ‘Sinh kế cộng đồng’ nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ lẽ có thể đưa sản phẩm vào siêu thị. Sau 7 năm thực hiện chương trình này, chúng tôi đã thực hiện 10 dự án khắp Việt Nam và làm việc với hơn 100 nông trại – HTX – doanh nghiệp. Theo đó, chúng tôi đã rút ra 6 bài học sau dành cho các nhà cung cấp lẫn các chuỗi siêu thị ”, ông Lê Thành Trung tiếp lời.

Lãnh đạo Saigon Co.op, Central Retail, AEON giải oan lời đồn “chuỗi siêu thị lớn luôn làm khó và chưa trân trọng nông đặc sản Việt”? - Ảnh 4.

Lãnh đạo Saigon Co.op, Central Retail, AEON giải oan lời đồn “chuỗi siêu thị lớn luôn làm khó và chưa trân trọng nông đặc sản Việt”? - Ảnh 5.

Chương trình ‘Sinh kế cộng đồng’ của Central Retail Vietnam

Thứ nhất, muốn sống sót và phát triển bền vững, các nhà cung cấp phải đề cao sự thích nghi; đã có 2 HTX của trong chương trình ‘Sinh kế cộng đồng’ đã giải thể sau Covid-19.

Thứ hai, một doanh nghiệp có câu chuyện hay là rất tốt, vì đó là chất liệu tuyệt vời để làm marketing – PR. Nhưng cuối cùng, thì câu chuyện hay có đồng nghĩa bán được hàng tốt, khách hàng mua câu chuyện hay là sản phẩm?! Nên thay vì tập trung kể chuyện thì hãy ưu tiên nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm liên tục. Sản phẩm tốt mà kể chuyện không hay vẫn có thể sống sót, nhưng kể chuyện hay mà sản phẩm dở thì sẽ chết chậm.

Thứ ba, tính chất mùa vụ của hầu hết nông đặc sản Việt Nam, dẫn tới tình trạng ‘lúc ăn không hết, lúc lần chẳng ra’.

Thứ tư, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm tới tiêu chuẩn – chất lượng, nếu nông sản không có giấy chứng nhận thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ.

Thứ năm, lúc Central Retail Vietnam đến hỗ trợ và đào tạo thì các nông trại – HTX thực hành nông nghiệp chất lượng rất tốt, nhưng khi họ đi rồi thì không làm nữa, ‘đâu lại vào đấy’. Đây không phải là vấn đề của mỗi dự án ‘Sinh kế cộng đồng’, mà của nhiều dự án hỗ trợ nông nghiệp của các tổ chức trong và ngoài nước khác.

Thứ sáu, hầu hết đặc sản – nông sản Việt Nam đều ở khu vực nông thôn, vậy nên, công tác logistics như tích trữ - kho bãi - vận chuyển cần được các bên cân nhắc cẩn thận nếu muốn đưa hàng vào các chuỗi siêu thị.

CÁC GIẢI PHÁP CỦA CÁC CHUỖI SIÊU THỊ

Với tư cách là một nhà bán lẻ quốc nội, ngọn cờ đầu của ngành siêu thị Việt Nam, Saigon Co.op đã có rất nhiều giải pháp khác nhau để cải thiện tình trạng trên.

Lãnh đạo Saigon Co.op, Central Retail, AEON giải oan lời đồn “chuỗi siêu thị lớn luôn làm khó và chưa trân trọng nông đặc sản Việt”? - Ảnh 6.

Ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)

Cách đây chưa lâu, tại Mekong Connect, họ đã ký kết với đối tác Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao và các bên khác, nhằm có thể kết nối 4 bên ‘cơ quan quản lý – nhà khoa học – nhà cung cấp – bán lẻ’ để có thể làm ra bộ ‘tiêu chuẩn xanh’ cao nhất đưa hàng vào siêu thị, kiểm soát chuỗi từ vùng trồng đến siêu thị.

Nhà nước đang có chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu TP.HCM kết hợp với các tỉnh khác. Phía doanh nghiệp như Saigon Co.op cho biết họ trăn trở rất nhiều về việc: vùng nguyên liệu ở miền Trung và miền Tây nên trồng cây gì chủ lực để vào các hệ thống Saigon Co.op? Trong năm nay, Saigon Co.op sẽ triển khai dự định này tại Đồng Tháp và Lâm Đồng – đây là chương trình đầu tư trọng điểm từ nhà bán lẻ và Nhà nước.

Với sự phối kết hợp giữa lãnh đạo địa phương và Sở Công thương các tỉnh, chúng tôi mong rằng dự án này sẽ có kết quả cụ thể, hiệu quả và thiết thực ”, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op mong đợi.

Về phần AEON, khi tiến hành khảo sát các nhà cung cấp, AEON Việt Nam nhận thấy một số vấn đề mà các nhà cung cấp quy mô nhỏ lẻ gặp phải. Chẳng hạn như: có đến 60% các nhà cung cấp cho biết họ cần hỗ trợ về thông tin, quy trình liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm; 40% gặp khó khăn khi tìm hiểu các chỉ số, thông tin trong quá trình kiểm nghiệm sản phẩm; 40% chưa đáp ứng năng lực quản lý hồ sơ công bố/tự công bố và nhãn sản phẩm trước khi đưa hàng vào hệ thống AEON.

Lãnh đạo Saigon Co.op, Central Retail, AEON giải oan lời đồn “chuỗi siêu thị lớn luôn làm khó và chưa trân trọng nông đặc sản Việt”? - Ảnh 7.

Lãnh đạo Saigon Co.op, Central Retail, AEON giải oan lời đồn “chuỗi siêu thị lớn luôn làm khó và chưa trân trọng nông đặc sản Việt”? - Ảnh 8.

Lãnh đạo Saigon Co.op, Central Retail, AEON giải oan lời đồn “chuỗi siêu thị lớn luôn làm khó và chưa trân trọng nông đặc sản Việt”? - Ảnh 9.

Các chương trình tập huấn dành cho các nhà cung cấp của AEON Việt Nam.

Vì vậy, từ năm 2020, AEON Việt Nam đã liên tục tổ chức hoạt động đào tạo cho các nhà cung cấp. Năm 2022, khóa đào tạo diễn ra tại cả hai miền Bắc và Nam, với 224 lượt học viên từ 115 nhà cung cấp, chủ yếu đến từ ngành hàng thực phẩm.

Đáng chú ý, năm 2022 là lần đầu tiên AEON Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, bao gồm Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM (Khu vực miền Nam); và Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội (Khu vực miền Bắc).

Đại diện AEON Việt Nam cho biết: “ Chương trình đào tạo của AEON Việt Nam nhằm giúp các nhà cung cấp hiểu được các tiêu chuẩn và biết cách áp dụng tiêu chuẩn vào thực tiễn. Từ đó, họ có thể nâng cao năng lực quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các siêu thị nói chung và của AEON nói riêng ”.

Hiện nay, tại hệ thống bán lẻ của AEON Việt Nam, sản phẩm nội địa chiếm hơn 80% tổng số hàng hóa, trong đó 90% các mặt hàng tươi sống là sản phẩm Việt Nam.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM