Lãnh đạo Go-Jek tiết lộ bí quyết thành công: Đổi mới sáng tạo dịch vụ cực nhanh và sử dụng hiệu quả dữ liệu mà mình có

05/06/2019 13:11 PM | Kinh doanh

Với mong muốn thoát khỏi cái bóng của Grab, chỉ trong vòng hơn 3 năm, Go-Jek đã sáng tạo ra hơn 20 dịch vụ/sản phẩm, với mong muốn thỏa mãn tất cả nhu cầu của một người từ sáng sớm cho tới tối muộn.

Mặc dù Nadiem Makarim – nhà đồng sáng lập Go-Jek từng thú nhận, mô hình kinh doanh của Go-Jek được ông lấy cảm hứng từ ứng dụng Grab của người bạn cùng lớp ở Trường Kinh doanh Harvard – Anthony Tan, nhưng Makarim chưa từng nghĩ mình sẽ yên phận ‘theo đuôi’ Grab, mà luôn muốn trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này tại Đông Nam Á.

Số lượng dịch vụ/sản phẩm của Go-Jek đang nhiều gấp đôi Grab

Năm 2012, Anthony Tan cho ra mắt app My Teski (tiền thân của Grab Taxi và Grab bây giờ) và cho đến hiện tại, tức chỉ trong vòng 7 năm, Grab đã có mặt tại 8 quốc gia – 168 thành phố ở Đông Nam Á.

Sau khi nhận thêm 1,46 tỷ USD tiền đầu tư trong vòng kêu gọi vốn Series H từ SolfBank vào tháng 3/2019, Grab đang được định giá 14 tỷ USD, trở thành ‘siêu kỳ lân’ ở châu Á và là công ty startup đắt giá nhất Đông Nam Á. Hiện tại, dịch vụ chủ yếu của Grab đều liên quan đến gọi xe và vận chuyển – khoảng 10 cái, gọi thức ăn – đặt hàng tươi sống – tạp hóa.

Hơn 2 năm sau, khi Grab đã đi được một quãng đường xa – hiện diện trong 5 nước châu Á, thì Go-Jek mới ra đời. Dù là người đi sau, song tham vọng của Go-Jek không nhỏ hơn Grab, họ muốn vượt qua Grab để trở thành "siêu ứng dụng" lớn nhất Đông Nam Á.

"Lợi dụng" việc Grab đổ hết tâm lực vào chuyện mở rộng lãnh thổ, Go-Jek âm thầm tập trung đa dạng hóa nhanh nhất có thể các dịch vụ trên ứng dụng Go-Jek. Thế nên, phải tới giữa năm 2018, họ mới bắt đầu mở rộng ra thị trường hải ngoại, khi quyết định đổ 500 triệu USD để tấn công thị trường Việt Nam, Thái Lan, Phillipines và Singapore.

Hiện tại, Go-Jek được định giá khoảng 10 tỷ USD. Trước khi quyết định đấu với Grab ở Đông Nam Á, trên app của Go-Jek đã có 18 dịch vụ, còn hiện tại số dịch vụ của họ đã lên con số trên 20.

Nếu không tính về độ phủ sóng hoặc giá trị doanh nghiệp mà chỉ tính về số lượng sản phẩm/dịch vụ trên một nền tảng, với tiêu chí "cần gì - có đó", thì Go-Jek mới là "siêu ứng dụng" số 1 tại Đông Nam Á chứ không phải Grab.

Những lợi thế cạnh tranh của Go-Jek 

Lãnh đạo Go-Jek tiết lộ bí quyết thành công: Đổi mới sáng tạo dịch vụ cực nhanh và sử dụng hiệu quả dữ liệu mà mình có - Ảnh 1.

Ông Antoine de Carbonnel – Giám đốc thương mại của Go-Jek

Theo ông Antoine de Carbonnel – Giám đốc thương mại của Go-Jek, sở dĩ Go-Jek có thể đi nhanh như thế là bởi họ ra đời cũng như bắt đầu phát triển trong thời điểm mà internet và kinh tế chia sẻ bùng nổ ở khu vực Đông Nam Á. Để có 1 triệu đặt chỗ, ở Thái Lan họ mất 240 ngày, Singapore mất 52 ngày và Việt Nam chỉ mất 47 ngày.

Go-Jek được các nước Đông Nam Á chào đón ‘ân cần’ như thế, một phần nhờ đối thủ Grab đã đi trước mở đường và ‘giáo dục’ người dùng.

Go Jek đang tạo ra một hệ sinh thái để liên kết người dùng – người bán – nhà cung cấp dịch vụ. Họ tạo ra sự liên kết của người dùng thông qua 3 kênh: người dùng có sẵn trên ứng dụng Go-Jek, qua các kênh digital marketing và qua các đối tác. Hệ sinh thái khép kín này phải có sự liên kết mạnh mẽ, giữ cho khối lượng giao dịch càng ngày càng nhiều hơn cũng như tạo ra nhiều data hơn, giúp người bán – người cung cấp dịch vụ - người dùng trên nền tảng ngày càng phát triển.

Go-Jek đưa người bán từ offline đến online, sử dụng dữ liệu - công cụ của Go-Jek và app để tìm tới khách hàng mục tiêu cũng như tìm khách hàng mới. Bên cạnh đó, Go-Jek hỗ trợ người bán giữ khách hàng bằng chương trình thưởng điểm cộng voucher cho khách hàng trung thành. Go-Jek đảm nhận việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ với các loại hình vận chuyển của Go-Jek.

Người bán quản lý hàng tồn kho và order từ khách hàng dễ dàng, thanh toán qua Go-Pay – giúp người bán quản lý tài chính với giao diện hợp nhất – tích hợp hệ thống CRM và phần mềm quản lý đặt hàng, có cho vay vốn lưu động.

Có thể nói, ứng dụng Go-Jek giống như tích hợp 1 lúc 3 ứng dụng gọi xe trực tuyến – thương mại điện tử - tài chính số.

Vòng lặp trong Go-Jek là như thế này: họ tạo ra các phân khúc khách hàng dựa trên 3 tiêu chí là khu vực và nhân khẩu học, người đã tải app và dùng chúng, dựa trên dữ liệu giao dịch để chạy các chương trình marketing, sau đó khuyến khích khách hàng mua sắm với các voucher giảm giá có thể đổi được tại các đối tác của Go-Jek, thanh toán qua các dịch vụ thanh toán tích hợp trong ứng dụng; tiếp theo là tương tác với khách hàng giúp làm giàu dữ liệu và hiểu biết insight bên trong khách hàng, thông qua giữ liệu giao dịch, vị trí địa lý và nhân khẩu học.

Vòng lặp này giúp họ cải tiến ngân hàng khách hàng – từng phân khúc, cũng như xem lại khách hàng mục tiêu xem đã chính xác chưa. 

"Tốc độ đổi mới sáng tạo trong việc tạo ra các dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng là một trong những điểm mạnh lớn nhất của Go-Jek. Trong vòng 3 năm, chúng tôi đã tạo ra 21 dịch vụ và đang thử nghiệm nhiều dịch vụ giải trí khác như Go-Live, Go-Studio, Go-Play", ông Antoine de Carbonnel chia sẻ.

Mục tiêu khi Go-Jek tạo ra nhiều sản phẩm/dịch vụ như thế là muốn chăm sóc cuộc sống trong một ngày của một con người, từ khi mở mắt rời khỏi giường cho đến khi nhắm mắt đi ngủ.

Ngoài các dịch vụ gọi xe – vận chuyển bình thường như của Grab, Go-Jek còn có các dịch vụ mà Grab không có, ví dụ như quét dọn nhà cửa Go-Clean, làm đẹp Go-Glam, mua hộ dược phẩm Go-Med, sửa chữa ô tô – xem máy Go-Auto, xoa bóp Go-Massage (có người cung cấp dịch vụ khiếm thị), mua vé phim – ca nhạc Go-Tix, chuyển dữ liệu Go-Send….

Để ứng dụng không bị sập nguồn và có thể hoạt động mượt mà dù cõng nhiều dịch vụ con cũng như sử dụng hiệu quả dữ liệu mà họ có để phục vụ công tác marketing, ngay từ năm 2017, Go-Jek đã đầu tư khá lớn cho lĩnh vực công nghệ, khi họ cùng lúc thành lập 2 văn phòng chuyên về thiết kế sản phẩm, khoa học và công nghệ tại Singapore và Ấn Độ - những cái nôi về công nghệ của châu Á.

Lãnh đạo Go-Jek tiết lộ bí quyết thành công: Đổi mới sáng tạo dịch vụ cực nhanh và sử dụng hiệu quả dữ liệu mà mình có - Ảnh 2.

Dịch vụ đặt phòng trực tuyến hợp tác giữa Grab và Agoda.

Tất nhiên, trước sự bành trướng của Go-Jek, Grab không thể ngồi yên. Theo thông tin từ giới truyền thống quốc tế, trong tháng 6 này, Grab có thể ‘thả xích’ 4 dịch vụ mới: đặt phòng khách sạn, truyền phát video theo yêu cầu, bán vé xem phim – ca nhạc và lập kế hoạch chuyến đi (cho ứng dụng ở Singapore). Ở dịch vụ đầu tiên, họ đã ký kết hợp tác chiến lược với Agda và Booking, còn ở dịch vụ thứ hai, họ tính kết hợp cùng nền tảng HOOQ – Singapore….

Nhưng, kể cả như thế, thì số lượng dịch vụ/sản phẩm của Grab cũng chưa bằng Go-Jek.

Tuy nhiên, nếu tính về tốc độ truyền bá các sản phẩm, cả hai đang bằng nhau, ví dụ như tại Việt Nam: Grab và cả Go-Jek mới có 3 dịch vụ cơ bản là đặt xe, giao nhận hàng hóa và đặt thức ăn.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM