Lãnh đạo các nhà băng Việt thú nhận về những điều khiến họ lo sợ nhất
Công nghệ số vốn đã có tuổi đời rất ngắn, dễ lạc hậu mà đôi khi còn bị vướng mắc bởi rào cản pháp lý, khiến công cuộc chuyển đổi càng thêm thách thức.
Tại Tọa đàm "Khởi động thông minh trong hành trình số hóa ngân hàng" diễn ra trong khuôn khổ diễn đàn công nghệ FTP Techday 2019 do Tập đoàn FPT tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Công ty EY Việt Nam đã bất ngờ đặt câu hỏi cho các nhà lãnh đạo ngân hàng: "Điều gì khiến các anh sợ nhất?"
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TPBank chia sẻ thành thật: "Tôi sợ nhất là mình làm xong một ý tưởng, dự án nào đấy, chạy "ngon" rồi mà cơ quan quản lý bảo không được, vi phạm. Bí mật kinh doanh thì không thể đi xin ý kiến hay hỏi cơ quan các cấp trước được. Dù bộ phận pháp chế của ngân hàng rất mạnh nhưng vẫn có khoảng trống giữa pháp luật và thực tế. Khi đó thì bao nhiêu công sức coi như không."
Còn với ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc VPBank thú nhận: "Công nghệ số sẽ làm hoán đổi vị thế cạnh tranh của các ngân hàng nói riêng và tất cả các ngành nói chung. Làm cách nào để cân đối, lấy ngắn nuôi dài, làm sao bảo đảm lợi nhuận của năm nay đồng thời vẫn đầu tư cho tương lai để duy trì vị trí cạnh tranh hoặc vươn lên vị trí top đầu. Đó là điều tôi lo sợ nhất trong thời đại công nghệ này."
Là người trả lời cuối cùng, Phó tổng giám đốc Sacombank bổ sung thêm: "Tuổi của một công nghệ số rất ngắn, không như những công nghệ khác, chỉ 3 - 4 năm. Nếu chúng ta, từ cấp trên xuống dưới, nếu không đồng lòng thì đến khi làm xong, đợi thẩm thấu dần thì công nghệ đó đã trở thành lạc hậu rồi."
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, không chỉ với ngành tài chính ngân hàng mà với cả nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam chưa bắt đầu tham gia chuyển đổi số vẫn ở mức 76%, gấp 1,5 lần so với thế giới. "Nếu không bắt đầu, chúng ta sẽ bị loại bỏ và dần biến mất vì chậm trễ trong chuyển đổi của toàn thế giới”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT nhấn mạnh.