Lãnh đạo Huế ‘kêu trời’ vì nhiều người dân thiếu ý thức trong thiên tai: Không chủ động phòng chống theo khuyến cáo, đi ‘nhậu’ đến 2 giờ sáng mắc lụt gọi điện kêu cứu

12/10/2020 16:11 PM | Xã hội

Thừa Thiên Huế đang oằn mình gánh chịu lụt bão trong khoảng hơn tuần này, nhưng vẫn có không ít người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm của thiên tai lần này. Có không ít người vẫn cố tình chây ỳ, không tuân theo khuyến cáo di dời hoặc lợi dụng lực lượng cứu hộ ‘nhờ’ làm những việc lặt vặt.

Sau gần 1 tuần mưa to liên tục, tỉnh Thừa Thiên Huế đang bị ngập lụt nghiêm trọng, có những chỗ nước còn dâng cao hơn cả đợt lũ lịch sử năm 1999. Tuy nhiên, đáng lẽ với việc nước dâng lên từ từ và toàn tỉnh đã có những cảnh báo ngay từ đầu đợt lũ, sẽ không có nhiều thương vong đáng tiếc; song vì có rất nhiều người dân thiếu ý thức, khiến sự việc đã không như dự đoán.

Mới đây, trong một bài đăng trên Facebook của mình, ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã hết sức bức xúc vì sự coi thường ‘đại thiên tai’ của không ít người dân, khiến quá trình chống chọi lũ lụt thêm khó khăn và lãng phí nhiều nguồn lực, cũng như xảy ra nhiều mất mát đáng tiếc.

Nguyên văn status đó như sau:

Năm nay, lần đầu tiên tỉnh đưa vào hoạt động tổng đài 1900.1075 để tiếp nhận thông tin, hỗ trợ nhân dân phòng chống bão lụt. Rất nhiều yêu cầu, đề nghị cấp thiết của người dân trong bão lụt, thông qua tổng đài, đã được tiếp nhận, xử lý.

Cho dù là ban ngày hay đêm tối, cho dù là lúc tạnh ráo hay ngay trong cơn mưa lũ đang ở mức to nhất, các lực lượng chính quyền, công an, quân đội, y tế, dân quân tự vệ, các tổ tự quản, tình nguyện...cũng đều xông pha, không ngại nguy hiểm để cứu dân, hỗ trợ người dân, đem lại sự an toàn cao nhất có thể cho người dân.

Thế nhưng, đáng tiếc là có một số ít người vẫn có những hành động thiếu ý thức, không đúng mực, ỷ lại, yêu cầu không trung thực làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của lực lượng hỗ trợ.

Lãnh đạo Huế ‘kêu trời’ vì nhiều người dân thiếu ý thức trong thiên tai: Không chủ động phòng chống theo khuyến cáo, đi ‘nhậu’ đến 2 giờ sáng mắc lụt gọi điện kêu cứu - Ảnh 1.

Status của ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế

Nhiều người, khi tạnh ráo hoặc ban ngày cố tình chây ỳ, không tuân thủ những khuyến cáo, yêu cầu di dời của chính quyền, không chủ động phòng chống lũ theo nhắc nhở; đến khi nguy khó, vào lúc nước đã dâng cao, khi đêm tối, phải kêu cứu, gây khó khăn, nguy hiểm cho các lực lượng làm nhiệm vụ và quan trọng hơn là làm mất đi cơ hội để giải quyết các yêu cầu chính đảng của những người dân khác.

Một số người trình bày không trung thực để lợi dụng lực lượng cứu hộ "nhờ" làm những việc rất lặt vặt như đi mua nước uống; chuyển đến ở khách sạn do nhà bị tắt điện; tìm người nhà (đã thành niên) lội lụt đi chơi, đi nhậu lâu chưa về. Có nữ thanh niên đi nhậu đến 2 giờ sáng về bị mắc lụt cũng điện kêu cứu. Hoặc rất nhiều công việc chưa thiết yếu, cấp thiết khác tương tự.

Để giải quyết một yêu cầu của người dân, các đơn vị phải huy động lực lượng nhân lực và phương tiện đôi khi rất lớn. Lực lượng hỗ trợ làm việc liên tục đêm ngày trong suốt thời gian bão lũ kéo dài cũng rất mất nhiều sức lực.

Vậy nên, mong là mỗi người chúng ta cùng nâng cao ý thức chấp hành các khuyến cáo về phòng chống bão lũ, chủ động giải quyết những vấn đề trong khả năng của mình có thể, để dành cơ hội được hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, bất khả kháng.

Diễn biến bão lũ vẫn còn phức tạp. Cùng chung tay, chung ý thức chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua thử thách này.

Nỗi bức xúc của vị lãnh đạo này đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm của người dân trên địa bàn. Có một Facebooker còn luôn tiện ‘tố cáo’: Kính thưa bác Phó Chủ tịch. Khu vực Thuỷ Vân, cầu Như Ý 2, có nhiều hộ dân chủ quan không chuẩn bị nhu yếu phẩm. Do vậy, hiện tại đang cầm cự chỉ khoảng hai ngày nữa là hết lương thực (gạo, mì tôm,...). Cảm ơn Bác!

Lãnh đạo Huế ‘kêu trời’ vì nhiều người dân thiếu ý thức trong thiên tai: Không chủ động phòng chống theo khuyến cáo, đi ‘nhậu’ đến 2 giờ sáng mắc lụt gọi điện kêu cứu - Ảnh 2.

Rất nhiều người dân đồng tình với những bức xúc từ vị lãnh đạo tỉnh.

Hoặc một Facebooker khác đề nghị chính quyền nên mạnh tay hơn trong việc cưỡng chế ở một vài trường hợp: Cho em góp ý chính quyền nên thông báo, cưỡng chế MẠNH các trường hợp sản phụ chuẩn bị sinh đến các cơ sở Y tế để đảm bảo an toàn. Em thấy trường hợp Sản phụ mất tích sáng nay tại Phong An, Phong Điền đau lòng quá. Dân quá chủ quan, điện thoại lại hết pin tại các vùng lũ.

Theo báo Pháp luật và Bạn đọc, thông tin ban đầu, khoảng 9h sáng 12/10, sản phụ Hoàng Thị Phượng, ở thôn Phường Hóp (xã Phong An, huyện Phong Điền) có dấu hiệu trở dạ nên thuê thuyền chở đến bệnh viện để chuẩn bị sinh con. Tuy nhiên, khi đến đoạn cầu vượt đường sắt thuộc thôn Đông Lâm (xã Phong An) thì chiếc thuyền bất ngờ bị lật.

Phát hiện vụ việc, một số người dân đã chạy đến ứng cứu nhưng do nước lũ lớn, không có phương tiện cứu hộ nên đành bất lực. Nhận tin báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt để tổ chức tìm kiếm. Tuy nhiên, do nước đang lên cao và chảy xiết nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Đến chiều nay thì thi thể nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Về phía người dân, do mất điện trên diện rộng quá nhiều ngày, nên nhiều người dân không thể theo sát được những cảnh báo từ phái chính quyền, dẫn đến không thể ứng phó kịp trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ. Theo đó, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế nên có những cách truyền thông phù hợp hơn với tình trạng của người dân trong thiên tai ở hiện tại.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM